Thứ Năm, 17/10/2019 12:00

Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà

Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (UpCoM, mã VCW) sau hàng loạt tai tiếng vẫn lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cuộc chiến thâu tóm cổ phần tại công ty nước sạch lớn nhất thủ đô cũng gay gắt và chiến thắng thuộc về một đại gia "máu mặt" nhưng khá kín tiếng.

* Công ty nước sạch Sông Đà kinh doanh như thế nào

* Tổng giám đốc nước sạch sông Đà: "Nước có mùi do hàm lượng clo cao"

* Chất độc xylene gây mùi lạ cho nguồn nước sông Đà

Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà
Chủ tịch 8X của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Nước sạch sông Đà từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình. Công ty đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước, dùng ống nhựa Trung Quốc chất lượng thấp khiến hàng triệu người dân Hà Nội lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Mới đây nhất, sự cố người dân một số quận Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen. Người dân vô cùng hoang mang. Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.

nuoc sach
Người dân Hà Nội đang lo lắng vì nguồn nước săn của Công ty Nước sạch Sông Đà có mùi khét do sự cố dầu thải nhuộm đen dòng nước sông Đà ở thượng nguồn - Ảnh: VOV

Theo kết quả xác minh, Tp. Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.

UBND Tp. Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố.

Dù xảy ra loạt bê bối lớn về chất lượng nhưng Công ty Nước sạch Sông Đà vẫn là "ông trùm" cung cấp nước sạch cho Hà Nội và đạt mức siêu lợi nhuận.

Năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều. Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.

Chính vì lĩnh vực kinh doanh thiết yếu cộng với tập khách hàng lớn ở thủ đô, giới tài chính đã có một cuộc đua gay gắt để thâu tóm công ty này. Cuối năm 2017, sau nhiều tai tiếng, Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái đã và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vốn nổi tiếng trên sàn chứng khoán đã tham gia vào cuộc đua.

Tuy vậy phần thắng cuối cùng thuộc về Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex gồm nhiều đợt và sở hữu 50,42% cổ phần tại đây, REE của doanh nhân Mai Thanh ngậm ngùi với vị trí thứ hai khi chỉ sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Nước sạch Sông Đà.

Đường đua gom cổ phiếu gay cấn là thế nhưng Sinh Thái đã ngay lập tức sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018. Dưới góc nhìn tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu.

Cuộc đua thâu tóm Nước sạch Sông Đà sau đó cũng chốt hạ với nhiều giao dịch lòng vòng của nhóm Năng lượng Gelex. Tính đến nay, nhóm Gelex đã nắm giữ 60,46% cổ phần, REE nắm 35,95% cổ phần, Quỹ đầu tư MB nắm 2,22%. Đây là 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 99% cổ phần công ty.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được sở hữu 100% bởi Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam Gelex. Gelex tự tin cho biết đang sở hữu chi phối Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm. 

Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân thế hệ 8X nổi tiếng trong giới tài chính. Được biết, ông Tuấn sinh năm 1984, tại Hà Nam. Xuất thân từ ngành tài chính - ngân hàng, ông Tuấn ngay từ khi còn trẻ đã nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương ngay trên sàn. Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV)…

Hiện đại gia trẻ này nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch  Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon. 

Mới đây nhất, nhóm của đại gia trẻ này còn thực hiện cuộc thâu tóm Tổng công ty Viglacera khi liên tục gom cổ phần thoái vốn tại Bộ Xây dựng. Ông Tuấn sau đó cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera.

Với tiềm lực tài chính mạnh, khẩu vị đầu tư chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như điện, nước… những ngành dù khó khăn kinh tế cũng không bị ảnh hưởng này đã gia tăng khối tài sản của nhóm này lên tới hàng chục nghìn tỷ. 

Chỉ tính riêng khối tài sản tại Nước sạch Sông Đà, gia đình đại gia kín tiếng này đã có khối tài sản trên 1.500 tỷ đồng. 

Bạch Huệ

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Nâng hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Đừng vội! (17/10/2019)

>   Quản lý thị trường kiểm tra loạn giá nước đóng chai (16/10/2019)

>   Ủy ban Kinh tế Quốc hội: 'Không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê' (16/10/2019)

>   Thủ tướng: Khắc phục "sân trước, sân sau", thậm chí "vườn sau" trong doanh nghiệp Nhà nước (16/10/2019)

>   12 dự án yếu kém đã mất 50% vốn, không xử lý sớm phần còn lại cũng sẽ mất (16/10/2019)

>   Khan hiếm, loạn giá nước đóng chai tại Hà Nội (16/10/2019)

>   TP.HCM: nhà máy ngưng xử lý nước nếu ô nhiễm (16/10/2019)

>   Doanh nghiệp nông sản Mỹ "xếp hàng" chờ vào thị trường Việt Nam (16/10/2019)

>   Nguy cơ 'bom rác' khắp nơi: Hệ lụy từ 'công nghệ' chôn lấp (16/10/2019)

>   Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân nước sông Đà ô nhiễm (16/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật