Trộm tiền trong thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng ngày càng được người dùng sử dụng phổ biến nhưng nếu không bảo quản cẩn thận cũng sẽ rất dễ mất tiền.
Chủ thẻ cần quan sát khi thẻ được quẹt qua các thiết bị thanh toán. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thanh toán mà không quan sát
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội vừa xác định đối tượng Lại Thế Thắng (25 tuổi, thường trú Thanh Hóa), là nhân viên thu ngân của một nhà hàng (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), đã trộm thông tin thẻ tín dụng của khách hàng đến ăn uống, để thanh toán mua hàng trên mạng. Theo lời khai của Thắng, từ tháng 6.2018 - 1.2019, Thắng lén ghi chép lại thông tin thẻ tín dụng của khách hàng khi thanh toán. Sau đó, Thắng đăng ký 2 tài khoản “Nguyễn Quyết” và “Quyết Nguyễn Chiến” trên một trang web mua, bán hàng online, mục đích sử dụng thông tin thẻ tín dụng đã ghi chép lại để mua hàng và chiếm đoạt tiền của chủ thẻ.
Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn để lấy cắp thông tin thẻ tín dụng đó là kẻ gian tạo ra các trang web giả mạo ngân hàng điện tử, những trang thương mại, những đơn vị mua sắm hàng hóa dịch vụ trên mạng... Nhiều chủ thẻ không biết và đăng nhập thông tin thẻ tín dụng lên những website giả mạo này, nên bị kẻ gian đánh cắp thông tin để sau đó mua sắm trên mạng.
Chị Q.A (TP.HCM) chia sẻ hiện đang làm việc với ngân hàng vì thẻ tín dụng chị không dùng nhưng bị ai đó đánh cắp thông tin để mua tiền ảo trên mạng hơn 750 euro (khoảng 20 triệu đồng). Trường hợp khác, ông Park (du khách Hàn Quốc) bị lấy mất 3 thẻ tín dụng quốc tế, kẻ gian đã quẹt thẻ chi tiêu hơn 11.000 USD (tương đương 250 triệu đồng).
Bảo quản thẻ như tiền
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho hay nhiều người có thói quen giao thẻ cho nhân viên nhà hàng mang thẻ vào trong quầy thanh toán. Điều này hết sức rủi ro, kẻ gian có thể dùng điện thoại để chụp các thông tin trên thẻ như mặt trước là tên, dãy số thông tin thẻ, ngày hết hạn thẻ; mặt sau thẻ là 3 số CVC. Nếu lấy được các thông tin này, kẻ gian có thể dùng nó để mua sắm hàng hóa trên mạng, ra cả nước ngoài.
Số CVV hay CVC là mã số bảo mật của thẻ tín dụng dùng trong thanh toán quốc tế, để xác minh quyền sở hữu thẻ của người dùng. Mã gồm 3 chữ số được in ở phần dưới dải băng đen mặt sau của thẻ và quản lý giao dịch mỗi khi người dùng thanh toán hoặc chi tiêu trên thẻ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để tránh kẻ gian lợi dụng khi chủ thẻ sử dụng thẻ tín dụng nên nhớ số mã trên thẻ và sau đó xóa đi. Đồng thời việc thực hiện thanh toán khi ăn uống, mua sắm..., chủ thẻ cũng nên để mắt xem người cầm thẻ có quẹt qua các thiết bị lạ, hay chụp ảnh thông tin trên thẻ. Đối với giao dịch ngân hàng điện tử, thiết bị máy tính cần cài đặt chương trình diệt vi rút, bật chức năng chống giả mạo để đảm bảo truy cập các trang mạng.
Thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay so với cuối năm 2018, số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet ngày càng gia tăng, trong đó khách hàng doanh nghiệp tăng 13,3%, cá nhân tăng 20,22%, số lượng khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán qua thiết bị di động tăng 38,7%.
Số lượng giao dịch thanh toán qua internet cũng tăng nhanh, cụ thể khối khách hàng doanh nghiệp tăng 45,92%, cá nhân tăng 22,13%. Số lượng thẻ phát hành trên địa bàn thành phố cũng tăng 7,75%, trong đó thẻ nội địa chiếm 70,73% tổng lượng thẻ.
Theo Công ty phân tích dữ liệu GlobalData, lượng thanh toán bằng thẻ tại VN đã tăng hơn 5 lần trong vòng 5 năm qua, từ 56 triệu giao dịch trong năm 2015 lên 271 triệu giao dịch vào năm 2019 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 48,3%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay dự báo sẽ đạt mức 522,5 triệu giao dịch vào năm 2023.
|
Thanh Xuân
Thanh niên