Thứ Ba, 24/09/2019 15:32

Công ty "zombie" đổi vận nhờ mạng 5G

Đối với hầu hết chuyên gia, việc chuyển đổi sang mạng lưới 5G sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển tải dữ liệu di động, có khả năng nhanh hơn gấp 100 lần so với tiêu chuẩn hiện tại. Còn đối với Kim Duk-yong, công nghệ 5G đã giúp ông mang về hàng trăm tỷ USD.

Khi Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ 5G trên toàn quốc hồi tháng 4/2019, công ty KMW của ông Kim, một nhà cung ứng thiết bị viễn thông vốn được sử dụng trong mạng lưới 5G, bỗng đổi vận. Cổ phiếu Công ty tăng gấp 7 lần trong năm nay, đẩy tổng giá trị vốn hóa lên 2.6 tỷ USD. Giá cổ phiếu tăng 3.6% trong ngày thứ Ba (24/09).

Nắm giữ trong tay 36% cổ phần của KMW cùng với các thành viên trong gia đình, ông Kim hiện sở hữu khối tài sản lên đến 900 triệu USD, theo ước tính của Bloomberg, có loại trừ lượng cổ phiếu được dùng để thế chấp vay nợ. Ông là một trong những người thắng lớn đầu tiên từ sự chuyển dịch sang mạng lưới 5G.

Ngoài ra, đây cũng là một bước chuyển mình ấn tượng đối với một công ty chìm đắm trong thua lỗ trong vài năm trước đến nỗi được gọi là “công ty zombie”. Nhờ mạng 5G, doanh số bán thiết bị viễn thông của KMW tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 2019.

“Chúng tôi từng có lúc bị các ngân hàng gọi là công ty zombie”, trang web chuyên về thông tin công nghệ ZDNet Korea dẫn lại lời của ông Kim. “Mọi chuyện trở nên tốt hơn nhờ việc triển khai mạng lưới 5G”.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc tại thời điểm đó, You Young-min, đã đến thăm công ty KMW ở Hwaseong trong tháng 8/2019 như một phần của quá trình kiểm tra các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi bắt đầu dịch vụ 5G. Ông Kim nói với vị Bộ trưởng rằng nhu cầu đối với các sản phẩm của KMW đã tăng lên, trong đó doanh thu tăng 113% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, theo thông cáo báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.

KMW chế tạo linh kiện về tần số vô tuyến cho các trạm gốc (base stations). Các khách hàng chính của công ty bao gồm những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G như Samsung Electronics và Nokia Oyj. Khả năng sản xuất bộ lọc (một thành phần quan trọng cho dịch vụ 5G) số lượng lớn ở mức chi phí thấp hơn giúp KMW có lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh, phát ngôn viên của KMW cho biết.

Hàn Quốc chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ 5G kể từ tháng 4/2019, trong đó số lượng người đăng ký dịch vụ vượt ngưỡng 2.5 triệu người và hơn 89,000 trạm gốc đã đi vào hoạt động tính tới cuối tháng 8/2019.

Tiềm năng từ Trung Quốc

Các nhà phân tích cho biết, KMW có chỗ để phát triển bên ngoài Hàn Quốc. Ở thị trường Trung Quốc, Chính phủ đã cấp giấy phép 5G cho các nhà mạng viễn thông vào tháng 6/2019. KMW cung cấp linh kiện cho ZTE, đối thủ cạnh tranh với “gã khổng lồ” viễn thông Huawei Technologies Co.

Kim Hong-sik, Chuyên viên phân tích tại Hana Financial Investment ở Seoul, cho biết: “Khoản chi tiêu cho mạng lưới 5G của ba nhà mạng lớn của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Hàn Quốc. KMW cung cấp sản phẩm cho công ty lớn nhất trong số đó là China Mobile thông qua ZTE. Hoạt động xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh khi Trung Quốc chuẩn bị cho mạng lưới 5G”.

KMW cũng sản xuất đèn LED, vốn chiếm 10% doanh thu, theo báo cáo thường niên năm 2018 của KMW. Vào năm 2015, New York Yankees đã chọn KMW làm công ty lắp đặt đèn tại sân vận động của mình.

Đà tăng của giá cổ phiếu KMW đã nâng cao tổng giá trị vốn hóa của công ty, trong đó giá cổ phiếu KMW hiện đang giao dịch ở mức cao gấp 18 lần so với giá trị sổ sách. Dù vậy, nhiều chuyên viên phân tích vẫn khuyến nghị mua thêm cổ phiếu này. Tuy vậy, rủi ro tác động tới công ty là việc triển khai mạng lưới 5G ở Trung Quốc. Trung Quốc có thể phải trì hoãn triển khai 5G vì sự tăng trưởng chậm lại của khoản chi tiêu tiêu dùng, theo Wangjin Lee, Chuyên viên phân tích tại Ebest Investment & Securities.

Khởi đầu chật vật

Trở thành nhà khởi nghiệp chẳng phải là giấc mơ của ông Kim. Là một sinh viên chuyên ngành kỹ sư điện ở Seoul, ông muốn học để đi theo hướng học thuật. Thế nhưng, ông không được giữ lại trường và cũng vì thế, ông phải bôn ba trên thị trường việc làm. Ông từng làm việc ở nhiều công ty, bao gồm cả công ty liên doanh của Samsung với Hewlett Packard, trước khi thành lập KMW trong năm 1991.

Ông Kim sáng lập Công ty bằng khoản tiền từ việc bán căn hộ mà ông đang ở và chỉ có đủ khả năng để thuê một nhân viên. Trước năm 2019, KMW hứng chịu nhiều thua lỗ khi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc lũ lượt đổ vào thị trường với mức giá rẻ hơn. Điều đó khiến các ngân hàng tỏ ra lo ngại khi giao dịch với KMW, ông Kim nói với E-daily trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5/2019.

“Tôi từng ở trong tình cảnh bị các ngân hàng lấy mất cây dù khi trời đang đổ mưa ào ạt”, ông Kim nhớ lại. “Tôi đã nỗ lực để cho thấy một công ty zombie vẫn có thể tồn tại và làm ăn phát đạt”.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Phố Wall gần như đi ngang trước những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu (24/09/2019)

>   Dow Jones giảm 2 phiên liền, làm đứt mạch 3 tuần tăng liên tiếp (21/09/2019)

>   Đà giảm của cổ phiếu Boeing khiến Dow Jones rớt hơn 50 điểm (20/09/2019)

>   Phố Wall gần như đi ngang sau cuộc họp của Fed (19/09/2019)

>   Phố Wall tăng nhẹ chờ tin quyết định của Fed về lãi suất (18/09/2019)

>   Dow Jones đứt mạch 8 phiên leo dốc do lo ngại về đà tăng của giá dầu (17/09/2019)

>   Dow Jones ghi nhận chuỗi leo dốc 8 phiên liền đầu tiên trong hơn 1 năm (14/09/2019)

>   Dow Jones chứng kiến 7 phiên leo dốc liên tiếp khi ECB hạ lãi suất (13/09/2019)

>   Chứng khoán Mỹ khởi sắc nhờ thông tin tích cực về thương mại (12/09/2019)

>   Vọt hơn 200 điểm, Dow Jones đóng cửa vượt mốc 27,000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019 (12/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật