Thứ Hai, 28/10/2019 09:31

Giá điện mặt trời có đắt?

Nhiều doanh nghiệp phản ứng với dự thảo quy định mà Bộ Công thương trình Chính phủ: giá mua điện mặt trời trên mặt đất còn 7,09 cent/kWh.

Giá điện mặt trời có đắt? - Ảnh 1.
Công nhân thi công lắp đặt tại một dự án điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đâu là mức giá hợp lý để doanh nghiệp đầu tư nhưng cũng không tăng áp lực tiền điện lên người dân?

Bộ Công thương đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cơ chế đấu thầu chọn mua điện mặt trời từ các dự án, dự kiến áp dụng sau năm 2021.

Đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương)

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết kết quả đấu thầu tại Campuchia vào tháng 9-2019 đã có dự án trúng thầu bán điện mặt trời với giá chỉ 3,877cent/kWh. Tất nhiên Campuchia có đặc thù riêng, dự án này triển khai theo hình thức BOT, hạ tầng do chính phủ cung cấp... nhưng giá mua điện mặt trời cần cái nhìn khách quan. Lý do là người trả tiền điện mặt trời cuối cùng không phải là Tập đoàn Điện lực VN (EVN), mà chính là người dùng điện.

Không phải không làm được?

Thay vì mức giá điện mặt trời là 9,35 cent/kwh (2.086 đồng/kWh) với các dự án hòa lưới trước tháng 7-2019, nay trong dự thảo mà Bộ Công thương trình Chính phủ đã đề xuất: chỉ giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh với điện mặt trời từ mái nhà. Giá bán điện từ dự án điện mặt trời trên mặt đất chỉ còn 7,09 cent/kWh (khoảng 1.620 đồng/kWh), nổi trên mặt nước là 7,69 cent/kWh (khoảng 1.750 đồng/kWh).

Dù đã khảo sát mặt bằng, tiến hành các thủ tục đầu tư 2 dự án điện mặt trời tại địa bàn Quảng Trị với tổng công suất đến 300 MW, ông Phạm Hữu Hiển, giám đốc Công ty TNHH năng lượng MT, cho biết với mức giá mua bán điện dành cho dự án điện mặt trời trên mặt đất như đề xuất mới nhất thì doanh nghiệp này sẽ không thể triển khai cả 2 dự án. 

Thay vào đó, doanh nghiệp này sẽ thúc đẩy dự án điện nổi trên mặt nước với tổng công suất 100 MW bởi mức giá dành riêng cho công nghệ này nhỉnh hơn.

Theo ông Hiển, nếu giá mua bán điện mặt trời giảm quá sâu so với trước đây (9,35 cent/kWh), không ít nhà đầu tư dù đã xin bổ sung quy hoạch ở khu vực miền Trung, miền Bắc vẫn phải tính phương án rút lui bởi đây là khu vực tiềm năng nắng thấp, dẫn đến việc tiếp tục đầu tư, xây dựng sẽ không còn hiệu quả.

Tương tự, dù dự án đã nằm trong quy hoạch ở Đắk Lắk, ông Nguyễn Nguyệt Hà (nhà đầu tư) cho biết bản thân rất lưỡng lự khi đầu tư, bởi mức giá mới sẽ tác động rất lớn thời gian thu hồi vốn. Theo ông Hà, với mức giá cũ, thời gian thu hồi vốn chừng dưới 10 năm, song với giá mới ước tính phải nâng lên khoảng 14-15 năm.

Áp lực lên giá bán lẻ điện

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng việc đề xuất biểu giá mới nhằm phản ánh sát giá công nghệ thế giới đã thay đổi và xu hướng tương lai. Bộ Công thương đã có nghiên cứu cho thấy việc giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh cho điện mặt trời từ mái nhà và một số dự án tại các vùng ưu tiên tác động không lớn do lượng công suất không nhiều.

Theo đại diện EVN, với mức giá điện mặt trời mà EVN mua lại từ các nhà đầu tư điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (với các dự án hòa lưới trước ngày 1-7-2019), về nguyên tắc, các chi phí này phải được phản ánh đầy đủ trong giá điện mà EVN bán cho khách hàng.

Thực tế, mức giá điện mặt trời mà EVN mua lại từ các nhà đầu tư là 2.086 đồng/kWh đang cao hơn giá bán điện bình quân mà EVN đang bán điện cho các khách hàng (như năm 2019 là 1.864 đồng/kWh). Giá bán lẻ điện sẽ phụ thuộc vào chi phí mua điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện khí, than, dầu...

Tuy nhiên, sản lượng phát điện từ điện mặt trời ngày càng lớn sẽ tác động càng nhiều đến giá thành điện, từ đó tác động gián tiếp lên giá bán lẻ điện cho người dân. EVN cũng cho biết việc tác động cụ thể thế nào đến giá bán lẻ điện cần phải tính toán dựa trên các số liệu thực tế.

Sao không đấu giá?

Một số chuyên gia cho rằng cần tham khảo câu chuyện Campuchia đấu thầu và chọn mua được điện mặt trời với giá chỉ 3,877cent/kWh. Trên thế giới, đã có 100 quốc gia áp dụng cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng việc áp dụng giá điện cố định (giá FIT) kèm thời gian áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo còn non trẻ như Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy mở rộng quy mô thị trường. Đặc biệt, trước nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2023, việc tiếp tục áp dụng giá FIT đến hết năm 2021 sẽ thúc đẩy triển khai đầu tư các dự án đã có trong quy hoạch và một phần các dự án đã đăng ký.

Bộ Công thương cho hay đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cơ chế đấu thầu, dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư nào đưa ra giá bán điện thấp nhất từ dự án năng lượng tái tạo sẽ được chọn. Bộ Công thương sẽ chọn phương án phù hợp với quy định hiện hành, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét triển khai thí điểm trước khi nhân rộng.

Trong khi đó, đại diện EVN cũng cho rằng việc đấu thầu giá điện mặt trời là giải pháp tốt để tối ưu hóa chi phí. "Tuy nhiên, hiện tại nếu đấu thầu có thể dẫn tới thời gian thủ tục kéo dài hơn, tốc độ phát triển nguồn điện mới có khả năng chậm lại, ảnh hưởng gián tiếp đến cung cấp điện, nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2021. Vì vậy, từ nay đến năm 2021 nếu tổ chức đấu thầu giá bán điện mặt trời thì chỉ nên thí điểm ở một số dự án. Việc áp dụng đại trà nên được thực hiện sau năm 2021" - lãnh đạo EVN khuyến nghị.

Lo tái diễn quá tải

Với phương án một giá cố định cho điện mặt trời trên toàn quốc, Bộ Công thương nhận định chính sách giá sẽ đơn giản thay vì nhiều mức giá như đề xuất trước đó, cũng không cần hỗ trợ cao hơn cho các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Tuy nhiên, bộ này cũng cho rằng chính sách này sẽ kém khuyến khích các dự án ở miền Trung, miền Bắc.

Ngoài ra, do tập trung nhiều dự án ở vùng có tiềm năng bức xạ nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải, khả năng điều độ hệ thống truyền tải khó khăn và việc đền bù, giải phóng mặt bằng... cũng khó hơn.

Ông Park Changhwan - giám đốc Công ty CP Han&Han, nhà đầu tư điện mặt trời từ Hàn Quốc - cho biết nếu giá cố định điện mặt trời trên mặt đất chốt ở mức 7,09 cent/kWh sẽ khiến các nhà đầu tư chú ý hơn đến khu vực miền Nam thay vì miền Trung và miền Bắc, bởi đây là vùng có bức xạ cao hơn.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhận diện công thức vàng tham nhũng đất đai (28/10/2019)

>   Một cổ đông muốn mua lại Món Huế (28/10/2019)

>   Cháy lớn ở khu chế xuất Linh Trung, nhiều hàng hóa bị thiêu rụi (27/10/2019)

>   TP.HCM kiến nghị tháo biển số, khóa bánh xe ô tô trốn phí (26/10/2019)

>   Tăng giá vô lý, Hạ Long muốn đóng cửa vịnh? (26/10/2019)

>   Cục Thuế TP.HCM đính chính thông tin Asanzo trốn thuế 4.200 tỷ đồng (25/10/2019)

>   TP.HCM tăng giá bán lẻ nước sạch (25/10/2019)

>   Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về “thẻ vàng” (25/10/2019)

>   Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam: Tôi sẽ kiện cục Thuế TP.HCM (25/10/2019)

>   Vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông dồn dập đổ vào Việt Nam (25/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật