Bất an với FDI từ Trung Quốc
Trung Quốc ngày càng khắt khe về môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà máy nước này đã có xu hướng dịch chuyển qua các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Một dự án FDI từ Trung Quốc mới đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây. ẢNH: CTV
|
Chuyển dự án ô nhiễm môi trường sang Việt Nam?
Trong 10 tháng qua, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư thứ 2 về giá trị lẫn số lượng dự án vào Việt Nam, tương ứng 2,1 tỉ USD và 541 dự án, tăng lần lượt 169% và 83% so cùng kỳ.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng tốt lên đến 17%, trong khi nhiều nước khác đang giảm.
Trung Quốc là quốc gia lớn mạnh về công nghệ, nhưng các nước luôn có cảm giác bất an với công nghệ giá rẻ, lạc hậu từ thị trường này. Nếu chúng ta tham rẻ mà mua, cũng là cách tiếp nhận công nghệ lạc hậu của nước ngoài vào Việt Nam
Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện
|
Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần chứng khoán SSI về tình hình FDI tại Việt Nam cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam nhưng Trung Quốc và Hồng Kông mới đang có tốc độ đầu tư vào Việt Nam tăng tốc đáng kể.
Một dự án FDI từ Trung Quốc mới đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây. Ảnh: CTV
|
Tổng giá trị FDI còn hiệu lực của Hàn Quốc và Nhật Bản tính đến cuối tháng 10 năm nay là 66 tỉ USD và 59 tỉ USD, bỏ xa Hồng Kông 22,3 tỉ USD và Trung Quốc 15,8 tỉ USD. Song vốn FDI của Trung Quốc và Hồng Kông lại đang tăng mạnh tại Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng giá trị FDI còn hiệu lực tính từ đầu năm đến cuối tháng 10 của Hàn Quốc là 6,5% và Nhật Bản 3,3%. Trong khi đó, tăng trưởng của FDI Trung Quốc lên đến 18,5% và Hồng Kông 12,7%.
Nhận xét xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông tăng nhanh là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên báo cáo của SSI nhấn mạnh, thương chiến Mỹ - Trung là một trong những lý do thúc đẩy dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam, còn một nguyên nhân khác đáng cảnh báo, đó là yếu tố môi trường.
“Các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc chắc chắn đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận”, báo cáo nêu. Đơn cử, ngành xi măng của Trung Quốc vốn có sản lượng rất lớn, lên đến 2 tỉ tấn, tuy nhiên nước này đang hạn chế các nhà máy sản xuất xi măng công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường. Báo cáo cho rằng, chính chính sách giảm đầu tư các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường của Trung Quốc góp phần không nhỏ trong việc gia tăng vốn FDI Trung Quốc tại Việt Nam.
Thực tế, một loạt dự án lớn của Trung Quốc vào Việt Nam được cấp giấy phép đầu tư khoảng trong 4 tháng đầu năm nay đều là các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao như dự án hóa chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4).
Đó là chưa kể nhiều dự án sản xuất dệt nhuộm, điện than, bao bì của Trung Quốc đã được cấp phép trong vài năm trở lại đây.
Sơ tán công nghệ lạc hậu
Không chỉ gia tăng các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao, nguy cơ công nghệ, máy móc lạc hậu, cũ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam theo đường dịch chuyển đầu tư này cũng rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng của cả nước, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỉ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị của cả nước trong 9 tháng đạt 26,9 tỉ USD, tăng 12%.
Đáng lưu ý, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng Việt Nam nhập từ Trung Quốc là chính, tăng hơn 27% với 10,6 tỉ USD trong 9 tháng qua.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ hai cũng từ thị trường này tăng mạnh là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 56% với trên 9 tỉ USD. Nhóm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với 8,5 tỉ USD trong 9 tháng, tăng hơn 9%. Trong 10 tháng của năm nay, nhập siêu với Trung Quốc đã lên đến 29,5 tỉ USD, tăng 48% so cùng kỳ.
Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện (Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường) cho rằng nguy cơ khiến Việt Nam bị lựa chọn trở thành bến đỗ cho công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu.
Với số liệu nhập khẩu nhóm hàng máy móc linh kiện từ Trung Quốc tăng vọt lên đến 56%, chuyên gia này nói: “Không còn cảnh báo nữa mà đã là hiện thực rồi đấy. Chính sách thu hút FDI thế hệ mới của chúng ta phát huy đến đâu để lượng máy móc khổng lồ “sơ tán” về Việt Nam như vậy? Trung Quốc là quốc gia lớn mạnh về công nghệ, nhưng các nước luôn có cảm giác bất an với công nghệ giá rẻ, lạc hậu từ thị trường này. Nếu chúng ta tham rẻ mà mua, cũng là cách tiếp nhận công nghệ lạc hậu của nước ngoài vào Việt Nam”.
Lọc dự án FDI Trung Quốc
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân, thương chiến Mỹ - Trung đã tác động làm kinh tế Trung Quốc suy giảm, có hiện tượng các doanh nghiệp rời Trung Quốc sang các khu vực khác như Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS Hiếu bổ sung: “Công nghệ lạc hậu không những từ Trung Quốc mà còn từ các nước khác, thay vì phải thải loại sẽ nhập vào Việt Nam. Điều này gây ra nhiều mối nguy hại. Đầu tiên là sản phẩm được sản xuất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới, sử dụng nhiều lao động, tạo nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội”.
Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: Đông Xuân
|
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ nên có tiêu chí cụ thể xét duyệt các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có lợi cho xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm. “Công nghệ chuyển giao phải là công nghệ hiện đại, không thể là máy móc đã khấu hao xong. Hoặc có nhà đầu tư đem đến công nghệ rất hiện đại nhưng chỉ xem Việt Nam là nơi gia công và không chịu chuyển giao. Quan điểm của tôi là không phân biệt dòng vốn đầu tư nào, nhưng với các quốc gia có nguy cơ đầu tư những dự án FDI gây ô nhiễm môi trường lớn thì cần hết sức cân nhắc”, ông Hiếu đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng để “lọc” được các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các địa phương cần lưu ý 3 yếu tố: Kiến thức và nhận thức về công nghệ của dự án, hiệu quả giá trị gia tăng dự án mang lại và yếu tố thân thiện môi trường phải đặt lên hàng đầu. Thứ hai là ngoài các đánh giá về tác động đến kinh tế, tài chính, xã hội... mà dự án mang lại, phải chú trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn công nghệ dự án mang lại.
“Điều này nghe vậy nhưng không đơn giản. Đa số các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường trầm trọng sau thời gian hoạt động do công tác tiền kiểm của chúng ta đã yếu, hậu kiểm lại không có hoặc thiếu. Thế nên, yếu tố thứ ba là giám sát đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng nhưng phải chặt chẽ; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý thế nào để minh bạch là rất quan trọng”, TS Võ Trí Thành nói.
Theo ông Võ Trí Thành, chúng ta đã có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI chuyển từ lượng sang chất. Hiểu một cách nôm na là bản chất của mỗi dự án đầu tư vào VN phải có hiệu quả theo xu hướng tiến bộ, không chỉ là câu chuyện tạo công ăn việc làm.
Điều quan trọng, thu hút FDI thế hệ mới là công nghệ hiện đại, phản ánh đúng xu hướng mới là dự án phải thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa tốt. Thế nên, vấn đề là các địa phương và cả Chính phủ vượt qua áp lực tăng trưởng thế nào, bám sát nghị quyết mà làm trước hết.
|
Trấn Kiên
Thanh niên