Dầu WTI vẫn tăng gần 2% trong tháng qua bất chấp đà sụt hơn 5% trong phiên
Trong tháng 11, dầu WTI tăng 1.8%, dầu Brent vọt 3.7%
Tuần qua, dầu WTI sụt 4.5%, dầu Brent giảm 1.5%
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (29/11), xóa bớt đà tăng trong tháng 11, khi xuất hiện nhiều nghi ngờ hơn về việc thông qua gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới của OPEC sau các báo cáo, MarketWatch đưa tin.
Một báo cáo của Bloomberg vào ngày thứ Sáu cho biết Ả-rập Xê-út có thể sẽ cho thấy họ không còn sẵn sàng bù đắp phần dư sản lượng của các thành viên khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Nhà đầu tư cho rằng báo cáo này đã khiến các hợp đồng dầu thô tương lai sụt khoảng 5% trong phiên ngày tứ Sáu, qua đó khiến đà sụt giảm trong tuần nâng lên 4.5% đối với các hợp đồng dầu giao tháng 1, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Kỳ vọng OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại sau khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3/2020, khi OPEC nhóm họp tại Vienna vào ngày 05-06/12 tới, đã thúc đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2019 cách đây 1 tuần.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mong rằng OPEC và các đồng minh có thể đưa ra quyết định gần hơn đến tháng 4/2020 về việc liệu có nên gia hạn thỏa thuận sản lượng đã kéo dài 3 năm hay không. Nga được xem là một phần của OPEC+ với vai trò là nhà sản xuất chủ chốt và có ảnh hưởng lớn đến chính sách, mặc dù không phải là thành viên chính thức của Tổ chức.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex rớt 2.94 USD (tương đương 5.1%) xuống 55.17 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 1.8% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn mất 1.44 USD (tương đương 2.3%) còn 62.43 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Sáu. Tuần qua, hợp đồng dầu Brent giảm 1.5%, góp phần xóa bớt đà tăng trong tháng xuống còn 3.7%. Dẫu vậy, tháng 11 vẫn đánh dấu là tháng tăng mạnh nhất của hợp đồng này kể từ tháng 4/2019.
Dầu cũng suy yếu trong bối cảnh các báo cáo tin tức cho hay cảnh sát Luân Đôn cho biết “một vụ khủng bố” đã xảy ra ở khu vực trung tâm sầm uất của thành phố.
Sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC được cải thiện, kết hợp cùng với kỳ vọng thỏa thuận này được gia hạn sau tháng 3/2020 và đà suy giảm tăng trưởng sản lượng tại Mỹ đã tạo nên bức tranh tăng giá cho dầu thô cho đến ngày thứ Sáu.
Các vấn đề thương mại toàn cầu và khả năng ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu là một yếu tố chi phối khác. Tiến triển trong thương mại đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, hỗ trợ các thị trường rủi ro trên toàn thế giới. Tuy nhiên, động thái ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ có lợi cho Hồng Kông và chống lại chính quyền đại lục của Tổng thống Mỹ Donald Trump “đã không được Trung Quốc đón nhận một cách chính xác và… phần nào làm phức tạp thêm cuộc đàm phán thương mại giữa 2 bên”, các chuyên gia phân tích tại JBC Energy cho biết.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 12 sụt 4.9% xuống 1.5970 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 mất 3.5% còn 1.8789 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 lao dốc 8.8% xuống 2.2810 USD/MMBtu, ghi nhận phiên sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
An Trần
FILI
|