Dầu vọt gần 4% tuần qua sau 2 tuần giảm liên tiếp
Tuần qua, dầu WTI tăng 3.6%, dầu Brent vọt 3.7%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (11/10), qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên gần 4%, khi tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã xoa dịu nỗi lo về nhu cầu năng lượng, và thông tin về vụ nổ tàu chở dầu của Iran đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông, làm tăng khả năng gián đoạn sản xuất dầu thô trong khu vực, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex tiến 1.15 USD (tương đương 2.2%) lên 54.70 USD/thùng – mức cao nhất trong 2 tuần. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 3.6%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn cộng 1.41 USD (tương đương 2.4%) lên 60.51 USD/thùng và tăng 3.7% trong tuần qua. Cả 2 hợp đồng này đều đã giảm trong 2 tuần liên tiếp trước đó.
Việc Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một phần vào ngày thứ Sáu có thể dẫn đến một thỏa thuận đình chiến thương mại, Bloomberg News đưa tin, dẫn lời từ nguồn tin thân cận. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ đồng ý một số nhượng bộ nông nghiệp, trong khi Mỹ sẽ đưa ra một số lệnh giảm thuế, báo cáo cho hay. Thông tin này đã góp phần thúc đẩy chứng khoán Mỹ, làm tăng tâm lý ưa thích rủi ro và hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Giá dầu cũng khởi sắc nhờ thông tin về vụ nổ tàu chở dầu của Iran, vốn chịu thiệt hại sau khi bị trúng tên lửa được phóng từ cảng Jeddah của Ả-rập Xê-út, theo hãng thông tấn nhà nước IRNA. Chiếc tàu bị thiệt hại được xác định là tàu Sabity.
Thông tin về vụ nổ tàu của Iran được đưa ra trong bối cảnh các cáo buộc nước này đứng sau những vụ tấn công trong vài tháng gần đây vào các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, vốn là điểm giao thương dầu nổi tiếng. Các quan chức Mỹ và Ả-rập Xê-út tin rằng Iran đứng sau những cuộc tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở lọc dầu của Ả-rập Xê-út hồi tháng trước, mặc dù Tehran phủ nhận sự liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào.
Hy vọng về một kết quả tích cực cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp thúc đẩy dầu tăng mạnh vào ngày thứ Năm (10/10), qua đó đưa giá dầu WTI và dầu Brent lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần.
“Giá dầu vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi những yếu tố từ phía nhu cầu xoay quanh sự không chắc chắn về thương mại và nỗi lo tăng trưởng toàn cầu”, Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Nếu các cuộc đàm phán thương mại có kết quả thất vọng, điều này có thể khiến giá dầu sụt giảm bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang”.
Trong khi đó, trong một báo cáo định kỳ công bố vào ngày thứ Sáu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu là 1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 1.2 triệu thùng/ngày trong năm sau. IEA cho biết giải thích nguyên nhân của sự sụt giảm 100,000 thùng/ngày so với dự báo nhu cầu trước đó là sau “những bằng chứng cho thấy đà giảm tốc ở một số khu vực và quốc gia tiêu thụ dầu lớn, bao gồm châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ”.
Báo cáo này được công bố sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong một báo cáo định kỳ, đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019, nhưng không thay đổi dự báo triển vọng năm 2020. Đồng thời, OPEC cũng hạ triển vọng tăng trưởng nguồn cung trong năm 2019 và năm 2020 từ các nước ngoài OPEC.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 11 tiến 1% lên 1.6388 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4.2%. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 cộng 1.9% lên 1.9576 USD/gallon và tăng 3.3% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 11 lùi 0.2% xuống 2.214 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 5.9%.
An Trần
Fili
|