Thứ Năm, 03/10/2019 10:50

Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc điều trần việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng nay 3-10, phiên giải trình "việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập" đã được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.

Ngân sách giảm chi cả ngàn tỉ đồng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu…

Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh.

"Nhiều bệnh viện đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, giảm diện tích hành chính dành cho điều trị, thống kê cho thấy đã tăng được hàng chục ngàn giường bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không để người bệnh phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên" - Bộ trưởng Tiến nói.

Cái được lớn nhất sau khi thực hiện chủ trương tự chủ bệnh viện công lập, theo Bộ trưởng Kim Tiến, là các bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh rõ rệt. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…

"Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn là 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi" - bà nói.

Quá trình tự chủ cũng giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỉ đồng.

Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh - Ảnh 2.
Đại biểu, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Ảnh: LÊ KIÊN

"Giao tự chủ nhưng không cho tự chủ"

Trình bày về những tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết do thời gian thực hiện chủ trương tự chủ chưa dài, ngoài những kết quả bước đầu thì cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả.

"Chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết, ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn" - Bộ trưởng đề cập.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Đại biểu, GS.TS Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề: Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa thống nhất giữa các đơn vị, tỉnh thành, các bệnh viện, dẫn đến tình trạng nơi thì chưa được thu đủ, nhưng nơi thì thu thêm. Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính.

"Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ cái này và bao giờ thì tháo gỡ xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?" - ông Trí chất vấn.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến đại biểu nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?

"Ví dụ về vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng nhà nước quản về biên chế nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó" - bà nói.

Bộ trưởng cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Tự chủ bệnh viện công: Chất lượng tốt hơn nhưng lạm thu của người bệnh - Ảnh 3.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ảnh: LÊ KIÊN

Vì sao lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao ?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để "móc túi" bệnh nhân?

Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng cơ chế thị trường có hai mặt, trước hết là nó buộc các đơn vị tự chủ phải đầu tư từ trang thiết bị, giường bệnh, trả lương cao cho bác sĩ giỏi, nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút người bệnh.

"Vì mục đích tăng thu nên có xảy ra tình trạng lạm thu như chỉ định sử dụng thuốc, kỹ thuật ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả, kéo dài thời gian nội trú…" - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận.

Để chấn chỉnh tình trạng này, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời với hoàn thiện các tiêu chuẩn, danh mục trong khám chữa bệnh.

Không ngăn trở bệnh viện tuyển người?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: liên quan đến bộ máy, con người thì chúng tôi ủng hộ tháo gỡ vướng mắc. Các bệnh viện phải xác định vị trí việc làm, khung trình độ năng lực của từng vị trí ra sao, bây giờ chúng tôi đã phân cấp đến các tỉnh, thành phê duyệt. Khi đã có mô tả vị trí việc làm thì các bệnh viện tự chủ tuyển dụng.

Xây dựng vị trí việc làm là quyền của bệnh viện, sau khi được phê duyệt thì các bệnh viện tuyển dụng thôi chứ không có gì ngăn trở. Nhưng ở đây có vấn đề là thu nhập, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào thấp quá thì họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân, tới đây chúng ta sửa đổi luật về viên chức thì phải tính đến vấn đề này.

LÊ KIÊN

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Trung Quốc siết hàng nhập khẩu, nông sản Việt lao dốc (03/10/2019)

>   Đua nhau mở dự án du lịch tâm linh (03/10/2019)

>   Bộ Công Thương bác tin Sabeco bán cổ phần cho nhà đầu tư Trung Quốc (03/10/2019)

>   Thiếu nhiều hồ sơ thẩm định an toàn dự án Cát Linh - Hà Đông (03/10/2019)

>   Bộ Công an: Asanzo là 'vụ án phức tạp' (02/10/2019)

>   Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP HCM xử lý ô nhiễm không khí (02/10/2019)

>   Bắt tạm giam ông Bùi Minh Chính, nguyên giám đốc Petroland (02/10/2019)

>   Cục Hàng không muốn giới hạn số máy bay của hãng Cánh Diều (02/10/2019)

>   TGDĐ độc quyền mang bộ sưu tập đồng hồ bản quyền Liên minh công lý và Transformer về bán tại Việt Nam (02/10/2019)

>   Một chứng minh nhân dân đăng ký hàng trăm sim điện thoại (02/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật