Dow Jones đứt mạch 8 phiên leo dốc do lo ngại về đà tăng của giá dầu
Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ vào ngày thứ Hai (16/09) trong bối cảnh lo ngại đà leo dốc của giá dầu sau cuộc tấn công vào Ả-rập Xê-út có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones rớt 142.70 điểm (tương đương 0.5%) xuống 27,076.82 điểm, đánh dấu phiên giảm đầu tiên trong 9 phiên. Chỉ số S&P 500 lùi 0.3% xuống 2,997.96 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0.3% còn 8,153.54 điểm.
Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial, cho biết “bất kỳ điều gì cho thấy khả năng làm tổn hại đến nền kinh tế” thì đều làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Các hợp đồng dầu WTI tương lai đã bứt phá hơn 14%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Dầu WTI tích tắc leo dốc hơn 15% trong đêm qua. Giá dầu nhảy vọt sau khi một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Bảy (14/09) đã làm mất 50% sản lượng dầu thô mỗi ngày của Ả-rập Xê-út.
Saudi Aramco, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Ả-rập Xê-út, cho biết sẽ cố gắng khôi phục 1/3 sản lượng dầu thô của nước này vào ngày thứ Hai.
Cổ phiếu General Motors sụt 4.3% sau khi Liên minh Công nhân ngành Xe hơi Mỹ đình công sau khi các cuộc đàm phán hợp đồng giữa 2 phía bị đổ vỡ. Giá xăng tăng cao cũng có khả năng ảnh hưởng đến doanh số bán xe.
Cổ phiếu các hãng hàng không JetBlue Airways và United Airlines đều giảm ít nhất 2.8%, còn cổ phiếu American Airlines rớt 7.3%. Trong khi đó, cổ phiếu Devon Energy leo dốc hơn 12% còn cổ phiếu Marathon Oil vọt 11.6%. Cổ phiếu các thành viên thuộc Dow Jones là Exxon Mobil và Chevron đều tăng hơn 1%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tweet vào ngày Chủ nhật (15/09) rằng Mỹ có thể sử dụng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để “hỗ trợ nguồn cung thị trường”.
Giá dầu leo cao liên tục có thể dẫn đến giá nhiên liệu gia tăng. Điều này sẽ tạo thêm áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang đối mặt với sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng thấp.
Tâm lý thị trường cũng ảm đạm sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức đáy mới trong 17 năm rưỡi. Sản lượng đã tăng 4.4% trong tháng 8, thấp hơn so với dự báo tăng 5.2% từ cuộc thăm dò của Reuters. Sản lượng công nghiệp suy giảm khi Trung Quốc và Mỹ vẫn đang vướng vào một cuộc chiến thương mại.
An Trần
Fili
|