Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về “thẻ vàng”
Cả hệ thống chính trị của Việt Nam đang vào cuộc để nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về thẻ vàng khai thác IUU. (Ảnh minh họa).
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, lập tức ngay sau đó (23.7.2017) Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và đến nay, các nỗ lực đó đang thu được kết quả khả quan.
Kết quả đầu tiên được đánh giá cao là Việt Nam đã xây dựng được Luật Thủy sản và được Quốc hội thông qua vào tháng 4.2017, đã luật hóa các quy định của Điều ước quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Để triển khai Luật Thủy sản năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản đã được xây dựng bao gồm: 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đánh giá về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục IUU, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai 4 giải pháp mà EC khuyến cáo. Đó là khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
“Về truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt, hiện đã được các ban quản lý cảng cá thực hiện tích cực. Cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã vào cuộc quyết liệt, đem lại kết quả khả quan”- ông Tiến cho biết.
Triển khai cụ thể, đối với hệ thống cảng cá, bến cá, hiện Bộ NNPTNT đã công bố loại 1, loại 2 để thực hiện truy xuất nguồn gốc; các kho bãi, kho đông lạnh đều được đưa vào quy hoạch. Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền đã được làm rất tích cực từ Bộ NNPTNT, các hội thảo, diễn đàn để làm sao bà con ngư dân chủ động, tự giác thực hiện Luật Thuỷ sản 2017, dần chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”.
Thực thi pháp luật, kiểm soát khai thác trên biển
Theo Bộ NNPTNT, nhìn chung từ đầu năm 2018 đến nay, chưa phát hiện vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Bộ cũng đã giao Tổng cục Thủy sản tổ chức theo dõi, lập và công bố danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Mặt khác, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng như: sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu… theo quy định.
Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là vùng biển xa bờ được tăng cường và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng) đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát trên biển, thường xuyên trên các vùng biển trọng điểm có sự xuất hiện tàu tuần tra, kiểm soát của các lực lượng: Lực lượng Biên phòng đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác...
Một số địa phương có biện pháp xử lý quyết liệt như: Thu hồi giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình. Từ năm 2018 đến nay, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU...
Mới đây nhất (chiều 17.10), tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về Đoàn thanh tra của EC kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG–MARE) sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 4-14.11.2019, dự kiến sẽ có buổi chào xã giao Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, làm việc với các cơ quan chuyên ngành, trong đó có Tổng cục Thủy sản và đi thực địa tại một số địa phương để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan đến khai thác IUU.
“Thời gian qua, các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức của Việt Nam đã và đang tập trung nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp để xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, phòng chống IUU, trên cơ sở các khuyến nghị của EC và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Ủy ban châu Âu để phòng chống khai thác IUU"- bà Hằng khẳng định.
|
Minh Nhung
Lao động