Cục Hàng không muốn giới hạn số máy bay của hãng Cánh Diều
Hãng hàng không Cánh Diều đề xuất khai thác 30 máy bay vào năm 2025, Cục Hàng không khuyến cáo chỉ nên khai thác 20-25 máy bay
Dự án lập hãng hàng không Cánh Diều đề xuất khai thác 30 máy bay vào năm 2025 nhưng Cục Hàng không khuyên khai thác 20- 25 máy bay để phù hợp với quy hoạch phát triển đội bay của các hàng hàng không Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
|
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết Công ty Thiên Minh xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều để kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế, nội địa tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng.
Hãng Cánh Diều chọn sân bay căn cứ là Chu Lai và Đà Nẵng, dự kiến khai thác thương mại vào quý 1 năm 2020 với đội máy bay 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương.
Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội máy bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/321 hoặc tương đương.
Theo Cục Hàng không, kế hoạch của Cánh Diều khai thác 6 máy bay ATR 72 vào năm 2020 là có thể chấp thuận, đáp ứng nhu cầu thị trường đến sân bay hiện nay chưa thể khai thác bằng các loại máy bay lớn hơn.
Tuy nhiên, đến năm 2025, Cánh Diều dự kiến khai thác 30 máy bay thì cần phải được xem xét lại về tính hiệu quả của đội máy bay ATR-72 và năng lực, nguồn lực đề khai thác đội bay với quy mô 30 chiếc, và kiến nghị chỉ từ 20-25 chiếc để phù hợp với quy hoạch đội bay của các hãng hàng không Việt Nam…
Cục Hàng không lưu ý chủ đầu tư là Công ty Thiên Minh cần bổ sung, và lưu ý các nội dung về quy mô đội bay, và xây dựng mạng lưới đường bay phù hợp với hiện trạng hạ tầng hàng không, và sẽ không đảm bảo việc cấp phép khai thác đi - đến Tân Sơn Nhất cho Cánh Diều giai đoạn từ năm 2020 cho đến khi nhà ga hành khách T3 được đưa vào khai thác.
Cục Hàng không nhận thấy dự án này đủ điều kiện để Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư với một số chỉnh sửa, bổ sung trong hồ sơ theo các yêu cầu nói trên.
Cục Hàng không lưu ý tổng vốn dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều là 1.000 tỉ đồng và dự kiến trong 3 năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỉ đồng.
Như vậy, vốn tối thiểu của Công ty Thiên Minh không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 30 chiếc là 1.000 tỉ đồng theo quy định.
Cơ quan này đề nghị Công ty Thiên Minh có báo cáo và hồ sơ liên quan đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, đảm bảo phương án đảm bảo tài chính luôn đáp ứng về điều kiện mức vốn tối thiểu theo quy định của nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
|
TUẤN PHÙNG
Tuổi trẻ