Vụ Asanzo lừa dối người tiêu dùng: Các Bộ đều đồng ý với báo cáo của Tổng cục Hải quan
Tại buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo 389 Quốc gia với các bộ, ngành về các nghi vấn sai phạm liên quan đến Tập đoàn Asanzo vào sáng 28-10, nhiều ý kiến đã cho rằng doanh nghiệp này đã có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - đại diện Tổng cục quản lý thị trường - Bộ Công thương - Ảnh: N. Khánh
|
Bộ KH-CN chưa cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ
Tại cuộc họp, đại diện Bộ KH-CN cho biết đã thống nhất với báo cáo của Tổng cục Hải quan, tuy vậy vẫn có một số nội dung muốn làm rõ hơn. Đó là tại công văn số 2294 ngày 31/7, đến thời điểm này Bộ KH-CN khẳng định không nhận được bất kỳ đăng ký chuyển giao công nghệ nào.
Trong tháng 8, Bộ KH-CN cũng có công văn 2436 trả lời công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) về đăng ký chuyển giao công nghệ ký giữa Asanzo và Sharp Roxy Hong Kong.
Tại công văn này, Bộ KH-CN khẳng định theo nội dung hợp đồng thì chưa thể hiện việc chuyển giao công nghệ . Do vậy, Bộ này chưa đủ cơ sở cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ.
Về đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đến thời điểm này, Bộ KH-CN đã trực tiếp chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ xử lý.
Cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ trước đó đã nhận được đơn của Công ty TNHH và sản xuất Đông Phương đề nghị hủy bỏ nhãn hiệu Asanzo và hình đã cấp cho Asanzo Việt Nam.
Ngày 24-10 Cục đã ban hành ba quyết định hủy bỏ những quy định đã cấp về nhãn hiệu cho Asanzo. Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng đã lập đoàn kiểm tra tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo và phát hiện những sai phạm về nhãn nhiệu.
Tuy nhiên Bộ KH-CN chưa thể kiểm tra tại một số công ty liên quan với Asanzo bởi các DN này không tồn tại tại địa chỉ đăng ký. Bước đầu, đoàn kiểm tra của Bộ KH-CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Asanzo và công ty đã nộp phạt.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Ảnh: N . Khánh
|
Còn qua kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm, Đoàn kiểm tra Bộ KH-CN phát hiện có 12 sản phẩm vi phạm quy định nhãn. Đây là những hàng hóa được nhà nhập khẩu bán lại cho Asanzo.
Tuy nhiên, vì đơn vị nhập khẩu đến lúc đó không tồn tại ở địa chỉ đăng ký nên Bộ KH-CN không làm việc trực tiếp được để xử lý được.
Asanzo có dấu hiệu vi phạm xuất xứ với lô hàng tivi xuất sang Nhật Bản
Cũng tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Công thương - ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cơ bản đồng ý với báo cáo của Tổng cục Hải quan.
Theo ông Đông: trong văn bản chỉ đạo của Văn phòng chính phủ có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì Bộ Công thương có các vấn đề cần làm rõ: Một là vấn đề liên quan xuất xứ gồm xuất xứ nhập khẩu linh kiện để xuất khẩu có tận dụng các Hiệp định FTA không? Hai là lắp ráp linh kiện lưu thông trong nước? Ba là điều tra xác minh làm rõ các công ty mua hàng trong nước, ghi nhãn đúng quy định không? Cấp chứng nhận hàng VN chất lượng cao có đúng quy đinh?
Về cấp chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, Bộ Công thương cho biết là do Hội Doanh nghiệp TP.HCM cấp và chịu trách nhiệm. "Anh Cẩn có hỏi thẳng đại diện Bộ Công thương rằng có đồng tình với việc Asanzo có dấu hiệu vi phạm xuất xứ không? Lô hàng xuất khẩu hơn 600 ti vi đi Nhật Bản và kết quả xác minh là lăp ráp rồi tiêu thụ các anh có thấy có vấn đề?.
Về vấn đề này, đại diện Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng nghe báo cáo của Tổng cục Hải quan và qua thực tế làm việc và xác minh thông tin thì nhất trí với báo cáo Tổng cục Hải quan", ông Đông nói.
"Từ thực tế sản xuất và dây chuyền công nghiệp, quy trình lắp ráp… chúng tôi đã làm việc Asanzo. Qua quá trình triển khai thực tế cho thấy, không liên lạc với nhiều công ty có liên quan đến Asanzo… Với những kết quả kiểm tra, Asanzo vi phạm quy định gia công chế biến đơn giản và hàng hóa không có xuất xứ VN" - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương khẳng định.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng vụ thị trường trong nước - Bộ công thương - Ảnh: N . Khánh
|
Theo ông Trần Duy Đông: hiện chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh việc hàng hóa lưu thông trong nước tỉ lệ nội địa quy định như nào, cũng như quy định xuất xứ trong nước. Nên Bộ Công thương đang xây dựng thông tư ghi nhãn hàng hóa trong nước. Ông Cẩn hỏi lại: "Như vậy Bộ Công thương có quan điểm là chưa có quy định với hàng trong nước?. Như vậy, cùng một loại hàng là tivi với hàm lượng chỉ 2% giá trị nội địa, khi xuất khẩu thì vi phạm quy định, không được chấp nhập là hàng có xuất xứ VN, nhưng mang tiêu thụ nội địa thì chưa có quy định.
Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ việc này và trước hết đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành thông tư quy định. Không thể để cả xã hội và người dân thấy quá vô lý. Cùng một loại hàng thì người tiêu dùng Việt Nam lại khác biệt với người tiêu dùng các nước khác. Còn chúng tôi đã xác định DN có những dấu hiệu giả mạo xuất xứ. Hàng có chất lượng cao đâu mà ghi chất lượng cao, nhãn vi phạm sở hữu công nghiệp cũng giả rồi.
Tất cả các nội dung khác đều là giả rồi, như vậy đề nghị đại diện Bộ Công thương tham dự ở cuộc họp này sớm báo cáo lãnh đạo bộ trước khi chúng tôi tập hợp báo cáo Chính phủ. Chúng tôi bình luận thì nó hơi vô lý đấy" - ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.
Trốn thuế: cần cơ quan điều tra vào cuộc
Về ý của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đề cập có hay không hành vi phạm sở hữu công nghiệp và nhãn mác, lừa dối người tiêu dùng và có trốn thuế? Theo đại diện Viện KSND tối cao: Công ty CP Tập đoàn Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ trong nước và nước ngoài, có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp và nhãn mác hàng hóa.
Còn về dấu hiệu trốn thuế, trên cơ sở báo cáo này của Tổng cục Hải quan thì các DN trong Công ty CP Tập đoàn Asanzo không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hóa đơn ghi cao hơn. Tất cả các nội dung này đều liên quan dấu hiệu trốn thuế.
Tuy nhiên, trên cơ sở báo cáo này và dựa trên ý kiến thì chưa đủ căn cứ để xác định các công ty trong Công ty CP Tập đoàn Asanzo có phạm tội không? Vấn đề cần thiết là khi có dấu hiệu vi phạm như vậy thì phải có cơ quan quan điều tra vào cuộc để có kết quả thấu đáo. Cơ quan điều tra sẽ nghiên cứu chi tiết thấu đáo.
"Các công ty trong Tập đoàn Asanzo khai báo mua bán rất nhiều nhưng có khi việc khai báo của họ chỉ nhằm nâng cao giá trị hình ảnh các công ty trong tập đoàn chứ chưa có thực. Đầu vào có mà đầu ra không thấy. Nó cao ngất ngưởng so với tài liệu gốc. Vậy DN trốn thuế hay hành vi khác thì cần cơ quan điều tra đánh giá cụ thể" - đại diện Viện KSND tối cao nhấn mạnh.
Kết thúc buổi họp, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết các ý kiến của bộ, ngành, cơ quan hữu quan sẽ được tổng hợp trong kết luận cuối cùng để báo cáo Thủ tướng vào ngày 30 - 10.
LÊ THANH
Tuổi trẻ