TP.HCM gắn hơn 10.000 camera dự kiến hết 1.600 tỉ, để làm gì?
Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã trình TP đề án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung giai đoạn 2019-2025. Toàn TP sẽ được "phủ sóng" hơn 10.000 camera với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỉ đồng.
Hệ thống camera giao thông ở khu vực cầu Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Theo đề án, lộ trình từ nay đến năm 2025 toàn TP sẽ được "phủ sóng" hơn 10.000 camera tại các vị trí trọng điểm và tích hợp dữ liệu về hệ thống giám sát chung, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỉ đồng.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, xung quanh đề án này.
Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera
* Thưa ông, những năm qua, nhiều nơi ở TP.HCM đã trang bị camera giám sát. Vì sao đến thời điểm này, TP lại đặt vấn đề cần xây dựng hệ thống giám sát tập trung?
- Hệ thống quan sát bằng hình ảnh trên địa bàn TP gồm nhiều hệ thống với các nguồn đầu tư và mục đích sử dụng khác nhau. Có thể chia thành 3 nhóm chính: hệ thống giám sát an ninh trật tự của Công an TP hoạt động riêng theo cơ chế bảo mật của ngành công an; hệ thống giám sát quản lý giao thông do nhiều đơn vị, tổ chức đầu tư nhằm mục đích giám sát tình hình giao thông; hệ thống camera ở các quận, huyện (được đầu tư bằng ngân sách hoặc từ nguồn xã hội hóa).
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống camera, đặc biệt là hệ thống được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Điều này dẫn đến chủng loại thiết bị, thông số, tính năng của camera thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho tích hợp và quản lý tập trung.
Thêm đó, việc phát triển hệ thống camera còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch rõ ràng. Nhiều quận, huyện đầu tư lắp đặt mà không xin ý kiến thẩm định chuyên môn của cấp TP nên không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Từ đó có thể xảy ra tình huống sử dụng hình ảnh camera không đúng mục đích, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Do vậy rất cần có một hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung để giải quyết những bất cập còn tồn tại như trên.
* Liệu có lãng phí không khi TP bỏ ngân sách đầu tư hệ thống mới trong khi đã có rất nhiều hệ thống camera hiện hữu?
- Chúng tôi đã xác định rất rõ việc triển khai đề án phải đảm bảo nguyên tắc là tập trung nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống camera hiện hữu. Từ đó lựa chọn đưa về quản lý trực tiếp tại hệ thống quản lý tập trung cấp TP.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đề án phải luôn tính toán đến sự phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ do có nhiều hệ thống, đa chủng loại, nhiều nhà cung cấp, nhiều vị trí địa lý khác nhau... Ngoài ra còn có sự phức tạp về mặt tổ chức phối hợp thực hiện khi có rất nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Việc triển khai cũng sẽ có lộ trình, bước đi thích hợp, có thí điểm kết nối ở một số đơn vị, sau đó đánh giá tổng kết rồi mới nhân rộng nhằm giảm thiểu rủi ro.
Lộ trình thực hiện
* Ông có thể chia sẻ rõ hơn về lộ trình thực hiện không?
- Giai đoạn 1 (2019 - 2021) là giai đoạn chuẩn bị các nền tảng kỹ thuật và phi kỹ thuật cần thiết. Cụ thể là rà soát lại mạng lưới camera giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông đã có, xây dựng quy hoạch triển khai hệ thống camera giám sát phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng, đường truyền cáp quang...
Giai đoạn này cũng sẽ xác định, lựa chọn khoảng 300 camera hiện có và bổ sung 200 camera tại các vị trí trọng điểm, đảm bảo khả năng điều khiển tập trung từ trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm giám sát thường trực cấp TP để kết nối trực tiếp vào hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung. Đồng thời triển khai tích hợp khoảng 1.000 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự của Sở Giao thông vận tải, Công an TP và các quận huyện.
Ngoài ra triển khai thí điểm các phần mềm, ứng dụng phân tích hình ảnh, cảnh báo sớm với các tính năng cơ bản và một số tính năng nâng cao nhằm hỗ trợ cho công tác vận hành, giám sát của các trung tâm chỉ huy, điều hành cấp TP.
Đến giai đoạn 2 (2021 - 2025) là giai đoạn mở rộng phạm vi quản lý, kết nối, từng bước hình thành và đưa vào sử dụng thống nhất một hệ thống quản lý và giám sát camera tập trung của TP.
Lúc này sẽ mở rộng số lượng camera tại các khu vực trọng điểm để kết nối trực tiếp đến hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung, kể cả các camera giám sát an ninh trật tự của Công an TP, dự kiến từ 1.000 đến 3.000 camera. Ngoài ra mở rộng số lượng camera được tích hợp dữ liệu tại hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung cấp TP, dự kiến khoảng 10.000 camera.
Các khâu khác cũng được thực hiện như hoàn thiện các phần mềm phân tích hình ảnh, cảnh báo sớm, xây dựng quy chế vận hành, tổ chức bộ máy - nhân sự, tập huấn đội ngũ cũng sẽ được thực hiện.
* Khi xây dựng hệ thống giám sát tập trung, vấn đề quản lý, khai thác thông tin sẽ được tính toán ra sao, thưa ông?
- TP sẽ có quy định rõ về việc phân cấp, phân quyền quản lý. Hệ thống trung tâm chỉ huy, điều hành cấp TP bao gồm trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm thông tin chỉ huy của Công an TP và trung tâm tiếp nhận xử lý thông tin khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn TP.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ là nơi được phân quyền nhiều nhất, có thể truy cập tất cả hình ảnh camera có trong hệ thống. Trường hợp khẩn cấp, có sự vụ vượt thẩm quyền của các trung tâm điều hành chuyên ngành thì lãnh đạo TP có thể toàn quyền chỉ huy, đưa ra các mệnh lệnh điều hành. Tinh thần chung là các sở, ban, ngành được quyền truy cập vào hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống tại các quận huyện và các hệ thống khác căn cứ nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý. UBND và công an quận, huyện được quyền truy cập vào hệ thống camera lắp đặt trên địa bàn quản lý. Còn UBND và công an cấp phường, xã, thị trấn trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống camera do địa phương đầu tư và truy cập, quan sát tất cả camera trên địa bàn quản lý.
Hệ thống với nhiều tính năng hiện đại
Các nhân viên Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn giám sát giao thông qua hệ thống camera được kết nối với Trung tâm điều hành thành phố thông minh - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo đề án, hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung có các tính năng cơ bản (như phát hiện xâm nhập cơ bản, phát hiện chuyển động, nhận diện cảnh báo đám đông, phát hiện vật thể...).
Ngoài ra, hệ thống còn có nhiều tính năng nâng cao phục vụ giám sát an ninh trật tự như: nhận diện và định danh khuôn mặt, nhận diện hành vi, quản lý đám đông, truy tìm - phân tích, nhận diện biển số, phát hiện nhận diện âm thanh, tiếng nổ, khói, đám cháy.
Đặc biệt còn có tính năng che khuôn mặt - đây là tính năng nâng cao cho phép che, làm mờ khuôn mặt đối tượng khi ghi hình từ các camera nơi công cộng để đảm bảo quyền riêng tư khi phát video nhưng vẫn lưu trữ dữ liệu hình ảnh thô phục vụ làm bằng chứng.
Để phục vụ giám sát tình hình giao thông, hệ thống còn có tính năng nhận diện hướng dịch chuyển của vật thể, đo đếm mật độ lưu thông, đếm lượng phương tiện, phát hiện kẹt xe, quản lý bãi đậu xe...
|
MAI HƯƠNG thực hiện
Tuổi trẻ