Thứ Ba, 08/10/2019 13:00

"Mổ xẻ" nguyên nhân kéo ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam tụt hậu

Đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện dưới 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Được xác định là một trong những ngành “mũi nhọn” để phát triển kinh tế - xã hội, song ngành cơ khí đang đứng trước vô vàn thách thức, thậm chí nhiều lĩnh vực tụt hậu so với thế giới, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa

Nguy cơ thua trên sân nhà

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 đơn vị, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo. Một số ngành trụ cột như sản xuất ôtô, xe gắn máy, cơ khí thủy công… có tỷ lệ nội địa hóa khá cao, đã có nhiều sản phẩm hướng tới xuất khẩu.

Tuy vậy, đây vẫn là kết quả khiêm tốn bởi theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sản phẩm cơ khí Việt Nam rất ít thương hiệu trong nước. Đặc biệt với năng lực hiện tại, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua.

Thậm chí, trình độ cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ, do vậy khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị cơ khí còn rất hạn chế.

Đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, hiện dưới 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ là các doanh nghiệp cung ứng cấp 3, 4 cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Chưa kể sản phẩm cung ứng chủ yếu là các linh kiện, vật tư đơn giản, có giá trị thấp như bao bì đóng gói, các chi tiết đơn giản...

- Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành:

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những bất cập trên là do quy mô của doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất phát điểm thấp, yếu kém nhưng đầu tư phát triển một cách chủ quan, tự phát, thiếu liên kết. Đặc biệt là sự thiếu hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các doanh nghiệp chế tạo với nhau dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, sản phẩm không có tính cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.

Về vĩ mô, ông Sáng cho rằng còn thiếu gắn kết sự phát triển các chương trình kinh tế, xã hội, các dự án lớn với phát triển ngành cơ khí, kết quả là các dự án phải nhập máy móc thiết bị với giá cao còn doanh nghiệp cơ khí không có thị trường để phát triển.

Đại diện Hiệp hội này cho rằng, Luật đấu thầu còn chưa chặt chẽ cộng với việc áp dụng cứng nhắc của chủ đầu tư nên không hạn chế được việc thắng thầu nhờ giá rẻ.

"Ví dụ, dự án triển đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị không hề đề cập đến chương trình nội địa hóa mà mặc nhiên là mua của nước ngoài sẽ phải chịu giá rất cao. Nếu có chủ trương nội địa hóa, ta sẽ nội địa hóa đến 60% và quan trọng hơn là khi trong nước làm chủ việc quản lý dự án, chế tạo thiết bị giá thành sẽ giảm rất nhiều…,” ông Nguyễn Chỉ Sáng nói.

Tạo đột phá từ chính sách

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Chỉ Sáng đề xuất, với các chương trình đầu tư lớn như thủy điện, nhiệt điện, hóa chất, bô xít, đường sắt cao tốc, đường tàu điện ngầm... cần xây dựng lộ trình về nội địa hóa. Với các gói thầu trong nước chưa hoàn toàn có khả năng thực hiện, cho phép đấu thầu với điều kiện nhà thầu trong nước được liên doanh với nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực để làm chủ công nghệ

"Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước đồng thời xây dựng rào cản kỹ thuật với máy móc trong nước đã có khả năng chế tạo," ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị thêm.

Hiện nay, ngành cơ khí tuy phát triển chậm nhưng lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử đã phần nào tiếp cận được nhịp độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chính vì thế, theo các chuyên gia, những thế mạnh của cuộc cách mạng này sẽ là giải pháp để Việt Nam có thể đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, cho phép doanh nghiệp cơ khí tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức, tiếp cận các công nghệ tiên tiến…

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành và Hiệp hội ngành hàng thúc đẩy kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

Một công việc quan trọng được Bộ này đang đẩy mạnh triển khai là xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp cơ khí để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về thị trường, tạo điều kiện kết nối cung - cầu ngành cơ khí.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến xuất khẩu một số sản phẩm cơ khí ưu tiên sang thị trường các nước, xây dựng chiến lược marketing hàng cơ khí sang các thị trường nước ngoài tiếp tục được Bộ Công Thương đẩy mạnh nhằm tạo đà cho công nghiệp cơ khí phát triển.../.

Chủ trương hiện nay của Nhà nước là phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí, đặc biệt là công nghiệp chế tạo thông minh.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% và tăng lên 45% vào 2035 tổng sản lượng ngành cơ khí.

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Việt Nam lên kế hoạch xuất trả phế liệu gây ô nhiễm (08/10/2019)

>   Thoát khỏi thủ tục trì trệ: Tháo gỡ ách tắc hạ tầng (08/10/2019)

>   TP HCM chỉ rõ "nút thắt" giải ngân vốn công (08/10/2019)

>   Vốn đầu tư Singapore chảy mạnh vào TP HCM (07/10/2019)

>   Doanh nghiệp trầy trật "thắp sáng" kinh tế đêm (07/10/2019)

>   Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cho lao động nữ về hưu ở tuổi 58 (07/10/2019)

>   Ngành thép tránh "tầm ngắm" phòng vệ thương mại từ các nước (07/10/2019)

>   Doanh nghiệp xăng dầu "tấn công" thị trường bán lẻ: Miếng bánh không dễ ăn (07/10/2019)

>   Rủi ro gian lận từ thế "kẹp" Trung - Mỹ (07/10/2019)

>   Thoát khỏi thủ tục trì trệ (07/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật