TP.HCM lo xuất khẩu dần mất lợi thế cạnh tranh
Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm so với cả nước trong thời gian qua. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi "do thiếu cơ chế chính sách, hay do những yếu kém nội tại của kinh tế thành phố?".
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các chuyên gia, sở ngành tìm giải pháp, hiến kế cho hoạt động xuất khẩu của thành phố trong giai đoạn mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Phát biểu tại hội nghị Tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn thành phố do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17-10, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP, cho rằng việc thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2000-2019 nhằm đánh giá, tổng kết thực trạng hoạt động xuất khẩu của thành phố trong gần 20 năm qua.
"Thành phố muốn lắng nghe sâu hơn các ý kiến đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là các hoạt động xuất khẩu đầu tư gần 20 năm qua, làm cơ sở để xác định vị trí hàng hóa của thành phố trong tổng thể sử dụng hàng hóa của thế giới, từ đó định hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn sắp tới", ông Phong nhấn mạnh.
Không chỉ yêu cầu chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu của thành phố do thiếu cơ chế chính sách, yếu kém nội tại của kinh tế thành phố, hay do nguyên nhân nào, ông Phong còn yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc.
Trong đó, cần nêu rõ giải pháp nào thành phố làm được, giải pháp nào cần sự hỗ trợ phối hợp của trung ương, khuyến nghị các định hướng phát triển xuất khẩu mà thành phố cần tập trung chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (trái) cùng các đại biểu tham gia tại hội nghị "Tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM" tổ chức ngày 17-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Ông Phong cũng cho rắng nếu nhìn cột mốc từ năm 2000 - năm mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Mỹ (BTA), cũng là mốc đánh dấu việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng, thời gian qua hoạt động xuất khẩu của thành phố liên tục phát triển và là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
Tuy hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn tiếp tục phát triển, số liệu thống kê cho thấy đã có dấu hiệu khựng lại, tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm.
Một trong những lý do khiến cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động là diễn biến kinh tế thế giới: tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012 và gần đây nhất là tác động xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (bên phải) trong một lần đến làm việc tại Công ty TNHH cơ khí Lập Phúc (TP.HCM) - Ảnh: T.V.N.
|
Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, hoạt động xuất khẩu của thành phố đã đến ngưỡng giới hạn, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá.
Kim ngạch xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2005 thành phần kinh tế trong nước chiếm 55% và thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45% thì đến cuối năm 2018 cơ cấu tương ứng là 48,9% và 51,1%).
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu.
Đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... còn thiếu và yếu, ảnh hưởng đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa có những dự án quy mô lớn dành cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cơ cấu sản xuất và xuất khẩu chậm được đổi mới để tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.
Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,1 tỉ USD, 9 tháng 2019 ước đạt 30,7 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện thành phố có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm, dự kiến năm 2019 sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỉ USD; giày dép khoảng 1,9 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ chừng 1,6 tỉ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng…
|
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ