Thứ Năm, 10/10/2019 10:00

Doanh nghiệp chủ động nguồn lực, tăng lương tối thiểu năm 2020 không có tác động lớn

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

* Đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020: Đã “cân, đo, đong, đếm” mức sống người lao động?

* Lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 150.000 - 240.000 đồng

* Trả lương tối thiểu: Khó xác định “khả năng chi trả của doanh nghiệp”

Doanh nghiệp chủ động nguồn lực, tăng lương tối thiểu năm 2020 không có tác động lớn
Lương tối thiểu năm 2020 sẽ tăng cao nhất là 240.000 đồng. Ảnh minh họa.

Chi phí doanh nghiệp tăng bình quân 0,49%

Tại văn bản này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1/1/2020 tăng từ 150.000 đồng - 240.000 đồng so với hiện hành năm 2019 (tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 5,1 - 5,7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,5%).

Cụ thể 4 mức gồm: mức 4.420.000 đồng/tháng đối với vùng 1; mức 3.920.000 đồng/tháng đối với vùng 2; mức 3.430.000 đồng/tháng đối với vùng 3 và mức 3.070.000 đồng/tháng đối với vùng 4.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020 không có tác động lớn, do trước đó đã được các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền rộng rãi để doanh nghiệp có sự chủ động, cân đối trong nguồn lực.

Đồng thời, đã có tính toán trên cơ sở nhằm giảm thiểu tác động đến chi phí doanh nghiệp và cơ hội việc làm người lao động, cũng như cân đối với tương quan tiền lương của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, phương án điều chỉnh không quá lớn, chủ yếu vừa đủ để cải thiện khoảng thiếu hụt giữa tiền lương tối thiểu hiện hành và mức sống tối thiểu vào năm 2020 nhằm thực hiện lộ trình đã nêu tại Nghị quyết sô 27-NQ/TW.

Bên cạnh đó đã tính đến việc bù trượt giá sinh hoạt dự kiến khoảng 3,5 - 4% để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động, phù hợp với năng suất lao động (cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,5% - 2%) và tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu điều tra 2.000 doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, trong năm 2019 mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cao hơn khoảng từ 8 - 12% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Mức lương thấp nhất bình quân quý 1/2019 là 4.130.000 đồng/tháng, trong đó vùng 1 là 4.670.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.010.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.590.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.230.000 đồng/tháng.

"Như vậy, mức lương thấp nhất thực tế doanh nghiệp đang trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định năm 2019 và mức dự kiến điều chỉnh năm 2020. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 theo dự kiến nêu trên chủ yếu tác động đến chỉ phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá.

Sau khi tính toán, căn cứ vào tác động của mức lương tối thiểu đến chỉ phí lao động theo kết quả điều tra của Bộ, dự kiến chi phí lao động của doanh nghiệp năm 2019 tăng so với năm 2018 bình quân chung tăng 0,49%.

Trong đó, ngành Dệt may tăng 4,02%; ngành Da giày tăng 1,3%; ngành Nuôi trồng và chế biến thủy sản tăng 0,22% (đây là 3 ngành sử dụng nhiều lao động và bị tác động lớn nhất bởi việc nâng mức lương tối thiểu vùng).

Điều chỉnh lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Ngoài đánh giá tác động của mức tăng lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất lại địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng đối với 4 địa phương. Trong đó, điều chỉnh huyện Đồng Phú (Bình Phước), Tp Bến Tre, huyện Châu Thành (Bến Tre) từ vùng 3 lên vùng 2. Huyện Đông Sơn, Quảng Xương (Thanh Hóa), Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3.

Bộ này khẳng định, việc điều chỉnh nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận. Lý do là các địa bàn trên có thị trường lao động phát triển hơn, hình thành các cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu vùng cao hơn.

Đồng thời, qua số liệu tổng hợp thì hiện nay có 80 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1 chiếm 11,22%, có 87 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2 chiếm 12,2%, 168 địa bàn áp dụng mức lương tôi thiểu vùng 3 chiếm 23,56% và 378 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV chiếm 53,02%.

Vì vậy, việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng năm 2020 (vùng I giữ nguyên, vùng 2 tăng 3 địa bản, vùng 3 tăng 5 địa bàn, vùng 4 giảm 8 địa bàn) có tác động không lớn trên tổng thể.

Sau khi so sánh tác động ảnh hưởng của việc ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị định trên để bảo đảm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động.

Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5% để trình Chính phủ xem xét. Chính phủ cũng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá tác động của việc tăng lương.

Bộ cũng đã dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hoàn tất lấy ý kiến đến hết ngày 17/9/2019. Nếu được chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định trên trong thời gian tới.

Nhật Dương

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Trung ương thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2019 (09/10/2019)

>   Việt Nam tăng bậc nhiều nhất về năng lực cạnh tranh (09/10/2019)

>   Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng và thách thức (07/10/2019)

>   Nỗi lo "kỳ tích" GDP 9 tháng (04/10/2019)

>   GDP tăng thêm từ 7-16% vào 2030 (04/10/2019)

>   Chấn chỉnh hoạt động kho ngoại quan (03/10/2019)

>   Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng gánh nặng cho xã hội (03/10/2019)

>   Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019: Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019 ở mức 6.8% (02/10/2019)

>   Đề xuất giảm giờ làm cho lao động khối doanh nghiệp (02/10/2019)

>   PMI tháng 10 tương đương 50 điểm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng (01/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật