Thêm Cánh Diều, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng tự do hóa với nhiều tân binh
Mới đây, CTCP Hàng Không Thiên Minh dự kiến Hãng Hàng không Cánh Diều sẽ cất cánh ngay quý I/2020 với 6 tàu bay, vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng...
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ủng hộ Hãng hàng không Cánh Diều gia nhập thị trường, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy thị trường hàng không phát triển theo hướng tự do và nâng cao cạnh tranh.
Nhiều tân binh giúp đa dạng hóa thị trường hàng không
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác thị phần của 5 hãng hàng không nội địa và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài. Tính đến từ cuối năm 2018 đến nay, ngành hàng không liên tục ghi nhận nhiều tân binh mới, như: Bamboo Airways cất cánh vào đầu tháng 1/2019, Vietravel Airlines, Vinpearl Air cũng đang chuẩn bị để cất cánh. Như vậy, tính đến hết năm 2020, nếu đi đúng kế hoạch, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay.
Theo nhận định của ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc có thêm các hãng hàng không mới thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hóa, có tính cạnh tranh cao, thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Hàng không Việt Nam tăng trưởng rất cao, 10 năm qua mức tăng trưởng luôn duy trì từ 15-17%, hiện dư địa để phát triển hàng không vẫn còn.
“Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là ủng hộ các hãng mới tham gia vào thị trường hàng không, vì điều này mang lại nhiều lợi ích cho người đi máy bay. Khi các hãng cạnh tranh nhiều thì giá cả sẽ tốt hơn cho khách hàng”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Hàng không Việt Nam đang là miếng bánh ngon?
Theo dự báo của IATA, ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất, trở thành thị trường lớn thứ 15 trong năm 2035. Theo đà tăng trưởng đó, năm 2025, lượng hành khách dự kiến thông qua các cảng hàng không Việt Nam là 185 triệu người. Trong 9 tháng đầu năm 2018, con số này là 79,3 triệu khách, với tỉ trọng khách quốc tế là 34%. Dựa vào tiềm năng lớn như vậy, ngành dịch vụ mặt đất với các dịch vụ như suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, nhà hàng tại khu vực cách ly đều tăng trưởng mạnh nhờ khách quốc tế. Như vậy, ngoài việc khai thác các đội bay, ngành hàng không Việt Nam còn thu hút bởi những điều kiện khác. Bởi thế, nhiều "tay chơi" mới vẫn muốn tham gia vào.
Trở lại với Thiên Minh, trình bày về dự án hàng không Kite Air, ông Nguyễn Mạnh Quân- Giám đốc điều hành CTCP hàng không Thiên Minh cho biết, hiện, tổng vốn đầu tư dự án là 5.500 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 4.500 tỷ đồng. Nguồn vốn cố định dự kiến bao gồm 28% từ vốn chủ sở hữu (1.530 tỷ đồng), 72% còn lại là đi vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài (2.970 tỷ đồng).
Ông Quân cũng dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2025), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương. Thị trường của Cánh Diều nằm ở 4 sân bay: Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang, Côn Đảo và cả khu vực tiểu vùng sông Mê Kong dư địa còn lớn
Mặc dù các kế hoạch, số liệu và phương án cụ thể nhưng lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam và nhiều đại diện của Bộ GTVT cũng đề nghị Thiên Minh rõ thêm về các vấn đề liên quan đến vốn quay vòng, phương án tài chính cụ thể đến bao giờ hết lỗ, lãi sau khi bay chính thức.
Có thể nói, mức độ tăng trưởng của hàng không Việt Nam đang rất ấn tượng và thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, phần lớn là những "tay chơi" mới muốn lấn sân thêm vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hàng không cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính các doanh nghiệp. Việc Thomas Cook mới đây tuyên bố phá sản là lời cảnh báo rất đáng lưu ý đối với những doanh nghiệp có xuất phát điểm là kinh doanh du lịch muốn lấn sân hàng không như Vietravel hay Thiên Minh.