Cần quản lý cho vay ngang hàng
Hàng loạt app (ứng dụng) cho vay ngang hàng (P2P Lending) bùng nổ gần đây và người vay dễ dàng tiếp cận khiến tôi nhớ đến cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử với cửa hàng truyền thống; giữa Uber, Grab với taxi truyền thống... Làn sóng ứng dụng công nghệ thời 4.0 đã lan sang lĩnh vực tài chính và đây là xu hướng tất yếu.
Hoạt động P2P Lending được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính - tổ chức tín dụng, ngân hàng (NH) thương mại. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được giao dịch trực tuyến.
Ảnh minh họa
|
Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng đang bùng nổ, ở góc độ nào đó xuất phát từ việc nhiều người ngại tiếp cận dịch vụ NH, sợ thủ tục rườm rà, phức tạp. Thống kê và phân tích của Công ty Tư vấn Vietnam Partners cho thấy cho vay ngang hàng tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua. Năm 2019, dự kiến có khoảng 32 triệu khoản vay ngang hàng...
Trong khi đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng chưa có giải pháp hợp lý để cung cấp vốn cho một bộ phận người dân yếu thế, cần số vốn nhỏ (vài chục triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng) khi có nhu cầu cấp bách, chữa bệnh, làm ăn nhỏ... Hệ thống NH cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn nhỏ, siêu nhỏ cho nền kinh tế, điều này khiến nhiều người tìm đến các kênh cung cấp vốn khác, trong đó có cho vay ngang hàng. Ngay cả doanh nghiệp, các thống kê cho thấy khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ phải chật vật với việc tiếp cận khoản vay NH hoặc phải tìm kiếm khoản vay từ các nguồn phi truyền thống.
Ở góc độ khác, khoảng 1 năm nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, NH Nhà nước và các bộ, ngành khác cùng vào cuộc chấn chỉnh tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, mà bản chất một phần của câu chuyện này là rất nhiều người cần vốn đột xuất cho nhu cầu chính đáng nhưng không tiếp cận được kênh chính thức. Vậy cho vay ngang hàng có phải tín dụng đen?
Thực tế, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng..., đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lãi suất cạnh tranh để lừa đảo.
Xu hướng tất yếu từ sự phát triển của công nghệ sẽ thúc đẩy những kênh cho vay ngang hàng, cho vay qua app bùng nổ trong lĩnh vực tài chính NH mà chúng ta khó thể kháng cự lại được. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm có khung pháp lý để hoạt động cho vay ngang hàng phát triển, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Khi đó sẽ tạo ra kênh huy động vốn mới song song với kênh NH truyền thống giúp người vay có thêm lựa chọn, như không đi xe công nghệ thì khách hàng vẫn được chọn taxi truyền thống. Rủi ro của mỗi kênh khác nhau, như việc nhà đầu tư gửi tiết kiệm an toàn nhưng lãi suất thấp, còn đầu tư cho vay ngang hàng thì lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao...
Nếu cấm, cho vay ngang hàng sẽ trở thành "tín dụng đen". Nếu cho hoạt động, nhà nước cần hướng dẫn và có biện pháp chế tài, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ cho người vay và cả nhà đầu tư.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Người lao động