Tất toán nợ vay ngoại tệ, tỷ giá vẫn bình yên
Với lãi suất tiền đồng hiện nay cũng đã về mức hợp lý, nằm trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, nên đa số doanh nghiệp đã lựa chọn chuyển dần nợ vay ngoại tệ sang tiền đồng chứ không còn quá phụ thuộc vào các khoản vay ngoại tệ như trước đây, thời điểm mà chênh lệch lãi suất vay VNĐ và ngoại tệ khá lớn từ 6-8%, thậm chí lên 10%.
Không đủ gây áp lực
Ngày 30/9 vừa qua là thời hạn cuối cùng chấm dứt các nhu cầu vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, tỷ giá vẫn cho thấy sự ổn định, không như những gì đã từng xảy ra trước đây.
Như vậy, tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn cấp cho những mặt hàng thiết yếu của quốc gia để thanh toán ra nước ngoài như xăng, dầu…, cũng như cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài được cấp phép. Đối với tín dụng ngoại tệ phục vụ hỗ trợ xuất khẩu, ngân hàng cũng chỉ cấp tín dụng ngoại tệ trên hợp đồng vay, sau đó giải ngân bằng tiền đồng cho các nhà xuất khẩu phục vụ cho các hoạt động sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, với điều kiện các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về cam kết bán lại cho ngân hàng đã cho vay ngoại tệ.
Nhìn lại quá khứ, mỗi lần đến thời điểm cuối năm, nhu cầu ngoại tệ thường lên cao để đáp ứng hoạt động thanh toán quốc tế và trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp, thì tỷ giá trên thị trường thường chịu áp lực rất lớn. Lợi dụng sự căng thẳng của thị trường ngoại hối có tính chu kỳ này, nhiều người tăng cường nắm giữ USD với kỳ vọng lướt sóng kiếm lời, vô hình chung càng gây áp lực lên tỷ giá và hệ quả là lại càng khuyến khích hoạt động đầu cơ trên thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, đợt tất toán các khoản vay ngoại tệ mới đây đã không chứng kiến điều tương tự, khi tỷ giá không một chút gợn sóng. Cụ thể, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ngày 30/9 tại 23,161 đồng, chỉ tăng thêm 28 đồng so với cuối tháng 8. Tương tự, giá mua bán tại các ngân hàng chỉ tăng nhẹ 10 đồng so với cùng thời điểm, thậm chí giá mua vào USD tại một số ngân hàng còn giảm so với đầu tháng.
Nếu như số liệu về dư nợ cho vay xuất khẩu thỉnh thoảng được công bố với tỷ trọng ước tính xấp xỉ hơn 40% tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ, thì ngược lại số dư nợ cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gần như không được công bố, nên không có số liệu chính xác để biết được quy mô các khoản vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ có đủ lớn để gây áp lực lên tỷ giá hay không.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến thời gian qua, thì rõ ràng vẫn có rất nhiều cơ sở giúp việc tất toán các khoản vay ngoại tệ đối với nhóm khách hàng kể trên được trơn tru mà không tác động nhiều lên thị trường ngoại hối hiện nay.
Lộ trình phù hợp và ngoại tệ dồi dào
Ngoài yếu tố giá trị dư nợ ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hiện nay không đáng kể, thì việc nhà điều hành ngay từ đầu năm nay đã cho biết trước lộ trình và thời hạn cuối để chấm dứt, nên các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tất toán dần mà không cần đợi đến thời hạn cuối, do đó không gây áp lực về cầu ngoại tệ lên cùng một thời điểm.
Ngoài ra, theo quy định của thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, thì các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đã phải chấm dứt kể từ 31/3/2019, còn các khoản vay trung dài hạn được yêu cầu chấm dứt kể từ ngày 30/9/2019 vừa qua. Việc các khoản vay ngắn hạn tất toán trước rồi 6 tháng sau mới đến các khoản vay trung dài hạn, thì áp lực cũng đã được giãn ra trong suốt khoảng thời gian trên.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền đồng hiện nay cũng đã về mức hợp lý, nằm trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, nên đa số doanh nghiệp đã lựa chọn chuyển dần nợ vay ngoại tệ sang tiền đồng chứ không còn quá phụ thuộc vào các khoản vay ngoại tệ như trước đây, thời điểm mà chênh lệch lãi suất vay VNĐ và ngoại tệ khá lớn từ 6-8%, thậm chí lên 10%.
Chính việc biết trước lộ trình và chủ động như trên từ cả hai phía nên áp lực đã không dồn về cùng một thời điểm hạn cuối tất toán. Đặc biệt là cộng thêm nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thì càng có cơ sở giúp đáp ứng được lượng ngoại tệ cho các bên mà không gây áp lực lên tỷ giá. |
Đứng ở góc độ các ngân hàng, nhiều nhà băng cũng đã chủ động hạn chế dần các khoản vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu sau khi thông tư 42 được ban hành. Đối với những khách hàng vẫn còn dư nợ vay thì tư vấn, khuyến khích khách hàng chuyển sang vay tiền đồng, vừa để tránh rủi ro tỷ giá về cuối năm vừa đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ngoài ra, các ngân hàng không chỉ chuẩn bị sẵn nguồn ngoại tệ để bán cho khách hàng nhằm tất toán nợ vay ngoại tệ, mà với những khách hàng nào muốn chuyển sang vay VNĐ rồi sau đó mua lại ngoại tệ theo tỷ giá tại thời điểm vay tiền đồng để có ngoại tệ thanh toán hàng hóa nhập khẩu, thì các ngân hàng cũng đủ nguồn lực để đáp ứng, miễn là doanh nghiệp vay vốn bằng VND phải chứng minh được mục đích sử dụng vốn rõ ràng mới được mua lại ngoại tệ của ngân hàng để thanh toán các đơn hàng ở nước ngoài.
Chính việc biết trước lộ trình và chủ động như trên từ cả hai phía nên áp lực đã không dồn về cùng một thời điểm hạn cuối tất toán như đã nói. Đặc biệt là cộng thêm nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thì càng có cơ sở giúp đáp ứng được lượng ngoại tệ cho các bên mà không gây áp lực lên tỷ giá.
Cụ thể, theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, trong 8 tháng đầu năm nền kinh tế xuất khẩu hơn 194.3 tỷ USD, tăng 8.2% so với cùng kỳ năm 2018, giúp cán cân thương mại hàng hóa lũy kế 9 tháng thặng dư 5.9 tỷ USD, cao hơn cả mức xuất siêu gần 5.4 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Ở hoạt động đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14.2 tỷ USD, tăng 7.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng còn có 6,502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10.4 tỷ USD, tăng vọt 82.3% so với cùng kỳ năm 2018. Với lượng ngoại tệ đổ vào trong nước dồi dào như trên đến từ hoạt động thương mại và đầu tư, thì không có gì khó hiểu khi tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí tiền đồng có có dấu hiệu tăng giá so với USD trên thị trường tự do.
Nhung Võ
FILI
|