Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán giải quyết tranh chấp thuế với EU
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho hay Mỹ đã "mở cánh cửa" đàm phán nhằm rút lại các mức thuế mà Washington áp đặt đối với rượu vang Pháp, rượu whisky Scotland và dầu olive Tây Ban Nha.
Mỹ sẽ xem xét lại mức thuế với rượu vang Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Vài giờ sau khi Mỹ ngày 18/10 áp thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD liên quan tới tranh cãi về Airbus, đã có những dấu hiệu cho thấy hai bên có thể sẵn sàng để thương lượng một thỏa thuận.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ), Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuyên bố chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "mở cánh cửa" đàm phán nhằm rút lại các mức thuế mà Washington áp đặt đối với rượu vang Pháp, rượu whisky Scotland và dầu olive của Tây Ban Nha.
Sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Le Maire nói rằng Washington đã để ngỏ khả năng tổ chức một số cuộc đàm phán.
Ông Le Maire cho rằng các cuộc đàm phán như vậy diễn ra "càng sớm càng tốt" và phạm vi đàm phán "càng rộng càng tốt."
Trước đó cùng ngày, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tuyên bố EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả các biện pháp thuế của Mỹ.
Mỹ đã áp thuế từ 10-25% với một số mặt hàng châu Âu như phô mai, rượu whisky, rượu vang và dầu olive sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 14/10 chính thức cho phép Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU vì cho rằng EU trợ giá cho ngành công nghiệp hàng không.
Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh là các quốc gia chịu tác động chính của biện pháp này.
Đợt đánh thuế mới nhất này được thực hiện trong bối cảnh Washington đang vướng vào cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc vì vậy đe dọa sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Ông Le Maire cũng cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-EU leo thang sẽ là một yếu tố nữa đe dọa nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, điều EU lo ngại nhất là giữa tháng 11/2019, Mỹ sẽ áp thuế nặng đối với ôtô nhập khẩu từ khu vực này, vì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất ôtô EU, đặc biệt là Đức.
Suốt 15 năm qua, EU và Mỹ cáo buộc lẫn nhau liên quan đến trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn chế tạo máy bay Airbus và Boeing.
WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì Mỹ khởi kiện trước 9 tháng. Dự kiến, WTO sẽ đưa ra quyết định về quyền trả đũa của EU liên quan đến trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing vào đầu năm 2020.
Phan An
Vietnam+
|