Thứ Tư, 06/11/2019 11:21

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh

Trả lời chất vấn tại QH sáng nay 6-11 về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong nền kinh tế thị trường, không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào; lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

Từ sáng nay 6-11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành diễn ra trong 3 ngày. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường là vị "tư lệnh" ngành đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong nền kinh tế thị trường thì không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất liên quan tới nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó là công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh - Ảnh 2.
Đại biểu Ngô Thanh Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chất vấn về được mùa mất giá của nông dân

Bán hàng mới quan trọng

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thanh Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng...

"Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện "được mùa, mất giá"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường thì không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào.

Ông lấy ví dụ ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước đây phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa. “Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác.

Do đó, Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng cần cơ cấu lại ngành lúa gạo, rà soát lại các cây trồng phát triển quá nóng thời gian qua, như hạt tiêu, tập trung chế biến, tránh dư thừa, giảm diện tích kém hiệu quả, kêu gọi doanh nghiệp và liên kết chặt chẽ, tổ chức chế biến trên nguyên tắc lợi thế gì ta làm, thị trường gì cần ta làm.

"Bây giờ bán hàng mới quan trọng, không phải là tổ chức sản xuất nữa"- Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh - Ảnh 3.
Đại biểu Chau Chắc (An Giang) nêu câu hỏi về việc "phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, giải pháp hỗ trợ cho người trồng lúa"

Sẽ giảm dần diện tích trồng lúa

Trả lời chất vấn đại biểu Chau Chắc (An Giang) về việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, giải pháp hỗ trợ cho người trồng lúa? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.

Theo ông Cường, trên thế giới có 7 tỉ người thì chỉ 3,5 tỉ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỉ USD. "Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo".

Theo bộ trưởng, ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. "Tới đây, Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc, 3-4 triệu tấn lúa"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

"Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn"- tư lệnh ngành nông nghiệp nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo.

"Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó và dẫn chứng hiện nay sản phẩm dầu cám gạo đem lại giá trị cao hơn sản lượng gạo tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào lĩnh vực này.

"Ở tỉnh Quảng Trị vừa qua đã xây dựng mô hình 600 ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh túy nhất của hạt gạo. Đây là hướng đi đúng và chúng ta sẽ nâng cao giá trị hạt gạo"- Bộ trưởng thông tin.

Văn Duẩn - Minh Chiến - Nguyễn Hưởng

Người lao động

Các tin tức khác

>   Doanh thu trái cây giảm mạnh, HAG lỗ trước thuế hơn 1,230 tỷ đồng sau 9 tháng (06/11/2019)

>   Triệu đồng một kg cua cốm (06/11/2019)

>   Nông sản Việt Nam lên kệ 190 quốc gia nhưng ý thức sản xuất vẫn kém (05/11/2019)

>   Giá thịt heo tăng chóng mặt, thương lái đua nhau gom heo bán ra Bắc? (05/11/2019)

>   Quốc tế cảnh báo rùa tai đỏ gây tổn thất kinh tế nhưng Việt Nam vẫn nhập (05/11/2019)

>   Nông dân vùng mía lớn nhất miền Tây kêu cứu (02/11/2019)

>   Chanh tăng giá sốc sau khi chặt cây làm... củi (02/11/2019)

>   Cua lông giá 45.000 đồng một con (02/11/2019)

>   Việt Nam sẽ là trung tâm nông nghiệp châu Á? (02/11/2019)

>   Kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 22,3% (01/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật