Dầu khởi sắc, lên cao nhất trong hơn 1 tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh lên mức đóng cửa cao nhất trong hơn 1 tuần vào ngày thứ Năm (10/10), khi nhà đầu tư cố hiểu rõ ràng những báo cáo mâu thuẫn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đồng thời, phân tích đánh giá định kỳ của OPEC về nhu cầu và nguồn cung toàn cầu, MarketWatch đưa tin.
“Rõ ràng là các thị trường tin rằng kết quả của đàm phán thương mại Mỹ - Trung là điều quan trọng nhất trên hành tinh lúc này, và kết quả của các cuộc đàm phán sẽ có thể dẫn đến một sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế hoặc một thời kỳ suy thoái đen tối”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/10), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex tiến 96 xu (tương đương 1.8%) lên 53.55 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 01/10/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn cộng 78 xu (tương đương 1.3%) lên 59.10 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/09/2019.
Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thông qua Twitter rằng ông có kế hoạch gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, vào ngày thứ Sáu (11/10). Điều đó đã góp phần thúc đẩy giá dầu.
Thông tin này đưa đưa ra sau một báo cáo hôm thứ Tư (09/10) từ Bloomberg News rằng Nhà Trắng có thể thực hiện thỏa thuận tiền tệ đã thỏa thuận trước đó với Trung Quốc trước thời hạn, và trì hoãn nâng thuế vốn có hiệu lực vào tuần tới. New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cấp giấy phép cho một số công ty Mỹ có thể tiến hành kinh doanh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Trước đó, South China Morning Post đưa tin các cuộc đàm phán hồi đầu tuần này để đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán cấp cao bắt đầu vào ngày thứ Năm đã không có tiến triển và rằng phái đoàn thương mại chính của Trung Quốc sẽ rút ngắn chuyến thăm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong một báo cáo định kỳ, đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 nhưng không thay đổi triển vọng năm 2020. Đồng thời, Tổ chức này còn hạ triển vọng tăng trưởng nguồn cung của các thành viên ngoài OPEC trong năm 2019 và 2020.
Trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn công nghiệp ở Luân Đôn, Tổng thư ký OPEC, Mohammed Barkindo, cho biết OPEC và Nga cùng với các đồng minh không loại trừ việc giảm sâu sản lượng hơn nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12 tới, theo tin từ Platts. Thỏa thuận hiện tại giữa OPEC và các đồng minh nhằm cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày có hiệu lực đến tháng 3/2020.
Ở Syria, sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất dầu của nước này, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, cho hay.
Ở Ecuador, những cuộc biểu tình kéo dài đã khiến các mỏ dầu đóng cửa, buộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Petroecuador phải tuyên bố bất khả kháng trong hoạt động xuất khẩu dầu, các báo cáo tin tức cho biết.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 11 cộng 2.3% lên 1.6233 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 nhích gần 0.1% lên 1.9208 USD/gallon.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 98 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 04/10/2019, cao hơn một chút so với dự báo tăng 97 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 11 lùi 0.7% xuống 2.218 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|