Vì sao Trung Quốc gấp rút tạo ra loại tiền điện tử riêng?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã sẵn sàng trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên đưa ra phiên bản kỹ thuật số của Nhân dân tệ, họ đang tìm cách theo kịp – và kiểm soát – nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.
Mặc dù không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin, nhưng việc giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không có tính ẩn danh, và giá trị của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được giữ ổn định như đồng Nhân dân tệ thường. Tuy nhiên vẫn có một vài câu hỏi được đặt ra xung quanh sự việc này, bao gồm câu hỏi về tác động của loại tiền tệ này đối với các ngân hàng thương mại cũng như các công ty công nghệ lớn như Ant Financial và Tencent Holdings Ltd., vì những tổ chức này đã và đang phục vụ các loại hình dịch vụ thanh toán.
Đằng sau sự vội vàng của Trung Quốc là một khát vọng có thể kiểm soát được những thay đổi về mặt công nghệ đi theo các quy luật riêng của Trung Quốc. Như một quan chức thuộc PBoC đã nói, tiền tệ không phải chỉ là vấn đề liên quan đến kinh tế, nó còn là vấn đề thuộc về chủ quyền của đất nước.
1. Kế hoạch của Trung Quốc là gì?
Toàn bộ chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được công khai hết, nhưng dựa theo bằng sáng chế mới vừa được PBoC đăng ký và các bài phát biểu chính thức, thì có thể tóm tắt thành một vài điểm như sau: Người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tải về điện thoại di động một loại ví tiền kỹ thuật số và nạp loại tiền kỹ thuật số vào ví từ tài khoản thuộc các ngân hàng thương mại của người dùng – tương tự như việc chuyển tiền giữa các tài khoản bằng ATM. Sau đó người dùng có thể sử dụng tiền kỹ thuật số trong ví như tiền mặt bình thường để thực hiện các loại hình thanh toán với những cá nhân khác cũng dùng ví kỹ thuật số.
2. Không phải là hầu hết các giao dịch ở Trung Quốc đều đã được điện tử hóa rồi sao?
Đúng vậy. Trung Quốc đang tích cực xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Thậm chí ngay cả những quầy bán đồ ăn bên lề đường tại các thị trấn nhỏ cũng thích dùng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại hơn là thực sự thanh toán bằng tiền mặt tại quầy. Trong quý 1/2019, những ứng dụng thanh toán như vậy đã xử lý số giao dịch có tổng giá trị lên đến 59 ngàn tỷ Nhân dân tệ (8.3 ngàn tỷ USD) tại Trung Quốc, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018, dựa theo thông tin của công ty nghiên cứu Analysys.
Ứng dụng Alipay của công ty Ant Financial đã xử lý gần một nửa số giao dịch trên, theo sau đó là ứng dụng WeChat Pay của Tencent đã xử lý 1/3 số giao dịch. PBoC nói rằng tất cả các giao dịch không sử dụng tiền mặt (bao gồm cả những loại hình giao dịch như tín dụng, ghi nợ và thẻ lưu trữ giá trị, chuyển khoản và séc ngân hàng) trong năm 2018 có tổng giá trị là 3.8 ngàn triệu tỷ NDT. Xu hướng này không phải chỉ phát triển ở Trung Quốc: Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cho thấy trong năm 2018 chỉ có 13% người mua hàng thanh toán hầu hết các giao dịch của họ bằng tiền mặt, giảm từ mức 39% trong năm 2010.
3. Vậy thì tại sao PBoC lại làm việc này?
Họ có những cân nhắc rất quan trọng về các quy định và phương diện chính trị. Việc có được khả năng theo dõi tiền điện tử mỗi khi nó được chuyển tay từ bên này sang bên kia sẽ rất là hữu ích trong việc chống rửa tiền và các hành động phi pháp khác. Dự án này được khởi đầu bởi cựu Thống đốc của PBoC Zhou Xiaochuan, vốn đã về hưu vào tháng 03/2018. Ông ấy muốn bảo vệ Trung Quốc khỏi một ngày nào đó phải chấp nhận một loại tiêu chuẩn, như là Bitcoin, được thiết kế và kiểm soát bởi người khác. Dự định giới thiệu loại tiền kỹ thuật số của Facebook Inc., được gọi là Libra, trong năm 2020 sắp tới có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ của nhiều thứ, vì đồng Libra này có thể sẽ kết thúc việc củng cố sự thống trị của đồng USD – và làm suy yếu việc kiểm soát vốn của Trung Quốc. Như người đứng đầu phòng nghiên cứu của PBoC, Wang Xin, đã cho biết vào tháng 7/2019, việc đó có thể gây ra “các hậu quả về kinh tế, tài chính và thậm chi là chính trị quốc tế”.
4. Đó có phải là một loại tiền điện tử không?
Chắc chắn là không. Khi chúng ta nhắc đến tiền điện tử, chúng ta thường có ý muốn nói đến một loại dịch vụ như Bitcoin, những loại tiền tệ được sử dụng sổ cái trực tuyến phi tập trung còn được gọi là blockchain (chuỗi khối) để xác minh và ghi nhận các giao dịch. Bitcoin và các loại tiền điện tử khác như Ethereum hỗ trợ cho các vụ chuyển khoản ẩn danh mà không cần nhờ đến bên trung gian – hoặc một ngân hàng trung ương nào đó.
Tuy nhiên, sự biến động khó kiểm soát trong giá trị của chúng khiến các loại tiền điện tử này trở nên không thích hợp để là một phương tiện thanh toán. Đồng Libra cũng sẽ là một loại tiền điện tử, nhưng còn được xem là loại tiền ổn định, được hỗ trợ 100% bởi một sàn chứng khoán và các loại tiền tệ trong thực tế như đồng USD, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng Yên. Bởi vì những đồng tiền này không dao động nhiều, nên giá trị của đồng Libra cũng sẽ được giữ ở mức ổn định. Ít nhất vào lúc đầu, đồng Libra sẽ được vận hành bởi các công ty tư nhân như Facebook, Visa và Uber. Dĩ nhiên là PBoC sẽ “chống lưng” cho đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, khiến cho loại tiền ảo này trở nên tập trung hơn. Cũng không chắc rằng loại Nhân dân tệ kỹ thuật số này có sử dụng công nghệ blockchain hay không.
5. Tại sao không sử dụng những đồng tiền kỹ thuật số đang sẵn có?
Trung Quốc đã ra lệnh cấm giao dịch bằng các loại tiền điện tử và cái gọi là phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) từ năm 2017 giữa bối cảnh đất nước đang nỗ lực để loại sạch các rủi ro ra khỏi hệ thống tài chính và làm chấm dứt hoạt động của các ngân hàng vô hình. Các loại tiền điện tử này vẫn có thể được giao dịch, nhưng thông qua một quy trình chậm chạp và nghiêm ngặt hơn nhiều. Các loại tiền tệ kỹ thuật số cũng là một cách để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, có khả năng thêm vào dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc khiến cho đồng Nhân dân tệ bị hạ giá. Thâm chí mặc dù đồng Libra vẫn chưa được tung ra, nhưng các quan chức của Trung Quốc đã kêu gọi các cơ quan tiền tệ phải giám sát đồng tiền này. (Trang web Facebook bị cấm hoạt động ở Trung Quốc, nhưng nhiều người dân Trung Quốc vẫn có thể truy cập vào trang này thông qua một loại mạng ảo riêng, gọi là VPN).
6. Tại sao không sử dụng chuỗi khối?
PBoC đã từng cân nhắc qua việc này, nhưng các nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu công nghệ này có khả năng hỗ trợ một khối lượng lớn các giao dịch diễn ra đồng thời hay không. Sự kiện mua sắm thường niên lớn nhất Trung Quốc – ngày Lễ Độc thân năm 2018 đã có nhu cầu thanh toán chạm mốc đỉnh điểm là 92,771 giao dịch/giây, vượt xa khả năng hỗ trợ của chuỗi khối mà Bitcoin sử dụng, theo Mu Changchun, một quan chức khác củaPBoC.
7. Còn về tính riêng tư thì sao?
PBoC muốn “tạo lập một sự cân bằng” giữa giao dịch ẩn danh và sự cần thiết của việc trấn áp tội phạm tài chính, ông Mu nói, nhưng ý nghĩa thực sự của việc đó vẫn chưa được làm rõ. PBoC có thông báo rằng thông tin người dùng không được công bố hoàn toàn với các ngân hàng. Nhưng danh tính người dùng có khả năng sẽ được kết nối với các ví điện tử cá nhân, trao cho chính quyền một cánh cửa khác để thâm nhập vào đời sống của người dân. Phó Thống đốc PBoC Fan Yifei cho biết trong một bài báo xuất bản năm 2018 rằng các ngân hàng có thể sẽ cần đến việc gửi thông tin về các giao dịch hàng ngày và có thể sẽ có vài hạn chế trong các giao dịch do cá nhân thực hiện.
8. Khi nào thì loại tiền này được phát hành?
Có vẻ câu trả lời sẽ là sớm thôi. Vào tháng 8/2019, ông Mu đã cho biết rằng tiền kỹ thuật số “đã sắp được phát hành”. PBoC đã cho nghiên cứu về loại tiền kỹ thuật số này từ muộn nhất là năm 2014, và họ đã và đang tuyển thêm nhân viên cho một cơ sở đặc biệt. Nghiên cứu và đối mới có liên quan đến tiền kỹ thuật số đã được đề cập đến trong đại kế hoạch của Trung Quốc để biến Thâm Quyến – thủ phủ công nghệ nằm cạnh Hồng Kông – thành một thành phố cấp quốc tế vào năm 2025.
9. Người dân sẽ sử dụng loại tiền này chứ?
Câu này rất khó để trả lời. Loại ví kỹ thuật số của PBoC cũng chỉ là một cái ví, ít nhất đến thời điểm hiện tại thì là vậy, trong khi những ứng dụng đương thời như Alipay và WeChat Pay đã gắn bó rất sâu vào mọi khía cạnh của thế giới mạng xã hội, thương mại điện tử, đua ngựa, thanh toán hóa đơn, đầu tư và nhiều chức năng khác nữa. Da Hongfei, nhà sáng lập nền tảng blockchain có trụ sở tại Thượng Hải – Neo, nói rằng ông không biết lý do nào sẽ khiến công chúng lựa chọn sử dụng loại tiền kỹ thuật số của PBoC thay vì một ứng dụng tiện lợi như Alipay.
10. Các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Chủ yếu là sẽ bị ảnh hưởng về phần sổ sách kế toán. Tiền kỹ thuật số sẽ phải được ghi chép riêng biệt với các loại tiết kiệm thông thường, bởi vì nó đại diện cho tiền được lưu thông trong thực tế (theo cách nói của ngân hàng trung ương là M0), chứ không phải là loại tiền gửi không kỳ hạn (M1) mà các ngân hàng thường dùng để các công ty và hộ gia đình vay thêm lần nữa. Những người cho vay thương mại sẽ ký gửi 100% giá trị dự trữ tại PBoC để đổi lấy tiền kỹ thuật số, mà sau đó họ sẽ phân phối cho người dùng bán lẻ. Hệ thống gồm hai lớp cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho PBoC trong việc thực hiện thẩm định, tân trang hệ thống công nghệ thông tin và trả lời các yêu cầu của khách hàng.
11. Có tác động gì đến kinh tế không?
Chắc hẳn là sẽ không gây tác động ngay lập tức. Vì loại tiền kỹ thuật số của PBoC được thiết kế để thay thế tiền mặt, nên nó sẽ gây ra tác động lớn lên nguồn cung tiền, và do đó ảnh hưởng của nó đến chính sách tiền tệ có khả năng sẽ là trung lập. Nếu như tiền kỹ thuật số được chấp nhận rộng rãi và mọi người được khuyến khích giữ nhiều tiền mặt hơn, thì tiền gửi ngân hàng có thể sẽ giảm, nhưng tác động đó vẫn có thể giải quyết được, dựa theo một bài báo do viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của PBoC phát hành năm 2018.
Trong tương lai xa hơn, PBoC có thể sẽ sử dụng tiền kỹ thuật số để lèo lái nền kinh tế. Hồ sơ bằng sáng chế được công bố vào tháng 10/2018 mô tả đó là một loại tiền tệ sẽ khiến các ngân hàng cho vay yêu cầu phải nhập thông tin chi tiết về người đi vay và lãi suất trước khi khoản tiền cho vay được chuyển đi. Việc làm đó có thể giúp PBoC chủ động hơn trong việc kiểm soát các khoản vay ngân hàng và các khoản vay trực tiếp mà họ cảm thấy phù hợp. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng cần phải chuyển sang một bộ công cụ chính sách tiền tệ độc đáo hơn, tiền kỹ thuật số sẽ cho phép họ áp dụng tỷ suất âm ngay cả với những người đang giữ loại tiền kỹ thuật số này.
12. Các ngân hàng trung ương khác đang làm gì?
Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm, được gọi là e-Peso, chương trình này nhận được sự khen ngợi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Venezuela đưa ra một loại tiền điện tử gây tranh cãi gọi là petro vào năm 2018, và ngân hàng Riksbank của Thụy Điển cũng đang khám phá một loại tiền kỹ thuật số gọi là e-krona. Tháng 8/2019, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney kêu gọi ủng hộ một loại tiền tệ dự trữ giống với đồng Libra để chấm dứt sự thống trị của đồng USD. Một cuộc khảo sát ẩn danh được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện vào đầu năm 2019 cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang tham gia nghiên cứu lý thuyết và khái niệm về loại tiền kỹ thuật số.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|