Có yên tâm giao ACV làm sân bay Long Thành ?
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc chỉ định cho ACV thực hiện dự án sân bay Long Thành liệu có đảm bảo tiến độ, nguồn vốn cũng như ảnh hưởng đến nợ công?
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Mai Hà
|
Thảo luận tại hội trường ngày 12.11 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại việc chỉ định cho ACV thực hiện dự án liệu có đảm bảo tiến độ, nguồn vốn cũng như ảnh hưởng đến nợ công?...
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) dự kiến có tổng mức đầu tư 3 giai đoạn khoảng 16 tỉ USD, năm 2021 khởi công, năm 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1 với số vốn khoảng 4,8 tỉ USD. Đáng chú ý, để đảm bảo an ninh hàng không, tiến độ dự án, năng lực đầu tư… Chính phủ trình Quốc hội (QH) chấp thuận cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư 3/4 hạng mục của dự án này.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận khi xem trưng bày thông tin về sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Giao cho ACV, rủi ro nhà nước vẫn phải gánh chịu
Đáng nói là 4 năm qua kể từ khi QH thông qua chủ trương đầu tư, dự án triển khai rất chậm: mặt bằng mới giải phóng được hơn… 1%; hội đồng thẩm định quốc gia chưa có ý kiến cuối cùng về hiệu quả đầu tư, hiệu quả KT-XH, hiệu quả tài chính, công nghệ chính, quản lý vận hành, đào tạo nguồn nhân lực... nên nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng chưa có đủ cơ sở để QH thông qua báo cáo khả thi lần này. Việc Chính phủ triển khai chậm, nhưng cứ thúc giục QH chỉ định thầu cho nhanh làm nhiều ĐB “rất không yên tâm”.
Quốc hội phải làm đúng vai
Với quan điểm QH không chỉ định thầu cho DN, dự thảo nghị quyết của QH về vấn đề này thiết kế theo hướng quy định các điều kiện giao Chính phủ chọn thầu. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: “Trong khoản 3 (của dự thảo nghị quyết), thực ra quy định như thế này chúng ta cũng ngầm hiểu là QH giao Chính phủ 4 điều kiện để chọn nhà thầu. Tôi nghĩ thực tế đây là cách chúng ta chỉ định thầu hoặc là chỉ duy nhất nhà đầu tư. Tôi cho rằng, nếu như thế này Chính phủ cũng không cần QH nữa, bởi vì trong tờ trình Chính phủ đề nghị QH giao cho ACV, không phải là đưa ra các điều kiện như thế này”. ĐB Hồng còn cho rằng thiết kế như dự thảo nghị quyết là “trói chân, trói tay Chính phủ”.
Sau phát biểu này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã lưu ý ĐB “làm đúng vai”. “QH rất tin vào Chính phủ và Chính phủ cũng rất cần đến QH. Đó là mối quan hệ hữu cơ. Tuy nhiên, chúng ta phải làm đúng vai. QH quyết định những gì đúng với vai của mình và Chính phủ làm cũng đúng quy định, chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng ta không nên đi quá sâu vào những vấn đề thuộc về trách nhiệm của Chính phủ đã giao trong luật. Tôi xin đề nghị các vị ĐB lưu ý vấn đề đó”, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.
|
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng Chính phủ báo cáo giao cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư, tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian như khi tư nhân thực hiện. Ông Cường dẫn chứng ACV là doanh nghiệp (DN) cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm 95% cổ phần chi phối, theo luật DN nhà nước, vẫn phải làm rất nhiều gói thầu với hàng loạt thủ tục, còn tư nhân thì không. Đơn cử như sân bay Vân Đồn làm chỉ mất 2 năm khi không phải thực hiện các thủ tục đấu thầu như đầu tư công.
Tiếp tục phản biện, theo ĐB Cường, giao ACV cũng chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải huy động của các tổ chức tài chính quốc tế. Mặc dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục để tiến hành huy động vốn của một DN nhà nước sẽ phức tạp hơn rất nhiều, phải tuân thủ những quy định, nếu rủi ro nhà nước vẫn phải gánh chịu.
11 tỉ USD nữa ACV lấy ở đâu ?
Phân tích về năng lực tài chính của ACV, theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) tờ trình cũng như trong hồ sơ dự án nói rằng ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền.
“Nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần”, ông Thành lo ngại.
Ảnh: Gia Hân
|
Thứ hai, báo cáo tiền khả thi xác định tổng vốn dự án 16 tỉ USD, trong giai đoạn 1 khoảng 4,8 tỉ USD. Chính phủ khẳng định, đã có các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng cho ACV vay 5 tỉ USD.
“Nhưng hiện chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu. Với số vốn dự kiến gần 5 tỉ USD có thể huy động được các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỉ USD tiếp theo khả năng sẽ như thế nào? Nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa với việc triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình”, ĐB Thành đề nghị làm rõ hơn vấn đề này.
Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông cũng so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh), diện tích 4.700 ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu lượt hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỉ USD; sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỉ USD; trong khi Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư lên tới 16 tỉ USD.
Tiếp thu ý kiến của hơn 20 ĐB, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết về hiệu quả đầu tư, không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2. “Toàn bộ hạ tầng chúng ta đầu tư được khai thác rất hạn chế, nhưng riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vừa xong chúng ta đã đảm bảo được 20 - 25 triệu hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam bộ tới 85 triệu hành khách mỗi năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách mỗi năm. Chính vì thế, đánh giá của tư vấn hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Thể tự tin.
Ảnh: Ngọc Thắng
|
Liên quan đến năng lực của ACV, theo Bộ trưởng GTVT hiện ACV đã có khoảng 25.000 tỉ đồng chỉ để tập trung cho Long Thành. Ngoài ra, dù chỉ 8/21 sân bay có lãi, nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế, ACV vẫn còn lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng.
“Bộ cùng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã báo cáo Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025 ACV sẽ bỏ ra khoảng gần 30.000 tỉ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 12.000 tỉ đồng cùng với 25.000 tỉ đồng để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37% (khoảng 1,5 tỉ USD). Phần còn lại, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức, trong đó có trong và ngoài nước, các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD và không thế chấp vì hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao”, ông Thể báo cáo thêm.
Về tiến độ và chất lượng dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết, Chính phủ cũng đã báo cáo QH và nhận được sự đồng tình rất cao là cần phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư, bởi có nhà đầu tư thì mới bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo. Do đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021.
Anh Vũ
Thanh niên