Thứ Tư, 16/10/2019 07:20

Nguy cơ 'bom rác' khắp nơi: Hệ lụy từ 'công nghệ' chôn lấp

Để xử lý vấn nạn 'bom rác' gây bức xúc ở nhiều nơi, Bộ TN-MT khẳng định phối hợp với các địa phương thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý rác thải trên phạm vi cả nước.

Nguy cơ 'bom rác' khắp nơi: Hệ lụy từ 'công nghệ' chôn lấp
Rác thải tập kết ngay tuyến đường QL40B đoạn qua P.Trường Xuân, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Mạnh Cường

Loay hoay "công nghệ" chôn lấp

Rác thải không có nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường đang là vấn nạn của tỉnh Quảng Nam (khoảng 1,5 triệu dân), với khối lượng tồn đọng trên địa bàn 400 m3/ngày. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, bãi rác Tam Nghĩa và bãi rác Tam Xuân 2 (H.Núi Thành) từ nhiều năm qua là nơi chôn lấp lượng rác thải chủ yếu của tỉnh. Tuy nhiên, do không đảm bảo vệ sinh môi trường nên đều bị người dân phản ứng, buộc phải đóng cửa để khắc phục ô nhiễm. Cả tỉnh chỉ có 1 lò đốt rác ở xã Đại Nghĩa (H.Đại Lộc) cũng quá tải, ảnh hưởng môi trường nên bị người dân ngăn chặn không cho hoạt động.

Công nhân tiến hành khắc phục sự cố môi trường tại bãi rác Tam Xuân 2 (H.Núi Thành, Quảng Nam). Ảnh: Mạnh Cường

Chính vì vậy, ven tuyến QL1, QL40B hay các tuyến đường ở khu dân cư, trước cổng chợ đoạn qua các huyện: Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Duy Xuyên, TX.Điện Bàn, TP.Tam Kỳ... xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tự phát chất thành từng đống đủ loại, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được thu gom, xử lý kịp thời. Nhiều thùng đựng rác của Công ty CP môi trường đô thị (MTĐT) Quảng Nam không còn chỗ chứa, việc tập kết rác bằng các bao bì sơ sài, vương vãi trên đường.

“Thời gian gần đây trên địa bàn Quảng Nam đang bùng phát dịch sốt xuất huyết. Việc rác ứ đọng gây ô nhiễm càng khiến dịch bệnh thêm phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân”, ông Lê Minh Tuấn (43 tuổi, ở TP.Tam Kỳ) lo lắng.

Trong khi đó, bãi rác Cẩm Hà (TP.Hội An) chủ yếu xử lý rác cho TP.Hội An cũng đang “ứ đọng” hơn 270.000 tấn rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng trăm hộ dân. Ở bãi rác này có một dây chuyền xử lý nhưng cũng đang “đắp chiếu” vì hư hỏng thiết bị.

“Rác thải ùn ứ, chỉ cần một cơn gió thổi qua là mùi hôi thối nồng nặc bay khắp nơi, người dân “lãnh đủ”. Mưa xuống, nước từ bãi rác chảy ra ngấm vào đất khiến nguồn nước ngầm của người dân cũng theo đó bị ô nhiễm”, ông Nguyễn Gởi (60 tuổi, ở thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) bức xúc.

Bao giờ có nhà máy xử lý rác đảm bảo vệ sinh để người dân thôi ám ảnh ô nhiễm rác thải là câu hỏi cấp thiết nhất vào lúc này. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An, cho biết TP đã họp, giao Phòng TN-MT tham mưu xây dựng đề án về xử lý rác thải, trình HĐND TP.Hội An tại kỳ họp gần nhất để xem xét, ban hành nghị quyết thực hiện.

Bãi rác Khánh Sơn (TP.Đà Nẵng) chỉ có thể tiếp nhận rác đến cuối năm 2019, theo đó hiện nhiều hộc rác đã được phủ bạt chống ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Sơn

Về xử lý lượng rác tồn đọng phát sinh ô nhiễm, ông Chung Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP MTĐT Quảng Nam, cho hay sau thời gian 2 tháng vận động, người dân đã “nhượng bộ” cho công nhân vào khắc phục sự cố môi trường tại 2 bãi rác ở H.Núi Thành từ sáng 25.9. Dù 2 bãi rác này hoạt động trở lại ước tính phải mất khoảng 3 tháng để thu gom hết lượng rác tồn đọng trong thời gian qua cũng như lượng rác phát sinh mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết đến lúc nào nhà máy được xây dựng.

Tương tự, tại TP.Đà Nẵng (có hơn 1,1 triệu dân), chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hơn 1.100 tấn/ngày. Tất cả rác thải đều được đưa về xử lý tại bãi rác duy nhất của TP là bãi rác Khánh Sơn (Q.Liên Chiểu, hoạt động từ năm 2007). Phát sinh hệ lụy từ "công nghệ" chôn lấp nên thời gian qua bãi rác Khánh Sơn liên tục gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc dẫn đến việc chặn xe rác. Có những thời điểm TP “ngập rác” do xe xử lý rác không thể vào bãi. Theo tính toán, đến cuối năm 2019, bãi rác Khánh Sơn sẽ quá tải nên chính quyền TP đang ra sức triển khai các giải pháp để xử lý. Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, thừa nhận hạ tầng kỹ thuật đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của TP chưa thực sự đảm bảo. Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết TP chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện cũng chưa “chốt” được phương án đầu tư.

Ai phải chịu trách nhiệm chính?

Trả lời Thanh Niên về vấn nạn “bom rác” khắp nơi, đại diện Bộ TN-MT cho rằng không chỉ riêng miền Tây mà phạm vi cả nước, công tác quản lý rác thải còn nhiều bất cập, dẫn đến khối lượng rác phải chôn lấp cao, tốn kém quỹ đất, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường, đã và đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực tế đã có nhiều vụ việc nóng gây mất an ninh trật tự xảy ra ở một số địa phương do liên quan đến rác thải. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân về năng lực tài chính (kinh phí cho công tác thu gom, xử lý chất thải), cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xử lý chất thải, nhân lực (các phòng ban, con người phân bổ cho công tác quản lý chất thải tại các địa phương; năng lực trong việc xem xét, lựa chọn nhà đầu tư; năng lực dự báo về vấn đề quản lý chất thải để không bị động trong quản lý). Đồng thời, cũng có thể xuất phát từ tính minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận đối với các bãi xử lý rác thải ở H.Núi Thành, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty CP MTĐT Quảng Nam. UBND H.Núi Thành cũng thiếu trách nhiệm khi chậm triển khai Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Quảng Nam từ năm 2016, khi có sự cố xảy ra thì lúng túng trong xử lý. Về trách nhiệm trong triển khai khu đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa (H.Đại Lộc) trước hết thuộc về Sở TN-MT. Đơn vị này chậm hoàn thành các thủ tục và phối hợp với địa phương chưa tốt; chưa chủ động tham mưu giải pháp ứng phó phù hợp khi tình hình phức tạp xảy ra. Theo tìm hiểu của PV, Quảng Nam đang tính toán đầu tư nhà máy xử lý rác để đảm bảo môi trường.

Về trách nhiệm để phát sinh “bom rác”, đại diện Bộ TN-MT cho biết tại cấp T.Ư, trước đây công tác quản lý rác thải (chất thải rắn) được giao cho nhiều bộ, ngành và cơ quan cùng tham gia quản lý, không có đầu mối thống nhất về quản lý nhà nước. Từ đầu tháng 2, Chính phủ mới giao cho Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước nhằm giải quyết những chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước tại T.Ư. Phía UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành giải pháp cấp bách

Bộ TN-MT đang tính toán trình Thủ tướng xem xét, ban hành một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý rác thải, đồng thời Bộ cũng sẽ trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền danh mục công nghệ xử lý rác thải khuyến cáo áp dụng để các địa phương thực hiện. Bộ cũng đã phối hợp với các sở TN-MT tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý rác thải trên phạm vi cả nước.

Mạnh Cường

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân nước sông Đà ô nhiễm (16/10/2019)

>   Gần 16.000 đồng hồ Rolex, Omega, Longiness ‘dỏm’ bị truy quét (15/10/2019)

>   ĐBSCL đang chìm khoảng 11 mm/năm (15/10/2019)

>   Trường đua ngựa tại Sóc Sơn dự kiến hoạt động từ 2020 (15/10/2019)

>   Kỳ vọng doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng công nghệ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm (16/10/2019)

>   Vốn đầu tư 9 tháng đầu năm: Kết quả và cảnh báo (15/10/2019)

>   Lo cho ngành dệt may (15/10/2019)

>   TP.HCM: Nghiên cứu, đề xuất tăng thêm tuyến đường thu phí đỗ ô tô (15/10/2019)

>   Tăng thêm ngày nghỉ là "xa xỉ" với Việt Nam thời điểm này? (14/10/2019)

>   Việt Nam đề nghị Ấn Độ nhập 300 container hương nhang (14/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật