KBSV: VN-Index duy trì ở vùng tiệm cận 1,000 điểm trong quý 4
Theo nhận định của CTCK KB Việt Nam (KBSV), VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì ở vùng tiệm cận 1,000 trong cuối năm nay. Khả năng VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng 1,000 điểm một cách bền vững không được CTCK này đánh giá cao.
Thị trường tích cực trong quý 4
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường chứng khoán Việt Nam quý 4/2019 mới công bố, KBSV nhận định môi trường đầu tư quý 4 đã thuận lợi hơn so với quý trước. Điều này đến từ việc các NHTW đã hiện thực hóa xu hướng cắt giảm lãi suất và phát tín hiệu nới lỏng mạnh mẽ trong thời gian tới cùng với việc Mỹ và Trung Quốc tạm hoãn gia tăng áp thuế và tích cực đàm phán.
Tuy nhiên, thị trường cũng đã phản ánh phần nhiều những yếu tố tích cực trên, khiến dư địa tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong quý 4/2019 bị hạn chế.
Về mặt rủi ro, KBSV cho rằng vẫn cần thận trọng với các yếu tố quốc tế, không loại trừ khả năng đàm phán Mỹ - Trung sẽ đi vào bế tắc, Fed không giảm lãi suất đủ mức thị trường kì vọng, trong khi sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn cho thấy dấu hiệu trầm trọng hơn (bao gồm cả Mỹ).
Song song đó, CTCK này nhận định môi trường trong nước không còn nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp so với năm ngoái. Mặc dù vẫn cho thấy mức tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên kết quả các doanh nghiệp niêm yết cho thấy sự phân hóa rõ nét với việc nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn với lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ
Một số điểm đáng chú ý tác động đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp bao gồm (1) tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại; (2) mục tiêu tăng trưởng tín dụng bị hạ xuống 14% trong khi lãi vay vẫn ở mức cao và khó có khả năng giảm xuống (3) các doanh nghiệp BĐS bị siết chặt chẽ hơn ở kênh tín dụng và kênh trái phiếu doanh nghiệp (4) chi phí đầu vào tăng khi giá xăng, giá điện, giá nguyên vật liệu tăng trong năm nay.
Các yếu tố tác động tới thị trường trong quý 4/2019
Nguồn: KBSV
|
Nhìn chung, KBSV đánh giá triển vọng thị trường tích cực hơn trong quý 4 so với 3 quý đầu năm. Kịch bản cơ sở cho chỉ số VN-Index cuối năm dao động trong khoảng 970 - 1,010 và không loại trừ khả năng xuất hiện các đợt sóng ngắn hạn giúp VN-Index chớm vượt mốc 1,000. Trong đó, cơ hội hấp dẫn trong thời gian đầu quý 4 do đây là giai đoạn hội tụ của tâm lý lạc quan về đàm phán Mỹ - Trung được nối lại và tâm lý kì vọng trước việc Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất.
Theo nhận định của KBSV, VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì ở vùng tiệm cận 1,000 trong cuối năm nay. Khả năng VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng 1,000 điểm một cách bền vững không được CTCK này đánh giá cao.
Các kịch bản cho VN-Index trong quý 4/2019
Nguồn: KBSV
|
Các nhóm ngành được đánh giá tích cực
Trong quý 4, cổ phiếu thuộc các ngành bao gồm ngành điện, công nghệ thông tin, bán lẻ và ngân hàng được KBSV đánh giá triển vọng tích cực. Cụ thể:
Theo KBSV, ngành điện Việt Nam có nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn và tăng trưởng ổn định để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, sản lượng điện tiêu thụ đạt 197.4 tỷ kWh, tăng trưởng trung bình 11.7% trong giai đoạn 2013 - 2018. Ước tính tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 10%/năm trong 5 năm tiếp theo.
Đối với ngành công nghệ thông tin, mảng gia công xuất khẩu phầm mềm vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 8 tháng đầu năm. Tiềm năng tăng trưởng mảng gia công phần mềm vẫn khả quan do nhu cầu cao trên thế giới. Trong khi đó, chi phí nhân công kĩ sư phần mềm của Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia khác (thấp hơn 24% so với Ấn Độ, 54% so với Trung Quốc), là lợi thế cạnh tranh lớn.
Về các hoạt động ở thị trường trong nước, biên lợi nhuận gộp của ngành kỳ vọng cải thiện do các doanh nghiệp định hướng phát triển mảng phần mềm có biên lợi nhuận gộp cao hơn mảng phần cứng trước đây.
Với ngành ngân hàng, theo KBSV, NIM nhiều khả năng tiếp tục mở rộng ở nhóm NHTMCP tư nhân, thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng tốt với sự quyết liệt của các ngân hàng ở mảng thanh toán và bảo hiểm. Ngoài ra, chi chí hoạt động còn nhiều dư địa cải thiện và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt nhờ chất lượng tài sản chưa có dấu hiệu yếu đi. Do đó, lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn sẽ tăng trưởng khá tốt trong năm 2019, đảm bảo mục tiêu của từng ngân hang.
Mặt bằng định giá P/B nhìn chung khá ổn định trong năm 2019. Do đó, trong điều kiện các yếu tố vĩ mô được duy trì ổn định, ngân hàng nào có kết quả kinh doanh tốt và bền vững sẽ là cơ hội đầu tư tốt trong giai đoạn sắp tới.
Cuối cùng, ngành bán lẻ được đánh giá tốt nhờ tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô dân số lớn (hơn 90 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi từ 18-50), dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng với tốc độ trung bình 11.9% trong giai đoạn 2019-2023 (theo nghiên cứu của BMI), trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Theo Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 3.6 triệu tỷ đồng, tăng 11.6% so với cùng kỳ. Trong đó doanh số bán lẻ tăng 12.6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của Việt Nam tăng vọt lên mức đỉnh trong quý 1/2019 với 129 điểm phần trăm (pp) và giảm nhẹ ở quý 2/2019 về 123 pp theo số liệu thống kê của The Conference Board hợp tác cùng Nielsen. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là tác động của sự lạc quan đối với cơ hội việc làm và tài chính cá nhân, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt Nam. Sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Yến Chi
FILI
|