Kỳ vọng doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng công nghệ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm
Từ xu hướng chung của thị trường ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) trong 8 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư có thể tự phác họa bức tranh kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết đang có hoạt động liên quan trong lĩnh vực này.
Tình hình thị trường ICT 8 tháng đầu năm
Theo báo cáo thị trường ICT của GFK, 8 tháng đầu năm 2019, thị trường máy tính và thiết bị điện tử tại Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Doanh số máy tính để bàn ghi nhận tăng trưởng doanh thu 13.5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,060 tỷ đồng. Doanh số máy tính xách tay tăng trưởng gần 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 5,075 tỷ đồng. Cùng với đó các ngành hàng khác như màn hình máy tính, máy in, thiết bị lưu trữ đều tăng trưởng doanh số so với cùng kỳ.
Đây là một xu hướng khá bất ngờ của thị trường này, ngược lại với các dự báo trước đó rằng việc điện thoại thông minh ngày càng phổ biến hơn khiến thị trường máy tính bị dự báo suy giảm.
Nguồn: GFK
|
Xét hệ thống phân phối, kênh cửa hàng máy tính (computer store - các cửa hàng ngoài chuỗi viễn thông) vẫn là kênh chủ đạo đối với ngành hàng này. Trong 8 tháng đầu năm, 41% cơ cấu doanh thu máy tính xách tay và 91% cơ cấu doanh thu máy tính để bàn thuộc về kênh phân phối cửa hàng máy tính. So với cùng kỳ, tỷ trọng tính theo giá trị của kênh phân phối này đối với máy tính xách tay và máy tính để bàn lần lượt tăng trưởng gần 13% và 16%.
Cơ cấu các kênh phân phối máy tính 8 tháng đầu năm 2019
Nguồn: GFK
|
Lý giải về xu hướng tăng trưởng này, đại diện khối kinh doanh của Digiworld (HOSE: DGW) - một công ty chuyên về phân phối ICT tại Việt Nam cho biết, xu hướng tăng tiêu dùng của khối doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và nhóm doanh nghiệp FDI đang là yếu tố hỗ trợ đối với ngành hàng điện tử trong 8 tháng đầu năm. Đồng thời, xu hướng số hóa đòi hỏi các doanh nghiệp phải trang bị và nâng cấp phần cứng. Tất yếu dẫn tới kết quả tăng trưởng của ngành hàng này.
Bên cạnh xu hướng tăng trưởng doanh thu, thị trường này cũng ghi nhận dịch chuyển cơ cấu tiêu dùng hàng máy tính xách tay theo xu hướng cao cấp hóa. Điều này được thể hiện qua thay đổi trong cơ cấu đóng góp doanh số: Doanh số máy tính xách tay trên 14 triệu đồng chiếm tới 43% tổng doanh số so với 37% cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh số máy để bàn trên 12 triệu đồng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thị trường điện thoại thông minh, trong 8 tháng đầu năm, doanh số bán hàng tại thị trường Việt Nam ghi nhận sụt giảm 3% so với cùng kỳ, ở mức 58,653 tỷ đồng. Trong đó, có thể nhận thấy xu hướng chuyển dịch từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến. Doanh thu bán hàng của các kênh truyền thống giảm hơn 8% trong khi kênh trực tuyến tăng 25.5%.
Nguồn: GFK
|
Tổng kết thị trường 8 tháng đầu năm, Samsung, Oppo, Apple vẫn lần lượt giữ 3 vị trí dẫn đầu về thị phần. Tuy nhiên, Huawei và Realme có thị phần khá tương đương xếp ở các vị trí tiếp theo. Sau đó là Vivo, Mi, Nokia, Redmi.
Giữ thị phần lớn song ba ông lớn Samsung, Oppo, Apple đều không duy trì được xu hướng tăng về thị phần. Trong khi đó, Xiaomi lại duy trì đà tăng thị phần khá tốt từ đầu năm 2019 với hai thương hiệu Redmi và Mi. Thị phần của hãng này tính tới cuối 8/2019 đạt 8% so với con số khoảng 3.4% hồi tháng 3/2019.
Theo đó, Xiaomi vượt mặt Apple (chiếm thị phần 6.2%) trong tháng 8/2019 vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần ở Việt Nam, xếp sau Samsung và Oppo.
Thị phần điện thoại thông minh của các hãng
Nguồn: GFK
|
Phân khúc giá sôi động nhất trong 8 tháng đầu năm là 3 - 4.5 triệu đồng, đóng góp tới 36% tổng doanh số điện thoại thông minh so với chỉ 28% của năm trước. Về giá trị phân khúc này đóng góp 23% trong kỳ so với 16.6% kỳ trước.
Kỳ vọng gì về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm, thị trường hàng điện tử diễn biến tăng trưởng tích cực trái ngược với xu hướng bão hòa của điện thoại thông minh. Nếu đi sâu hơn vào bên trong của từng thị trường, vẫn có thể nhận ra những xu hướng tăng trưởng riêng.
Nắm bắt được xu hướng tăng trưởng, các doanh nghiệp hoạt động liên quan trong lĩnh vực này vẫn có thể đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Trên sàn, Thế giới Di động (MWG) và FPT Retail (FRT) được biết đến như hai ông lớn ngành bán lẻ, còn Digiworld (DGW) là đại diện nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường.
8 tháng đầu năm 2019, mảng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… đóng góp 46.4% cơ cấu doanh thu của MWG.
Đối với FRT, mảng thiết bị tin học, điện thoại, linh kiện… đóng góp tới 98% cơ cấu doanh thu bán niên.
Về phần DGW, trong doanh thu bán niên 2019, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng chiếm 33% cơ cấu, mảng điện thoại di động chiếm 46%, thiết bị văn phòng chiếm 18%.
Diễn biến thị trường ICT 8 tháng đầu năm là những dữ kiện quan trọng để nhà đầu tư có thể dự đoán được kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kể trên, khi đây vẫn đang là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Đâu là doanh nghiệp tận dụng tốt xu hướng tăng trưởng của ngành hàng điện tử? Doanh nghiệp nào thức thời nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong mảng điện thoại thông minh đang dần bão hòa?
Trong số này, DGW đang có những lợi thế vượt trội hơn. Không chỉ phân phối các thiết bị máy tính, thiết bị văn phòng, máy tính bảng…, DGW hiện là nhà phân phối được ủy quyền duy nhất các mặt hàng Xiaomi tại Việt Nam. Việc thị phần Xiaomi tiếp tục tăng trưởng rõ ràng là lợi thế lớn nhất.
Với những xu hướng mới, doanh nghiệp nào tận dụng tốt xu hướng tăng trưởng của ngành hàng điện tử, nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong mảng điện thoại thông minh đang dần bão hòa thì sẽ đạt kết quả tốt trong kết quả kinh doanh quý 3 sắp hé lộ tới đây.
* Các số liệu liên quan tới thị trường ICT được trích và tính toán từ báo cáo tháng 8 của GFK
Chí Kiên
FILI
|