Dow Jones rớt hơn 300 điểm khi chỉ số sản xuất tại Mỹ yếu nhất trong 10 năm
Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ vào ngày thứ Ba (01/10), phiên giao dịch đầu tiên của quý 4, khi dữ liệu sản xuất đáng thất vọng đã làm tăng lo ngại về nền kinh tế Mỹ, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones rớt 343,79 điểm (tương đương 1.3%) xuống 26,573.04 điểm sau khi tăng hơn 100 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 mất 1.2% còn 2,940.25 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.1% xuống 7,908.68 điểm.
Ngày thứ Ba đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 23/08/2019. Vào ngày đó, 2 chỉ số này đồng loạt giảm hơn 2%.
Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết hoạt động sản xuất tại Mỹ đã thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 06/2009. Báo cáo của ISM được đưa ra sau dữ liệu sản xuất yếu kém từ châu Âu.
Nhóm cổ phiếu sản xuất như Honeywell, 3M và Eaton biến động mạnh ngay sau khi dữ liệu được công bố, với mỗi cổ phiếu đều sụt ít nhất 2.8%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đồng USD mạnh và lãi suất cao là nguyên nhân khiến sản xuất tại Mỹ yếu kém. Trong một bài tweet, ông Trump cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Fed Jerome Powell là “thảm họa” trong việc quản lý nền kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch ISM, Timothy Fiore, đã chỉ ra thương mại đang gây sức ép lên sản xuất trong một tuyên bố.
Christian Fromhertz, CEO của The Tribeca Trade Group, nhận định: “Cuộc chiến thương mại đã đóng băng mọi thứ. Thương chiến càng kéo dài thì càng gây ra nhiều thiệt hại”.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dữ kiến có cuộc gặp vào tuần tới ở Washington để thảo luận về một thỏa thuận thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 2 bên đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau.
Tuy nhiên, tâm lý xung quanh các cuộc đàm phán này đã được cải thiện gần đây. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhà Trắng “không dự tính ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào thời điểm này”.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đảo chiều so với đà tăng hồi đầu phiên khi nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu để chuyển sang các trái phiếu Mỹ truyền thống an toàn hơn. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1.64% sau khi tăng lên 1.75%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm lùi từ 1.68% xuống 1.54%. Lợi suất trái phiếu trên thế giới ban đầu tăng sau khi động thái bán đấu giá trái phiếu của Nhật Bản cho thấy nhu cầu suy yếu.
An Trần
Fili
|