Thứ Sáu, 27/09/2019 20:24

Không chỉ định thầu, không dễ dãi với nhà đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như vậy về việc tiếp tục triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam sau khi hủy sơ tuyển đấu thầu chọn nhà đầu tư quốc tế thực hiện dự án này.

Không chỉ định thầu, không dễ dãi với nhà đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cam kết sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư trong nước làm đường cao tốc Bắc - Nam theo đúng nghị quyết của Quốc hội, không chia nhỏ gói thầu, không hạ tiêu chí năng lực tài chính của nhà đầu tư - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT chiều 27-9, Tuổi Trẻ Online đã đặt nhiều câu hỏi về việc tiếp tục thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã công bố quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Thay vào đó, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án trên.

Đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo cho các nhà đầu tư dự sơ tuyển về việc hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế. Đồng thời khẩn trương hoàn thành hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi để phát hành hồ sơ vào tháng 10-2019. 

Ông Đông thừa nhận việc này sẽ làm tiến độ triển khai dự án chậm hơn khi mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước.

Trước một số ý kiến cho rằng nên giảm tiêu chí về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của nhà đầu tư để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam, ông Đông khẳng định tiêu chí chọn nhà đầu tư dù nước ngoài hay trong nước thực hiện dự án này đều tuân thủ nghị quyết 52 của Quốc hội và nghị quyết 20 của Chính phủ về dự án. 

"Nghị quyết đã ban hành, không thể sửa nên chúng tôi xác định luôn, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án vẫn phải tối thiểu 20% như nghị quyết quy định” - ông Đông khẳng định khi phóng viên đặt câu hỏi nếu hạ tiêu chí chọn nhà đầu tư có đi ngược với những kiến nghị tăng vốn chủ sở hữu, tăng điều kiện nhà đầu tư để tránh nhà đầu tư BOT "tay không bắt giặc".

Theo ông Đông, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu. Nghị quyết 52 của Quốc hội xác định không bảo lãnh doanh thu, vốn vay cho nhà đầu tư nên vẫn thực thi đấu thầu chọn nhà đầu tư "lời ăn lỗ chịu", tức là không có bảo lãnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có thể điều chỉnh một số tiêu chí như kinh nghiệm nhà đầu tư trong việc làm đường cao tốc khi nước ta mới có khoảng 900km đường cao tốc nên nhiều nhà đầu tư chưa từng tham gia thực hiện các dự án này.

"Nghị quyết 52 quyết định dự án đường cao tốc Bắc - Nam có 11 dự án thành phần. Trong đó có 8 dự án thành phần theo hình thức PPP hợp đồng BOT. Các dự án này đã chốt điểm đầu điểm cuối nên không thể thay đổi chia nhỏ để đấu thầu lại, tốn thêm thời gian. Các dự án này đã xác định điểm kết nối từ đâu tới đâu với quốc lộ, tuyến đường hiện có nên không chia nhỏ thêm. 

Nếu chia nhỏ có khi làm đường nối với quốc lộ lại dài hơn cao tốc. Bên cạnh đó, đã tính dự án thành phần dài từ đâu đến đâu thì mới có hiệu quả tài chính nên không chia nhỏ gói thầu.

Nghị quyết 52 của Quốc hội quy định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trường hợp không có nhà đầu tư tham gia dự án. Nếu đấu thầu không thành công, Bộ GTVT sẽ báo cáo Quốc hội để quyết định chuyển sang đầu tư công. Chúng tôi khẳng định không có chỉ định thầu" - ông Đông lý giải.

Liên quan đến việc huy động vốn vay cho dự án BOT hiện nay khó khăn sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Đông thừa nhận: tín dụng rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đặc biệt cung cấp gói tín dụng giá trị lớn.

"Các dự án BOT trước đây cung cấp tín dụng cao lắm 3.000 tỉ đồng, phổ biến hơn 1.000 tỉ đồng/dự án. Còn các dự án đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Chi Lăng - Đồng Đăng, Vân Đồn - Móng Cái vốn vay lớn từ 7.000 - 8.000 tỉ đồng trở lên đang gặp khó khăn trong việc vay vốn. Nên chắc chắn việc vay vốn ngân hàng để làm đường cao tốc Bắc - Nam sẽ khó khăn. Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp để có thể ngân hàng cung cấp tín dụng được dựa trên quy định pháp luật và tính khả thi dự án" - ông Đông nói.

TUẤN PHÙNG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Bố trí hơn 3.000 tỷ đồng cho hai dự án cao tốc (27/09/2019)

>   Thủ tướng yêu cầu Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khánh thành ngày 30-4-2021 (27/09/2019)

>   Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu tài liệu để nghiệm thu (26/09/2019)

>   Lo lắng về hạ tầng nếu có gần chục hãng hàng không cùng cất cánh (25/09/2019)

>   Vì sao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng nhưng cứ mưa là hỏng? (25/09/2019)

>   Rồi sẽ lại “Dép tổ ong ngồi vá đường cao tốc 34.000 tỷ”? (25/09/2019)

>   Thành phố Huế sẽ được mở rộng gấp 5 lần (25/09/2019)

>   Cao tốc Bắc Nam sơ tuyển nhà đầu tư trong nước vào tháng 10 (25/09/2019)

>   Hủy kết quả sơ tuyển quốc tế dự án cao tốc Bắc Nam (24/09/2019)

>   Có nên quyết toán 2.360 tỉ đồng cho nhà đầu tư BOT? (24/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật