Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chính quyền địa phương hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn rà soát và cập nhật quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí lại dân cư, sắp xếp lại các khu công nghiệp,… để khai thác hiệu quả dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Chiều 29/9, Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng cùng đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư đã phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sau 2 năm thi công.
Dự án gồm 2 hợp phần: hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110km; Hợp phần Cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP.Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với tổng chiều dài khoảng 64km cùng tổng mức đầu tư 12.189 tỉ đồng.
Dự án được khởi công năm 2015 nhưng do các Nhà đầu tư yếu kém về năng lực quản trị và tài chính, không huy động được nguồn vốn đầu tư nên bị chậm tiến độ gần 02 năm. Đến tháng 6/2017, hợp phần 1 mới đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc. Người đứng đầu nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc công ty UDIC) bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ. Dự án rơi vào đình trệ, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Phó Thủ tướng dự lễ thông xe.
Đến tháng 6/2017, Bộ Giao thông vận tải quyết định đổi nhà đầu tư và giao cho Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thuộc tập đoàn Đèo Cả thi công, làm chủ đầu tư. Trong thời gian ngắn, các bên liên quan đã nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, ký kết hợp đồng tín dụng, xử lý nhà thầu năng lực yếu kém… đưa toàn bộ dự án triển khai đồng bộ.
Sau hơn 2 năm xây dựng, dự án chính thức hoàn thành và tiến hành thông xe kỹ thuật. Trong đó, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 03/2018 còn hợp phần cao tốc chính thức thông xe từ ngày 29.09, sớm hơn kế hoạch 3 tháng.
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam thực hiện quản lý tiến độ thông qua thiết bị flycam và xe điều hành hiện đại. Tuy nhiên, tới nay điểm đầu tuyến dự án (Km45+100) chưa hoàn tất và đoạn tuyến cách TP.Lạng Sơn khoảng 30km là hạn chế cần sớm được khắc phục.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn trong việc tập trung, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Phó thủ tướng biểu dương chủ đầu tư, các ngân hàng, đơn vị tư vấn, nhà thầu trong việc khắc phục khó khăn, rút ngắn thời gian thi công.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại của dự án như: Đường gom, biển báo, sơn kẻ vạch,… theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ quan để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn rà soát và cập nhật quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí lại dân cư, sắp xếp lại các khu công nghiệp,… để khai thác hiệu quả dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đặc biệt là khu vực các nút giao.
Đối với những hạng mục chưa hoàn thành, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy quá trình triển khai đầu tư tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và triển khai đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2021 – 2025.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Dự án có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Trạm thu phí được đặt tại nút giao 279 qua xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Dự kiến, tuyến cao tốc được thu phí trong 17 năm (2020-2037). Mức phí thấp nhất dự kiến là 2.000 đồng/km với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và cao nhất là 7.200 đồng/km với các xe tải trọng lớn.
Để sớm đưa vào vận hành khai thác chính thức, Phó thủ tướng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành đường gom, rào chắn, biển báo, hệ thống thu phí theo đúng quy định, xây dựng các công trình giao thông kết nối.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành đã nối thông mạch cao tốc từ Hà Nội đi tỉnh biên giới Lạng Sơn, với tổng chiều dài khoảng 110 km, thời gian di chuyển rút ngắn còn hơn 3 giờ so với trước đây.
Quang Dân
Dân Việt