Thứ Năm, 17/10/2019 15:45

Nhịp đập Thị trường 17/10: Giảm bất ngờ cuối phiên

Sự phục hồi của VN-Index trong gần hết thời gian phiên chiều có lẽ không bất ngờ, nhưng cú “đạp” mạnh vào đợt ATC quả là bất ngờ, ít nhất là so sánh với HNX-Index hay UPCoM-Index. Với cú đạp này, VN-Index đã lại rơi xuống mức đáy trong cả ngày, tức về 989.82 điểm, giảm 0.47%. Mức giảm của VN30-Index thậm chí còn mạnh hơn, -0.6%.

HĐTL VN30F1910 đã kết thúc sứ mạng phục vụ NĐT ở mức 918.8 điểm, thấp hơn điểm số của chỉ số VN30-Index 0.3 điểm mà thôi, ngay cả khi có cú “đạp” vào đợt ATO.

HNX-Index hồi phục kịp vào nửa cuối phiên chiều, và đến khi đóng cửa đã tăng 0.13%. Điều thú vị là chỉ số sàn này có lẽ không biết cú rớt thảm của VN-Index trong ATC, nên vẫn giữ được sắc xanh. Trên HNX, DBC tăng 2.2%, PHP vẫn tăng 9.1% và VCS đã tăng lại 3%, góp phần đỡ chỉ số.

Trong nhóm VN30, GMD đã không còn tăng giá như phiên sáng, mà giảm 0.4%, khiến số mã tăng giá chỉ còn 4. Ngược lại có đến 24 mã giảm giá, như vậy có gần hết các đjai gia vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhóm ngân hàng vẫn chỉ có 2 mã tăng giá vào cuối phiên chiều là LPBTPB, còn lại đa số giảm giá, thậm chí có vài mã giảm mạnh hơn phiên sáng như VCB, BID, EIB.

Tương tự ngân hàng, BĐS dân dụng cũng đa phần chìm trong sắc đỏ. Riêng dầu khí có vẻ tích cực hơn chút, với nhiều mã tăng giá như POW, DCM, PVB, PXS

Cổ phiếu FLC đã quay lại tăng trần trong phiên chiều, và vẫn là cổ phiếu duy nhất tăng giá trong “gia đình” bao gồm cả ART, HAI, GAB… Lượng khớp lệnh cả ngày hôm nay của FLC là gần 21 triệu cổ phiếu, chỉ bằng  2/3 lượng khớp ngày hôm qua, nhưng vẫn rất khủng so với bình quân 6 tháng trước đó.

DGW báo lãi 9 tháng tăng 43%, nhưng không rõ có phải do tin ra muộn hay không mà chiều nay DGW đóng cửa giảm 2%. Một đối tác của DGW là FRT chiều nay tăng giá nhẹ 100 đ/cp vào phút chót, còn đối tác lớn là MWG thì giảm 1.8%.

Sáng giảm, nhưng chiều khó đoán do yếu tố HĐTL

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0.24% về 992.06 điểm. Thực tế chỉ số đã giảm về mức này trước đó gần 1 tiếng, từ đó đến cuối phiên sáng chủ yếu đi ngang. Mức giảm điểm của VN-Index có vẻ đồng thuận với các chỉ số chứng khoán chính khu vực Đông Nam Á sáng nay. Nhóm VN30 tác động lớn nhất lên VN-Index, thậm chí đến cuối phiến sáng còn giảm mạnh hơn (-0.29%). Ngược lại, chỉ số nhóm midcap lại đi ngược và hiện đang về sát tham chiếu (chỉ giảm 0.05%).

Tuy nhiên, diễn biến phiên chiều có thể khó đoán, bởi còn vài tiếng nữa thôi, mã HĐTL Vn30F1910 sẽ kết thúc giao dịch trên sàn HNX (ngày mai đáo hạn). Trong những phiên chiều thứ Năm của tuần thứ Ba các tháng trước đây, hay có hiện tượng tăng giảm bất thường của nhóm VN30 liên quan đến việc đáo hạn của 1 hợp đồng tương lai. Sáng nay, VN30F1910 chạy bên dưới VN30 nhưng sau 10h, đã chuyển qua chạy bên trên chỉ số cơ sở. Điều này có nghĩa những ai mua HĐTL sáng nay có thể lỗ một chút. Câu hỏi là: Liệu họ vẫn kỳ vọng chỉ số sẽ tăng trong phiên chiều?

Thế cân bằng đầu phiên sáng của nhóm VN30 đã bị phá vỡ, và đến lúc này có đến 22/30 mã giảm giá. Số ít 5 mã tăng giá cũng là những cái tên trụ tốt trong gần như suốt phiên sáng, như SAB, VNM, HPP.

Nhóm ngân hàng đang chiểu sang đỏ. VCB đứng giá, CTG đứng giá nhưng rất nhiều mã đã chuyển sang đỏ như BID, HDB, VPB… Hiện chỉ còn 2 mã tăng giá là LPB và TPB. Cho dù các ngân hàng đang dồn dập báo lãi, nhưng thông tin hàng ngàn nhân sự ngân hàng bị cho nghỉ việc từ đầu năm đến nay có lẽ cũng mang lại dấu hiệu không tốt cho triển vọng ngành. Hơn nữa, với đà tăng không nghỉ từ giữa tháng 9 đến nay, thậm chí từ tháng 8 đến nay, không lạ khi nhiều mã có dấu hiệu chốt lời, như ACB, BID, HDB, VCB, VIB

HNX-Index đi ngược VN-Index trong hơn nửa thời gian phiên sáng, nhưng đến cuối phiên lại muốn đồng thuận. PHP vẫn tăng tới 9.1%, VNR vẫn tăng 6.2%, và DBC tăng gần 4%..., nhưng HNX-Index về cuối phiên có lẽ chịu tác động từ HUT, TNG, NDN

UPCoM-Index có diễn biến tích cực hơn hẳn 2 chỉ số chính của 2 sàn kia, với gần 2/3 thời gian giữ sắc xanh. Tuy về cuối phiên chỉ số lùi về sát tham chiếu, nhưng nhìn chung sáng nay Upcomindex được hỗ trợ từ LPB và một số mã khác … tăng giá và kém thanh khoản. Rõ ràng thanh khoản cũng là vấn đề lớn của sàn Upcom, và có thể không phản ánh đúng tương quan với diễn biến giá.

Với khủng hoảng thịt heo Trung Quốc, và giá tăng thịt heo phi mã trong nước, có lẽ DBC đang hưởng lợi tâm lý trong khi chờ ra BCTC Q3. Sau khi đi ngang quanh phạm vi 23,000 đ/cp trong nửa cuối tháng 9 – nửa đầu tháng 10, cổ phiếu này đã tăng lên 25,850 đ/cp sáng nay. Thanh khoản trong những phiên gần đây cũng tăng tốt hơn hẳn giai đoạn trước đó, và chưa có dấu hiệu rõ rệt của việc chốt lời.

Sau mấy phiên trước cùng tăng mạnh, đến sáng nay trong “nhóm FLC”, chỉ còn mã FLC tăng gần 6%, một loạt mã khác như GAB, KLF, ART, HAI… đã đứng yên tại tham chiếu hay thậm chí giảm.

10h30: HNX muốn hồi sớm

VN-Index hiện giảm 0.28% dưới tham chiếu, và chỉ số nhóm VN30 giảm tương đương. Một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE giảm giá như VIC, MWG, NVL, VHM, GAS… đã khiến chỉ số thụt lùi so với đầu phiên. VNM, SAB là số ít đại gia tăng giá nhưng không hỗ trợ được gì nhiều.

Không chỉ Large Cap, các chỉ số Mid Cap và Small Cap sàn HOSE cũng giảm, phản ánh tình trạng số mã giảm giá gần gấp 2 số tăng giá trên sàn này.

Diễn biến trên HNX tuy vẫn tiêu cực, nhưng đang có dấu hiệu hồi. Chỉ số chính sàn HNX đang quay lại sát tham chiếu. ACB, VCS vẫn đỏ, nhưng PHP đã tăng giá trở lại tới 9%, SHB, DBC,VNR… cũng tăng giá và kéo chỉ số lên. Dù chỉ có chưa đến 100 mã có biến động giá, nhưng dù sao HNX vẫn là sàn có diễn biến tích cực so với HOSE trong những phiên gần đây.

Tình hình nhóm ngân hàng đang phân hóa. VCB đang quay lại tham chiếu, BID thậm chí quay đầu giảm. ACB và VIB vẫn giảm như lúc đầu phiên. Tuy vậy một số ngân hàng nhỏ như SHB, TPB, LPB đang tăng giá nhẹ.

Nhóm chứng khoán đa số giảm, duy có FTS tăng nhẹ 50 đ/cp.

Nhóm BĐS dân dụng đang đỏ như… gạch, với một loạt đại gia từ VIC, VHM. VRE, NVL… đến các tên tuổi tầm trung như DXG, NLG, KDH, HDG

Dù sớm bị xả hàng, nhưng cổ phiếu FLC vẫn tăng giá hơn 5.5% đến lúc này. Tính tổng 4 phiên tăng bao gồm cả sáng nay, FLC đã tăng hơn 26%, thị giá hiện lên 4,270 đ/cp, nhưng vẫn còn cách quá xa so với mức giá mà Tập đoàn chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Có thông tin xe ô tô Indo hay Thái Lan với giá rất rẻ đang chờ cơ hội đổ vào Việt Nam, có lẽ thông tin này đang gây tác động tâm lý lên các doanh nghiệp phân phối ô tô như CTF, TMT hay HTL… Riêng HAX vẫn cứng giá trần, chủ yếu nhờ tin chào mua, và có lẽ một phần khác là do họ phân phối dòng xe cao cấp.

ASM đã công bố ngày chốt quyền hưởng cổ tức 10% tính trên mệnh giá, tức tương đương 12.2% tính trên thị giá hiện giờ, nhưng có lẽ nhà đầu tư vẫn đang muốn chốt lời sớm. Cổ phiếu này đã tăng từ khoảng 5,800 đ/cp lên 8,180 đ/cp trong vòng 1 tháng, với thanh khoản tăng vọt, riêng 4 phiên gần nhất đang có dấu hiệu dòng tiền muốn ra.

Mở cửa: Chưa chịu tăng

VN-Index mở cửa với mức tăng chỉ chừng 0.5 điểm, và VN30-Index giảm chừng 0.1 điểm. Mùa báo cáo tài chính quý 3 đang đang được gần ½ nhưng vẫn còn rất nhiều đại gia chưa công bố báo cáo của mình, điều đó có lẽ cũng là yếu tố giúp nhà đầu tư giữ được kỳ vọng rằng thị trường sẽ tăng trong những ngày tới, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang giảm nhiệt. Tuy nhiên tình hình thị trường lúc này cũng khiến rất nhiều người thắc mắc: Tin tốt không thiếu, tin xấu không ra, chứng khoán Mỹ đang quay lại vùng đỉnh…, cớ gì sàn chứng mình vẫn chưa chịu tăng?

HNX-Index đỏ ngay từ những phút đầu tiên, tức trước khi HOSE xác định giá ATO, do một số mã lớn giảm giá như PHP, ACB, VCS… Đến thời điểm ATO, tình trạng chưa có gì cải thiện, HNXIndex vẫn giảm nhẹ khoảng 0.3%.

Nhóm ngân hàng mở cửa đa số đứng giá, nhưng có một vài đại gia giảm nhẹ như ACB, VIB ngay từ 9h. Đến 9h15 tình hình có vẻ khá hơn chút khi VCB tăng 300 đ/cp, BID tăng 200 đ/cp.

Trong nhóm VN30, đang có 3 nhóm tăng – đứng – giảm giá với số lượng mã khá cân bằng. Mức biến động giá bình quân thấp, dưới 1%. Tuy vậy chỉ số nhóm này giảm nhẹ chịu tác động lớn hơn từ những mã vốn hóa khủng nhất như VIC, VCB, NVl, MWG, VHM.

Nhóm chứng khoán sang nay đa phần đứng giá hoặc đỏ, kể cả các công ty top đầu. Nguyên nhân lớn nhất đến từ các báo cáo tài chính có phần ảm đạm mà một một số công ty mới công bố. Trong tháng 10 này, nhìn chung nhóm này đi ngược thị trường, tức giảm. So với các nhóm ngành khác, rõ ràng chứng khoán nằm trong các nhóm “xấu” nhất.

HAX vẫn cứng giá trần phiên thứ 3 liên tiếp, bởi thị giá vẫn chưa đến ½ so với mức giá được coi là giá chào mua công khai.

Nhóm sắt thép sáng nay mở cửa không có thay đổi gì mấy, riêng HPG tăng nhẹ 150 đồng, dù có thông tin giá quặng sắt, thép tại Trung Quốc, vốn thường được dùng làm tham chiếu khi diễn giải biến động giá thép tại Việt Nam, giảm xuống đáy 6 tuần.

Với thông tin quý 3 không tốt, giá cổ phiếu ACL giảm sàn 6.9% sáng nay. Tính cả hôm qua, giá ACL đã giảm hơn 11%. Tuy nhiên chưa rõ kết quả ACL có phải là 1 dấu hiệu của cả ngành cá tra hay không, vì những công ty cùng ngành khác như VHC, IDI, ANV không có dấu hiệu giảm giá xấu như ACL.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán phái sinh 17/10/2019: Hạn chế giữ lệnh qua đêm (16/10/2019)

>   Thị trường chứng quyền 17/10/2019: Khối ngoại mua ròng trở lại sau hơn 1 tháng (16/10/2019)

>   Vietstock Daily 17/10: Thiếu động lực bứt phá (16/10/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 16/10: Vẫn chưa thể bứt phá (16/10/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 16/10/2019: Dừng lại quan sát thị trường (15/10/2019)

>   Thị trường chứng quyền 16/10/2019: Khối ngoại vẫn chưa dứt cơn bán ròng (15/10/2019)

>   Vietstock Daily 16/10: Tâm lý thận trọng lên cao (15/10/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 15/10: VN-Index giảm nhẹ cùng VHM (15/10/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 15/10/2019: Việc tiếp tục giữ vị thế Long được ủng hộ? (14/10/2019)

>   Thị trường chứng quyền 15/10/2019: “Chạy” theo thị trường cơ sở (14/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật