'Các nước làm sân bay giá chỉ bằng 2/3 Long Thành'
Sân bay Đại Hưng ở Trung Quốc thiết kế 7 đường băng vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ USD. Sân bay Istanbul 4 đường băng cũng chỉ 12 tỉ USD trong khi sân bay Long Thành chỉ 2 đường băng nhưng vốn đầu tư lên đến 16 tỉ USD.
* Có yên tâm giao ACV làm sân bay Long Thành ?
* Nhà đầu tư tư nhân nói gì về việc 'chỉ định thầu' sân bay Long Thành?
TS Nguyễn Lâm Thành (ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) chỉ ra những điểm “chênh lệch” lớn về vốn của ba sân bay Đại Hưng, Istanbul và Long Thành - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Chính phủ kiến nghị giao Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, dự kiến khởi công năm 2021 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, việc vay vốn tiềm ẩn nguy cơ đội thêm nợ công và vốn đầu tư sân bay này cao hơn so với sân bay các nước...
Liệu có tăng nợ công?
Những băn khoăn này được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận ngày 12-11. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể hứa sẽ đảm bảo mặt bằng cho giai đoạn 1 của dự án và ACV có đủ năng lực tài chính để thực hiện.
So sánh về tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành với 2 sân bay hiện đại mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), TS Nguyễn Lâm Thành (ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đã chỉ ra những điểm "chênh lệch" lớn về vốn và đề nghị cần phải xem xét lại.
Cụ thể, sân bay Đại Hưng có diện tích 4.700ha, tương đương với Long Thành nhưng thiết kế đến 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ USD.
Sân bay Istanbul thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách/năm, vốn đầu tư chỉ 12 tỉ USD. Trong khi sân bay Long Thành chỉ có 2 đường băng, công suất 100 triệu lượt hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư lên đến 16 tỉ USD.
Đối với vấn đề chỉ định thầu ACV, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lo ngại liệu ACV thực sự có đủ mạnh để thực hiện tất cả các lĩnh vực như việc thực hiện hai đường giao thông kết nối.
"ACV có phải nổi trội trong các lĩnh vực làm đường giao thông này không? Hơn 4.000 tỉ mà sao chúng ta cũng phải chỉ định thầu? Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về giao thông hay về các loại dịch vụ không?" - ĐB Hạ nói.
Ngoài ra, ĐB Hạ cũng cho rằng ACV là công ty cổ phần, có 95% vốn của Nhà nước và khi thực hiện dự án sẽ vay 28 tỉ USD, vậy liệu dự án này có tăng nợ công, ảnh hưởng như thế nào đến 95% phần vốn nhà nước.
Đại biểu trao đổi về dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội sáng 12-11 - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Đánh giá năng lực tài chính cả giai đoạn vận hành
Đánh giá về năng lực tài chính của ACV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang cho biết dự án có vốn chủ sở hữu đạt 37% là tỉ lệ an toàn. Tuy nhiên, ông Quang đề nghị cần làm rõ con số 12.400 tỉ đồng cho giai đoạn 2019-2025 ACV lấy từ đâu bên cạnh con số hơn 24.000 tỉ ACV đã tích lũy đến hiện nay?
Ngoài ra, ông Quang cũng cho rằng cần đặt vấn đề năng lực tài chính ở giai đoạn vận hành bên cạnh giai đoạn xây dựng. Theo ông Quang, các dự án lớn thường lỗ kế hoạch với dòng tiền âm trong thời gian bắt đầu vận hành đến thời điểm hòa vốn. Do đó, ông Quang hoài nghi về báo cáo của Chính phủ khi cho rằng dự án sẽ có lợi nhuận ngay năm đầu tiên.
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao hiệu quả kinh tế của dự án và cho rằng không có sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1, giai đoạn 2.
Theo bộ trưởng, khi sân bay vừa hoàn thành sẽ đạt ngay 20-25 triệu khách/năm và đến năm 2030 con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Về vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, ông Thể cho biết có nhiều nguyên nhân song vẫn đảm bảo mặt bằng giai đoạn 1 của dự án.
Đối với vấn đề năng lực tài chính của ACV được rất nhiều ĐB quan tâm, bộ trưởng khẳng định hiện doanh nghiệp này có khoảng 25.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỉ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và từ nay đến năm 2025 ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Đối với phần vốn còn lại, bộ trưởng cho biết ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD.
Theo bộ trưởng, ACV có năng lực tài chính lành mạnh, nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền và ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Hiệu quả kinh tế của dự án sân bay quốc tế Long Thành rất cao. Nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV. Bộ sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, có thể khởi công dự án vào năm 2021".
|
NGỌC HIỂN - NGỌC AN
Tuổi trẻ