Thứ Năm, 31/10/2019 10:02

Cuộc chiến hầm giữ xe

Thời gian qua đã nổ ra hàng loạt cuộc tranh chấp hầm giữ xe tại các chung cư trên địa bàn TP.HCM.

'Cuộc chiến' hầm giữ xe
Bãi xe tại tầng hầm chung cư Phúc Yên đã thành... của riêng. Ảnh: ĐÌNH SƠN

Biến của chung làm của riêng

Sáng 30.10, hàng chục cư dân tại chung cư Phúc Yên (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã kéo lên Sở Xây dựng chất vấn việc cho chung cư này thay đổi thiết kế, công năng từ đó biến 1.417,7 m2 bãi xe tại tầng hầm 1 thuộc sở hữu chung thành sở hữu riêng của chủ đầu tư là Công ty cổ phần địa ốc và đầu tư Phúc Yên.

Chị Hồng, một cư dân tại đây cho biết, kể từ năm 2009, thời điểm chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho cư dân sử dụng cho đến nay, Sở Xây dựng đã nhiều lần ban hành quyết định thay đổi, điều chỉnh về công năng, thay đổi diện tích sở hữu chung thành sở hữu riêng của chung cư theo đề nghị của chủ đầu tư mà không lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định.

Từ các quyết định của Sở Xây dựng, tháng 10.2017 Sở Tài nguyên - Môi trường đã cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư đối với diện tích 1.417,7 m2 vốn là nơi đậu xe của cư dân tại tầng hầm 1 của chung cư.

“Hiện nay chủ đầu tư đã dùng sắt rào kiên cố phần diện tích và ban hành bảng giá giữ xe mới. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn phòng cháy chữa cháy của tầng hầm và cả chung cư. Nếu không phá bỏ có nguy cơ sẽ xảy ra thảm họa tương tự như chung cư Carina (Q.8)”, chị Hồng cho hay.

Tại chung cư The Everich Infiniti (Q.5) lâu nay cũng nổ ra cuộc chiến hầm giữ xe khi Công ty Phát Đạt, chủ đầu tư thông báo bán 155 chỗ đậu xe ô tô giá 500 triệu đồng/chỗ có diện tích từ 10,8 - 12,5 m2 (chưa bao gồm 10% thuế VAT và 2% phí bảo trì). Ngay sau khi thông báo được phát đi, cư dân lập tức phản đối vì giá bán quá cao và cho rằng đây là phần sở hữu chung của tòa nhà.

Tuy nhiên, phía Công ty Phát Đạt lại cho rằng, chủ đầu tư đã hoàn tất và tuân thủ theo quy định của pháp luật về diện tích chung, riêng tại hầm giữ xe ô tô, xe máy cũng như những quy định đã ký kết trong hợp đồng việc bố trí và bàn giao phần diện tích sở hữu chung cho toàn bộ cư dân sử dụng chung tại khu căn hộ. Đối với phần diện tích dôi dư là 6.543 m2 theo luật thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và chủ đầu tư ưu tiên cho cư dân thuê để đậu xe ô tô (có thu phí) hoặc bán.

Tương tự, các cư dân ở block A10, A11 khu dân cư Ehome 3 (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng đang đấu tranh với chủ đầu tư để có một chỗ đậu xe đúng nghĩa. Hiện cư dân không biết xe của mình để ở đâu vì block A10, A11 phải đậu xe ở công viên, hành lang chung cư...

Bị cư dân phản đối, chủ đầu tư tiếp tục đưa ra giải pháp mới là đưa xe của dân ở khu A10, A11 qua bãi đỗ xe ở khu A1, A2 cách đó khoảng 50 m. Từ đây, một tranh chấp mới lại phát sinh khi các cư dân block A1 phản đối. Mâu thuẫn nảy sinh gay gắt giữa cư dân với chủ đầu tư, giữa các cư dân với nhau đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Sở hữu chung, sở hữu riêng

Luật sư Hoàng Thu, Giám đốc Công ty luật Hoàng Thu, cho biết theo quy định, đối với chỗ để xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung.

Đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này.

Do đó, việc phân định sở hữu chung hay riêng trong dự án chung cư sẽ phụ thuộc vào hồ sơ xin và phê duyệt dự án ban đầu của chủ đầu tư thể hiện như thế nào.

Ngoài ra trong hợp đồng mua bán ký giữa người mua và chủ đầu tư cũng đã quy định rõ. Nếu hợp đồng mua bán có thỏa thuận thì thực hiện theo thỏa thuận đó, chủ đầu tư chỉ có quyền bán nhà xe khi hồ sơ pháp lý ban đầu thể hiện nhà xe của chủ đầu tư và hợp đồng mua bán xác định hầm gửi xe không thuộc sở hữu chung của nhà chung cư.

“Trước đây, có quy định tầng hầm gửi xe thuộc sở hữu chung của cư dân, nhưng sau đó có quy định điều chỉnh, tùy từng dự án và theo hồ sơ linh động xin phê duyệt từ ban đầu. Đây là điểm bất cập, mập mờ về pháp lý dẫn đến nhiều tranh chấp xảy ra hiện nay. Do đó, để hạn chế sự mâu thuẫn, không rõ ràng cũng như giải quyết những tranh chấp tầng hầm chung cư cần ban hành các văn bản quy định và giải thích thật rõ ràng, hợp lý xác định rằng: tầng hầm (để xe) phải thuộc sở hữu chung.

Trừ trường hợp khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán với khách hàng có thỏa thuận khác sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Trong trường hợp này, pháp luật cần bảo vệ người mua nhà là những khách hàng, những chủ sở hữu thực sự của chung cư sau này”, luật sư Hoàng Thu phân tích.

Tại nhiều chung cư ở TP.HCM hiện nay tầng hầm giữ xe quá nhỏ, không đáp ứng được chỗ đậu xe của cư dân, nhất là chỗ đậu xe ô tô cũng đã làm cư dân bức xúc, từ đó phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bất động sản lo thiếu vốn (31/10/2019)

>   Giám đốc chiếm hơn 600 m2 đất công xây nhà gần 8 năm không bị xử lý (28/10/2019)

>   HOREA: 9 tháng tín dụng đổ vào bất động sản Tp.HCM có xu hướng giảm (26/10/2019)

>   Doanh nghiệp đã giải thể 18 năm nhưng Khánh Hòa quên thu hồi đất (25/10/2019)

>   Hợp tác với nhiều quỹ đầu tư quốc tế để phát triển siêu dự án là hướng đi mới của LDG Group (22/10/2019)

>   Thị trường Hà Nội sắp đón hàng nghìn căn hộ từ các chủ đầu tư nước ngoài (22/10/2019)

>   Giá thuê mặt bằng thương mại leo thang (21/10/2019)

>   Khối ngoại chiếm lĩnh thị phần quản lý khách sạn (20/10/2019)

>   Giám đốc Savills: Càng cắm đầu mua đất Đông Anh, càng làm giá cho người bán (20/10/2019)

>   Loạn giám đốc sàn bất động sản tự phong (19/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật