Dầu tiếp tục tăng nhờ lạc quan về thương mại
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng nhẹ vào ngày thứ Ba (26/11), tăng phiên thứ 4 trong 5 phiên vừa qua, trong bối cảnh hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhu cầu năng lượng, đặc biệt nếu OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng, MarketWatch đưa tin.
Thị trường đã tăng nhẹ sau một báo cáo từ hãng thông tấn Nga TASS, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất đồng minh, bao gồm Nga, đang cân nhắc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm từ 3 đến 6 tháng sau khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 03/2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 40 xu (tương đương 0.6%) lên 58.41 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn cộng 62 xu (tương đương 0.9%) lên 64.27 USD/thùng.
Kỳ vọng rằng 2 báo cáo về dự trữ tại Mỹ sẽ cho thấy đà sụt giảm dầu thô khi các báo cáo được công bố trong tuần này đã góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu và sẽ được theo dõi trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra vào đầu tháng 12. Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ công bố cập nhật về dự trữ dầu vào chiều ngày thứ Ba (26/11), còn báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào sáng ngày thứ Tư (27/11). Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts dự báo dự trữ dầu tại Mỹ giảm 600,000 thùng trong tuần trước.
Trong khi đó, các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm vào sáng ngày thứ Ba, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay. 2 bên đang cố gắng để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng tiến trình này gần đây đã gặp trở ngại do Trung Quốc tỏ ra thất vọng đối với việc Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc hồi tuần trước trước đã phát hành một tài liệu kêu gọi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhiều hơn, điều này giúp xoa dịu phía Mỹ, mặc dù nhiều nghi ngờ vẫn tồn tại.
Các hợp đồng dầu tương lai đã vọt lên đỉnh 2 tháng vào ngày thứ Năm tuần trước (21/11) trước khi quay đầu ảm đạm vào cuối tuần khi Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cho biết Bắc Kinh muốn hợp tác với Mỹ để đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng không e ngại “đấu tranh” để bảo vệ lợi ích của mình, Associated Press đưa tin.
“Chúng tôi… không kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng đáng kể ngay sau khi bất kỳ thỏa thuận một phần nào được ký kết”, Carsten Fritsch, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank, chia sẻ. “OPEC vẫn sẽ cần phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nếu muốn tránh tình trạng dư cung trong nửa đầu năm 2020, vốn sẽ khiến giá dầu chịu áp lực”.
Sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC được cải thiện, kết hợp cùng với kỳ vọng thỏa thuận này được gia hạn sau tháng 3/2020 và đà suy giảm tăng trưởng sản lượng tại Mỹ đã tạo nên bức tranh tăng giá cho dầu thô. Đó là một trong những vấn đề lớn mà OPEC sẽ giải quyết khi tổ chức cuộc họp để thảo luận về thị trường dầu mỏ vào ngày 05-06/12 ở Vienna. Khi các quan chức sẵn sàng đáp ứng, dầu Brent vọt khoảng 19% từ đầu năm đến nay, sau khi sụt gần 20% trong năm 2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 12 tiến 1.7% lên 1.7047 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 cộng 0.8% lên 1.9606 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 sụt 2.4% xuống 2.4700 USD/MMBtu, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/10/2019.
An Trần
FILI
|