Thứ Hai, 07/10/2019 08:42

Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng và thách thức

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được dự báo sẽ tích cực hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định. Tuy nhiên, TTCK vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của các biến động toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định tạo kỳ vọng tăng trưởng cho thị trường

Số liệu kinh tế vĩ mô trong nước xuất hiện nhiều cơ sở cho dự báo VN-Index vượt 1,000 điểm vào quý 4/2019. Chỉ số này chưa từng tăng qua mốc tâm lý 1,000 điểm kể từ ngày 30/03. Những ngày gần đây, VN-Index nhiều lần kiểm tra mốc 1,000 điểm trong giờ giao dịch nhưng chưa thực sự vượt khỏi ngưỡng này lúc kết phiên.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6.98% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Trong khi kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2.5%, là mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây. Trước đó, năm 2017 và 2018, CPI bình quân 9 tháng tăng 3.79% và 3.57%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng khá, trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16.4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5.9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND giữ ở mức ổn định trong bối cảnh thị trường ngoại hối nhiều biến động đã làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài và ổn định môi trường vĩ mô cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ngày 16/09 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 0.25%/năm các lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất chào mua các giấy tờ có giá qua nghiêp vụ thị trường mở (OMO). Ðây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất này có thể giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vay tái cấp vốn, tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước, qua đó góp phần hạ lãi suất cho vay khi chi phí vốn đầu vào giảm bớt. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất lần này mang ý nghĩa tâm lý là chính, khi nhiều quốc gia trên thế giới giảm lãi suất.

Có thể thấy bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2019 của Việt Nam tương đối ổn định, tỷ giá, kim ngạch thương mại, lạm phát đến tăng trưởng GDP đều được dự báo sẽ đạt kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, TTCK vẫn giữ sự ổn định cao và có tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhiên, Việt Nam không còn “miễn nhiễm” với các yếu tố bên ngoài. Kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới giảm, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019… Các yếu tố này chắc chắn sẽ có tác động đến TTCK Việt Nam, dù nhiều hay ít.

Các dấu hiệu suy thoái kinh tế thế giới

Dấu hiệu đầu tiên là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu nhất trong gần 30 năm qua. Tăng trưởng GDP năm 2018 của nước này đạt 6.6% - thấp nhất kể từ năm 1990, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc. Nửa đầu năm 2019, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6.3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Trung Quốc đóng góp khoảng 16% GDP toàn cầu tính đến cuối năm 2018, chỉ thấp hơn một chút so với tỷ lệ 24% của Mỹ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018, Trung Quốc là nước mua lớn nhất hàng xuất khẩu của 36 nước trên thế giới. Chính vì thế, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm chắc chắn tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Ngày 31/07, Fed công bố quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, từ 2.25-2.5% xuống 2-2.25%. Lần liền trước đó Fed giảm lãi suất là vào năm 2008, ngân hàng này hạ lãi suất về "mức tượng trưng" 0.25% để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ giữa tâm bão khủng hoảng tài chính. Tuyên bố của Fed nêu rõ: "Trước những tác động của triển vọng kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát, Fed đã quyết định hạ lãi suất".

Ngày 18/09, Fed tiếp tục giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm, xuống còn 1.75-2%. Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay việc cắt giảm lãi suất nhằm “cung cấp sự bảo vệ chống lại các nguy cơ”, trong đó có tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu và căng thẳng thương mại.

Bất chấp động thái giảm lãi suất, đồng USD vẫn đang cho thấy sức mạnh so với các đồng tiền khác. Chỉ số USD-Index đo lường sức mạnh đồng USD hiện đang tiệm cận mốc 100 (mức cao nhất trong 3 năm gần đây). Đồng USD mạnh đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác sẽ chịu áp lực giảm giá, do đó dòng vốn sẽ tháo chạy ra khỏi những thị trường này vì lo ngại rủi ro tỷ giá sẽ xóa sạch thành quả lợi nhuận đạt được từ sự tăng trưởng của các thị trường tài sản ở những quốc gia này.

Năm 2019, thị trường cũng đã chứng kiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm, 3 tháng và 10 năm… đảo chiều (âm) lần đầu tiên kể từ năm 2007. Hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược thường được xem là chỉ báo quan trọng về suy thoái.

Kinh tế châu Âu khó khăn. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tương lai Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) mờ mịt đã có những tác động tiêu cực đến hai nền kinh tế hàng đầu của châu Âu là Đức và Pháp, “phủ bóng đen” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Kinh tế Eurozone chỉ tăng 0.2% trong quý 2/2019, sau khi tăng 0.4% trong quý trước đó.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/09 đã có động thái "mở van" kép cắt giảm lãi suất sâu hơn dưới 0 (âm 0.5%) và tung gói nới lỏng định lượng (QE - chi 20 tỷ Euro/tháng) để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đang suy yếu.

Các dấu hiệu nhận biết sớm là giá dầu giảm, giá vàng tăng... Cụ thể, trong quý 3, giá dầu WTI giảm 7.5%, giá dầu Brent giảm 8.7%. Trong khi đó, giá vàng thế giới ở mức cao 6 năm. Căng thẳng địa chính trị gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhà đầu tư tìm kiếm các kênh “trú ẩn an toàn” như vàng.

Nhà đầu tư nên linh hoạt ứng xử

Thế giới đang thay đổi và sự thay đổi này đang ngấm sâu hơn vào doanh nghiệp Việt Nam. Trong môi trường kinh doanh biến động và khó lường như hiện nay, để đưa ra dự báo là chuyện rất khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư nên có sự ứng xử linh hoạt với bối cảnh.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 sắp bắt đầu. Ðây là kỳ công bố quan trọng do nó có thể mang đến những kỳ vọng về doanh nghiệp có khả năng hoàn thành hay vượt kế hoạch kinh doanh và ngược lại. Kết quả này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu của từng doanh nghiệp, cũng như TTCK trong những tháng cuối năm. Nhà đầu tư nên quan tâm theo dõi để có những điều chỉnh phù hợp.

Gia Nghi

FILI

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu Sữa Hà Nội lại bị tạm ngừng giao dịch (04/10/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 04/10: Cùng kịch bản nhưng hai nội dung trái ngược (04/10/2019)

>   04/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (04/10/2019)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 04/10 (04/10/2019)

>   Thị phần môi giới HOSE quý 3: Một công ty ngoại lọt top 5 thị phần (03/10/2019)

>   Tháng 10: Những cổ phiếu thường tăng giảm liệu còn duy trì trong năm nay? (05/10/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 03/10: Tăng điểm vì lạc quan hay đánh cược? (03/10/2019)

>   Vi phạm hành chính, KAC bị xử phạt 100 triệu đồng (03/10/2019)

>   PVE bị phạt 100 triệu đồng do không công bố thông tin đúng quy định (03/10/2019)

>   Nút thắt 1,000 điểm của chứng khoán tháng 10 (04/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật