Có nên thận trọng với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài?
Nếu như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới dù tăng 25.9% về số dự án nhưng giảm 14.6% về giá trị, thì dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế suốt thời gian qua.
Vì đâu vốn đầu tư ồ ạt chảy vào?
Trong năm 2017, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận 5,002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6.2 tỉ USD, tăng 45.1% so với năm 2016. Tiếp đến trong năm 2018, các con số này là 6,496 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 9.89 tỉ USD, tăng 59.8% so với năm 2017. Trong năm 2019, dù mới trải qua 10 tháng, nhưng đã có đến 7,509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10.8 tỉ USD, tăng 70.5% so với cùng kỳ năm 2018 và vượt giá trị của cả năm 2018.
Có nhiều nguyên nhân lý giải dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam thời gian qua, đầu tiên là nền kinh tế vĩ mô nói chung và tỷ giá tiền đồng ổn định đã giúp nhà đầu tư nước ngoài an tâm hơn nhiều so với trước đây, nhất là khi đặt trong bối cảnh nhiều đồng tiền của các quốc gia khác trồi sụt thất thường, thậm chí bị phá giá mạnh.
Mối quan hệ căng thẳng từ thương mại đến chính trị giữa các quốc gia như Mỹ - Trung, Hàn - Trung, Nhật - Trung, Nhật - Hàn trong những năm qua, cùng với những rối rắm tại các trung tâm tài chính như Hồng Kông thời gian gần đây, cũng đã góp phần thúc đẩy dòng vốn chuyển dịch sang các quốc gia Đông Nam Á để đa dạng hóa rủi ro, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, với tiềm năng tăng trưởng tích cực được giữ vững, cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai, các thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hấp dẫn, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng tại các nền kinh tế phát triển, rõ ràng Việt Nam đã trở thành nơi thu hút các tập đoàn tài chính, các công ty đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư, đẩy mạnh thâu tóm và sáp nhập.
Ảnh hưởng tích cực
Đứng về góc độ nhà đầu tư, việc rót vốn vào một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam không chỉ để tìm kiếm suất sinh lời tốt hơn, mà còn nhằm đa dạng hóa rủi ro như đã nói, dựa trên sự ổn định ở cả góc độ chính trị lẫn kinh tế. Về phía các quốc gia đón nhận luồng vốn FPI, những lợi ích nhận được là hiển nhiên, từ gốc độ cả nền kinh tế lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, dòng vốn ngoại tệ đổ vào mạnh mẽ sẽ quay ngược trở lại giúp thị trường ngoại hối ổn định, tạo điều kiện cho NHNN tăng cường mua ngoại tệ gia tăng dự trữ ngoại hối, thị trường chứng khoán cũng sôi động hơn khi có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi giới doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều thuận lợi khi gọi vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính nội địa. Việc các sản phẩm mới ra đời trên thị trường chứng khoán gần đây như chứng quyền, hay các bộ chỉ số mới đang xây dựng là VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index là một trong những minh chứng cụ thể, khi tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nhũng cổ phiếu đã hết room ngoại.
Bên cạnh đó, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao kỷ luật đối với các chính sách của chính phủ, mà việc Luật chứng khoán sửa đổi sắp được thông qua cũng nhằm mục tiêu nâng cao tính minh bạch và vận hành của thị trường tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Vẫn không ít lo ngại
Thứ nhất, nếu vốn FPI vào quá mạnh thì nền kinh tế tiếp nhận dễ rơi vào tình trạng phát triển quá nóng, dẫn đến bong bóng nếu không có giải pháp điều tiết phù hợp, nhất là các thị trường tài sản tài chính. Dù thị trường chứng khoán vẫn chưa cho thấy dấu hiệu này rõ ràng, nhưng thị trường bất động sản thời gian qua đã chứng kiến một số hiện tượng nóng sốt tại một số địa phương, khi dòng tiền nước ngoài đổ vào mua nhà đất tại các địa bàn này, gây rối loạn thị trường và đẩy giá trị bất động sản xa rời giá trị thực.
Chính vì vậy, việc ưu tiên chất lượng hơn số lượng là điều cần xem xét. Rõ ràng, với những thương vụ gần đây như KEB Hana Bank góp vốn vào BIDV là đáng hoan nghênh, vì không chỉ là dòng tiền minh bạch từ một trong những tổ chức tài chính quốc tế lớn, mà còn đi kèm theo đó là các giải pháp hỗ trợ về hoạt động kinh doanh, chiến lược, nguồn nhân lực. Ngược lại, có những thương vụ đầu tư từ các công ty ngỡ như đến từ các thiên đường thuế, nhưng dòng tiền mập mờ không thể xác định rõ ràng, là điều cần phải lưu ý.
Về cơ bản, dòng vốn FPI có đặc điểm là di chuyển vào và ra rất nhanh, nên có thể khiến cho hệ thống tài chính trong nước dễ bị tổn thương và rơi vào khủng hoảng tài chính, một khi gặp phải các cú sốc từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế. Dù Việt Nam vẫn chưa có chính sách tự do hóa tài khoản vốn, nhưng nhìn vào sự tháo chạy của dòng vốn quốc tế rút khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, bất chấp nỗ lực kiểm soát và thắt chặt của nước này, thì sự cẩn trọng không bao giờ là thừa.
FPI còn làm giảm tính độc lập của chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Đơn cử như khi dòng vốn ồ ạt đổ vào rồi sau đó rút ra, tất yếu sẽ gây áp lực giảm giá lên đồng nội tệ và thậm chí đẩy giá trị đồng nội tệ của nền kinh tế đó rớt về dưới giá trị thực, taọ nên những thách thức không nhỏ cho ngân hàng trung ương quốc gia để giữ được giá trị đồng tiền, trong đó có thể buộc phải sử dụng không chỉ kho dự trữ ngoại hối mà còn là giải pháp nâng lãi suất, hệ quả là tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Nhưng điều đáng quan ngại hơn là có những dòng vốn FPI núp bóng phía sau các mục đích chính trị nhằm gây ảnh hưởng, tác động đến chính sách quốc gia. Mới đây, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ trước Quốc Hội về việc cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên, nhưng thực tế là của doanh nghiệp, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch.. tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Một thống kê gần đây của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ vươn lên về hoạt động đầu tư trực tiếp mà còn đẩy mạnh vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, với giá trị vốn góp mua cổ phần tăng 40% trong 10 tháng đầu năm nay, theo sau mức tăng đến 65% của năm 2018. Trung Quốc cũng xếp vị trí số 2 xét theo số lượng với 1,470 thương vụ, chỉ xếp sau Hàn Quốc là 2,260 thương vụ.
Chính vì vậy, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, việc Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ rủi ro chuyển vốn, rút vốn ra nước ngoài, đây chính là điều cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Dù Việt Nam vẫn chưa có chính sách tự do hóa tài khoản vốn, nhưng nhìn vào sự tháo chạy của dòng vốn quốc tế rút khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, bất chấp nỗ lực kiểm soát và thắt chặt của nước này, thì sự cẩn trọng không bao giờ là thừa. |
Nhung Võ
FILI
|