Hơn 30% người tiêu dùng trên thế giới bỗng e dè khi chi tiêu
Gần con đường từ Nhà hát Opera Hoàng gia của Mumbai, Deepak Gurnaney ngồi trong cửa hàng điện tử nhỏ trước những hàng TV màn hình phẳng nhấp nháy những vở nhạc kịch opera tiếng Hindi, trong khi bốn nhân viên của anh đang ngồi “vọc” điện thoại. Không có khách hàng nào cả.
Thời gian trước, khi việc làm ăn còn phát đạt, ông chủ 68 tuổi này còn cần máy đếm tiền và một nhà kho gần đó để trữ đủ hàng. Vậy mà khi hoạt động kinh doanh giảm 25% trong hai năm qua, ông không còn cần tới máy đếm tiền và nhà kho.
“Thị trường xe hơi đi xuống, thị trường này đi xuống, thị trường kia đi xuống, vì vậy mọi người nhận thấy điều đó và nghĩ rằng họ không nên chi tiêu”, ông nói. “Bán lẻ thì đành phải vậy thôi, tôi không thể kêu gọi bất kỳ ai trong gia đình để tham gia vào việc kinh doanh này. Tôi sẽ là thế hệ cuối cùng vận hành doanh nghiệp”.
Cách đó gần 3,000 dặm, trong khu siêu thị điện máy có những ánh đèn huỳnh quang lấp lánh Zhongguancun Kemao của Bắc Kinh, He Hongyuan cũng gặp tình cảnh tương tự.
“Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng cẩn thận hơn với chi tiêu”, ông He nói từ phía sau quầy hàng nằm trong trung tâm bán điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị khác. “Trước đây, người ta đã đổi điện thoại ngay khi mẫu mới ra mắt. Bây giờ họ đổi điện thoại theo nhu cầu của mình”. Ông cho biết lợi nhuận đã giảm một nửa trong hai tháng qua.
Gurnaney và He là hai ví dụ cụ thể trong bức tranh bán lẻ ngày càng ảm đạm ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi sinh sống của 2.8 tỷ người, tương đương hơn một phần ba số người tiêu dùng trên thế giới. Các nhà sản xuất từ xe hơi cho đến dầu gội đầu đã đặt niềm hy vọng vào một hoặc cả hai “gã khổng lồ” châu Á này. Vì vậy, khi Ấn Độ và Trung Quốc giảm tốc, họ liền cảm thấy nhức nhối và nỗi đau đang lan rộng ra khắp trên thế giới.
Những cơn gió ngược
Frederic Neumann, Đồng Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông cho biết: “Họ có thể vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất và hứa hẹn nhất ngoài kia, nhưng đà giảm tốc này vẫn được xem một cơn gió ngược đối với nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn”.
Trung Quốc báo hiệu tăng trưởng trong năm 2019 có thể giảm xuống 6%, mức tăng trưởng thấp kỷ lục. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang tăng trưởng yếu nhất trong 6 năm trong quý 2/2019. Doanh số bán xe hơi của Ấn Độ và Trung Quốc cũng thể hiện phần nào cho bức tranh ảm đạm trên. Trong tháng 8/2019, doanh số bán xe mui trần, xe thể thao đa dụng, xe tải nhỏ và xe đa dụng của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 14 trong 15 tháng qua. Trong khi đó, doanh số bán xe Ấn Độ giảm kỷ lục.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của họ vẫn cao hơn hầu hết các quốc gia khác, nhưng đà giảm tốc đã trở thành vấn đề đau đầu cho cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Đối với Trung Quốc, quốc gia này cần duy trì đà tăng trưởng để đối phó với một đống nợ được tích lũy trong những năm bùng nổ. Còn Ấn Độ đang cần một nền kinh tế mạnh mẽ để chào đón hàng triệu người tìm việc mới mỗi tháng.
“Những động lực tăng trưởng cũ dần hết hơi. Người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc cẩn trọng khi chi tiêu cho hàng hóa và xe hơi sang trọng hơn cha mẹ của họ”, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết.
Tại Ấn Độ, Chính phủ đã đưa ra đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp 20 tỷ USD vào tháng trước để ngăn chặn đà giảm tốc. Nhưng với một hệ thống tài chính nghẹt thở vì các khoản nợ xấu và thất nghiệp ở mức đỉnh 45 năm, tâm lý bi quan vẫn đang làm giảm doanh số của các công ty từ công ty kim hoàn Titan cho đến công ty chuyên về chất khử mùi và kem Hindustan Unilever Ltd.
Dường như chẳng có nơi nào tại Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề hơn thành phố Chennai, trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi quốc gia. Khoảng 580,000 việc làm trong ngành xe hơi đã biến mất trong 18 tháng qua.
Đối với Vijay Chacko, nhà điều hành một công ty quan hệ công chúng tại Chennai, loạt tin xấu dồn dập đã chấm dứt thói quen xấu duy nhất của ông: Cứ mỗi 3 tháng, ông lại nâng cấp điện thoại lên mẫu mới nhất.
Vijay Chacko (52 tuổi) cho biết: “Khi tình hình trở nên khó khăn, mọi người bắt đầu thắt lưng buộc bụng”.
Trước đây, sự gia tăng khoản chi tiêu cho hàng tiêu dùng không thiết yếu của tầng lớp trung lưu, như thói quen đổi điện thoại của ông Chacko, đã giúp Trung Quốc và Ấn Độ trở nên thu hút trong ánh mắt của những nhà bán lẻ toàn cầu như Uniqlo của Fast Retailing, Ikea, Muji của Ryohin Keikaku và Hennes & Mauritz AB.
Ấn Độ hiện đã là thị trường lớn thứ hai (chỉ sau Mỹ) đối với “gã khổng lồ” hàng tiêu dùng Unilever NV. Trung Quốc là thị trường lớn nhất ở bên ngoài nước Mỹ đối với Starbucks và Apple, trong khi Hotel chain Marriott International Inc.đã dự tính mở 300 khách sạn mới ở Trung Quốc. Nike ghi nhận 20 quý liên tiếp có doanh số tăng trưởng ở mức 2 con số tại Trung Quốc.
Thế nhưng trong lĩnh vực tiêu dùng, tin xấu lại nối tiếp tin xấu. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đàn áp tham nhũng ở Ấn Độ và Trung Quốc và việc đóng cửa các nhà máy đang khiến mọi người lo lắng hơn về tương lai.
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FiLi
|