Chanh tăng giá sốc sau khi chặt cây làm... củi
Sau khi nhiều hộ dân chặt cây chanh làm củi do giá xuống quá thấp, thì hiện giá quả chanh đã tăng vọt. Trong khi đó, giá cam giảm ngay từ đầu vụ.
Năm 2018, do giá chanh xuống thấp, nhiều hộ dân đã chặt cây chanh làm củi
|
Ngày 1/11, Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 10/2019, thị trường trái cây trong nước biến động tăng giảm khác nhau tùy chủng loại.
Vừa qua, giá chanh tăng cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh. Thực tế, vụ thu hoạch chanh năm 2018 giá xuống đáy, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi. Nếu năm ngoái, giá chanh chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì năm nay giá lại lên đến 15.000 -16.000 đồng/kg.
Một loại trái cây khác cũng nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” là mít Thái. Hiện giá loại mít này tăng rất cao, nhiều nơi vẫn ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí chặt tiêu, điều…để trồng mít, dù đã được khuyến cao. Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 6.000 ha.
Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên tiếp trồng mít trên đất ruộng, hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, điệp khúc “trồng chặt” với mít Thái có thể trở lại, khi hồi quý II/2019, giá mít “tuột dốc không phanh”; có thời điểm chỉ còn mức 8.000 - 15.000 đồng/kg, là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá mít Thái tụt dốc khiến không ít nhà vườn trồng loại trái cây này lo lắng, nhất là các hộ chặt tiêu, điều để trồng mít Thái trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019 - thời điểm bùng phát phong trào chuyển đổi sang trồng mít Thái ở Bình Phước.
Với mặt hàng thanh long, thời điểm đầu tháng 10/2019, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu. Mức giá thanh long dao động khoảng từ 5.000-8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước và trái cây được thương lái thu mua đều nên người làm vườn có lãi.
Thanh long Bình Thuận được thương lái và các doanh nghiệp thu mua chủ yếu để xuất khẩu qua Trung Quốc. Một lượng ít trái cây ở vườn VietGAP, GlobalGAP được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, gần đây tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, hàng trăm xe thanh long bị tắc do lượng xe đổ về quá lớn, gây cảnh ùn ứ. Hiện Hải quan đã phối hợp với các cơ quan tỉnh Lạng Sơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hoá.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản cần làm thủ tục khai báo chính xác các loại hàng xuất khẩu chính ngạch để tránh tình trạng bị ùn ứ, làm tăng chi phí, giảm chất lượng hàng nông sản.
Cam đặc sản đang rớt giá
Vừa bước vào đầu mùa cam tại các tỉnh phía Bắc nhưng trên thị trường, giá cam chỉ có từ 10.000- 20.000 đồng/kg. Thậm chí cam Cao Phong, đặc sản Hòa Bình, cũng giảm giá 50% so với năm ngoái.
Khoảng nửa tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, cam đã được bày bán la liệt với đa dạng các giống cam như cam Vinh, cam Xoàn, cam ngọt Hưng Yên… Giá bán các loại cam này đều chỉ quanh ngưỡng 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Huế, một tiểu thương chuyên thu mua cam ở Bắc Giang đổ buôn ở Hà Nội cho biết: Năm nay, giá cam Vinh trồng tại Bắc Giang thấp hơn so với vụ trước khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy không được mùa như năm trước nhưng diện tích trồng cam tại các địa phương đều tăng mạnh, do vậy sản lượng cung cấp ra thị trường tương đối lớn.
Hiện trung bình mỗi ngày chị Tuyến đổ buôn cho các mối bán lẻ khoảng 2 tấn cam với giá 10.000 đồng/kg. Do là hoa quả đầu vụ và giá cả phải chăng nên hàng lấy đến đâu được bán hết đến đấy. Anh Nguyễn Văn Hòa, người chuyên bán hoa quả trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Hơn 1 tuần nay, anh đã về Hưng Yên mua cam ngọt ra bán ở Hà Nội. Loại cam này hiện đang được bán với giá 20.000 đồng/kg, so với vụ trước giảm 5.000 đồng/kg.
Cam Cao Phong là một loại trái cây đặc sản của huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình. Cam được trồng nhiều tại một số xã miền núi giáp với thị trấn Cao Phong. Cam Cao Phong là loại quả có giá trị kinh tế cao. Những năm trước, cam Cao Phong có giá khá đắt đỏ luôn dao động quanh ngưỡng 50.000 đồng/ kg.
Tuy nhiên thời gian gần đây, diện tích cam lớn do người nông dân chuyển đổi cây trồng từ mía sang trồng cam nên sản lượng cao. Do vậy, giá cam Cao Phong đã giảm. Năm nay, tuy mới đầu mùa nhưng giá cam Cam Phong hiện đang dao động quanh mức 25.000- 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cam loại 1 mã đẹp vẫn được thương lái thu mua với mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng một kg.
Vài năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã phát triển ồ ạt các loại cây trồng có múi như bưởi, cam, chanh… Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2018, diện tích cây cam tăng 9,1%, bưởi tăng 12,2%... Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, sản lượng cam đạt 472.800 tấn, tăng 10,4%.
Theo dự đoán của các tiểu thương, khi vào chính vụ, giá cam còn rẻ hơn nữa. Bởi thời điểm này cũng trùng với vụ thu hoạch của bưởi và sắp tới là cam Canh. Mặt khác, thị trường tiêu thụ chính của cam ở các tỉnh phía Bắc vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã siết chặt nhập khẩu qua tiểu ngạch, do đó sản lượng hoa quả xuất khẩu vào vào thị trường này sẽ giảm đáng kể.
Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương cần có quy hoạch để ổn định diện tích cây ăn quả có múi và gắn với liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Nam Khánh-Ngọc Mai
Tiền phong