TP.HCM: Hệ lụy nào khi dự án nhà ở giảm, giá tăng?
Các báo cáo gần đây từ Sở Xây dựng TP.HCM cũng như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đều cho thấy số dự án nhà ở giảm trong ba năm từ 2017-2019. Và đó được cho là nguyên nhân chính khiến giá nhà ở tăng mạnh trong thời gian qua.
Lượng dự án nhà ở hoàn thành giảm mạnh trong năm 2019 (ảnh:PK).
|
Dự án nhà ở giảm mạnh
HoREA dẫn số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy: Năm 2017 thành phố có 69 dự án nhà ở chung cư và nhà ở thấp tầng được cấp phép xây dựng; đến năm 2018, số dự án được cấp phép chỉ còn 53 dự án; tuy nhiên đến hết 3 quí của năm 2019, số dự án được cấp phép còn giảm mạnh hơn nữa, chỉ còn 24 dự án.
Ở diễn biến tương ứng, năm 2017 có 27 dự án nhà ở hoàn thành với số lượng 21.280 căn và tổng diện tích sàn là 1.887.953m2. Sang năm 2018, các chỉ số trên đều tăng mạnh lần lượt là 61 dự án hoàn thành với 35.370 căn hộ trên tổng diện tích sàn 3.492.212m2. Song 9 tháng đầu năm 2019, sự sụt giảm thể hiện rõ rệt: số dự án hoàn thành chỉ 17 với 12.453 căn nhà trên tổng diện tích sàn 1.306.320m2.
Đặc biệt, thị trường bất động sản TP.HCM trong 3 quí đầu năm 2019 đang trong xu thế tiếp tục sụt giảm, ở mức 83%; và đáng nói là không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38% so với cùng kì năm 2018.
Tuy nhiên, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm tương ứng hơn 58% về số lượng dự án và hơn 30% về số lượng căn nhà so với cùng kì năm trước.
Hệ lụy đang dần lớn…
Với số lượng nhà ở giảm mạnh, hệ lụy đầu tiên ập lên các doanh nghiệp xây dựng. Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng đã bị giảm từ 30-50% lượng hợp đồng thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư.v.v… Doanh thu từ các doanh nghiệp bất động sản, các nhà thầu và cung cấp thiết bị sụt giảm ảnh hưởng mạnh tới nguồn thu tiền sử dụng đất và thuế từ thị trường bất động sản, lượng việc làm bị cắt giảm ảnh hưởng tới đời sống công nhân lao động…
Tình trạng mất cân bằng cung cầu đang làm cho giá nhà bị đẩy lên cao. Theo kết quả khảo sát công bố gần đây của kênh Batdongsan.com.vn, trong quí III vừa qua tốc độ tăng giá chào bán căn hộ nhanh hơn so với tốc độ tăng giá rao cho thuê, nhóm căn hộ diện tích từ 85-90m2 có mức tăng giá so với cùng kì năm ngoái là 11,8%.
Lượng cung ít khiến giá nhà ở tăng nhanh (ảnh:PK).
|
Còn theo nghiên cứu của Công ty DKRA Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây (từ 2015-2019) giá căn hộ tại TP.HCM tăng hơn 50%. Trong đó, riêng từ đầu năm 2019 tới nay, mức tăng giá cao hơn vì lượng cung hàng hóa giảm mạnh.
Trong khi cung – cầu mất cân bằng, HoREA cho rằng còn nảy sinh một sự “lệch pha” là phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm tỉ trọng lên đến khoảng 70-80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường 9 tháng qua. Loại nhà ở bình dân vừa túi tiền và nhà ở xã hội vẫn tiếp tục khan hiếm khiến cho nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình rất khó tiếp cận.
Trong tình trạng thị trường bất động sản TP.HCM đang diễn ra bất lợi như vậy, câu hỏi đặt ra là đã rơi vào khủng hoảng (thiếu) hay chưa? Trả lời trên một tờ báo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện đang rơi vào tình thế khó khăn nhất thời với nguyên nhân chính là do vướng mắc, xung đột của một số văn bản qui phạm pháp luật và công tác thực thi pháp luật. Nếu không kịp thời xử lí các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn và thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
Thế Lâm
Lao Động
|