Sau cuộc họp của 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại đã thống kê mức tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với mã chứng khoán FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân là 200 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán xác minh được các chủ tài khoản margin có nhiều mối liên hệ với ông Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Bi kịch FTM vẫn tiếp tục "đốt cháy" tài khoản nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Thống kê đến ngày 25/9, FTM đã "nằm sàn" 28 phiên liên tiếp gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và các công ty chứng khoán. Cụ thể, ngày 14/8, FTM có giá 23.650 đồng/cổ phiếu nhưng đến chốt phiên 24/9, cổ phiếu này chỉ còn 3.220 đồng/cổ phiếu.
Các công ty chứng khoán - những nhà thiết lập cuộc chơi trên thị trường chứng khoán với đội ngũ phân tích hùng hậu, đánh giá rủi ro cũng rơi vào "bẫy" của nhà đầu tư dùng margin cổ phiếu FTM, với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi không thể bán ra và giữ lại thì càng thua lỗ.
Để làm rõ "góc tối" trong giao dịch cổ phiếu FTM, VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Phan Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam.
Lâu nay, trên thị trường thường hay nói về việc nhà đầu tư bị "úp bô" nhưng với cổ phiếu FTM, các công ty chứng khoán đang trở thành đối tượng mới? Vì sao có hiện tượng này, thưa ông?
Khác với các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì các công ty chứng khoán có nguồn vốn dồi dào hơn nên sẽ trở thành các "con mồi" lớn với những kẻ đi săn.
Một trong những nghiệp vụ chính của các công ty chứng khoán là nghiệp vụ cho vay margin. Đây là một mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận tốt và ổn định cho các công ty này. Bằng việc cầm cố các cổ phiếu của khách hàng làm tài sản đảm bảo trong tài khoản, công ty chứng khoán sẽ cấp cho khách hàng sức mua để có thể mua thêm cổ phiếu bằng tiền vay trên tài khoản của mình.
Cũng giống như đi vay ngân hàng, mảnh đất giá thị trường 1 tỷ nhưng thông thường các ngân hàng sẽ chỉ định giá 70% giá trị mảnh đất đó làm tài sản đảm bảo. Và ngân hàng sẽ giải ngân cho vay 70% trên giá trị tài sản đảm bảo đó tức là cho vay khoảng 49% của mảnh đất có thị giá 1 tỷ.
Các công ty chứng khoán cũng cho vay như vậy. Họ sẽ định giá FTM dựa trên các yếu tố như chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhuận, dòng tiền tương lai của doanh nghiệp hay thậm chí cả những mối quan hệ... để ra một giá tính làm tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, FTM được xác định giá tính tài sản đảm bảo là 10.000 đồng/cổ phiếu dù trên thị trường giá gần 24.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó công ty chứng khoán sẽ dựa vào tính thanh khoản của cổ phiếu và cả các yếu tố trên để cho vay với một tỷ lệ xác định khoảng 30% trên giá 10.000 đồng/cổ phiếu dù giá thị trường có thể đang cao hơn nhiều lần.
Quan sát vụ việc FTM ông thấy có gì bất thường trong cách thức giao dịch?
Mỗi một công ty sản xuất bây giờ nếu đạt được mức sinh lời ROE đều hàng năm từ 15 – 20%/năm là đã rất tốt. Nhưng nhiều công ty họ không muốn sản xuất mà muốn kinh doanh trên số cổ phiếu của mình bằng cách tăng vốn dựa trên "không khí". Trong trường hợp đó, mệnh giá thì là 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng bản chất là chi phí để phát hành thêm cho mỗi cổ phiếu đó chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng bằng các thủ thuật kế toán.
Do vậy, kể cả các công ty chứng khoán có xác định giá tính tài sản đảm bảo cho FTM là 10.000/cổ phiếu thì cũng vẫn cao gấp nhiều lần giá trị thực của cổ phiếu này. Khi đó, bán ra được cổ phiếu cho nhà đầu tư thì công ty đó sẽ đạt được mức siêu lợi nhuận.
Sau khi cổ phiếu được pha loãng thành công thì đội lái bằng cách nào đó sẽ đẩy giá cổ phiếu lên và tạo thanh khoản. Lúc cổ phiếu có thanh khoản lại tăng giá lên một mức nhất định, khi đó công ty sẽ đi xin margin của các công ty chứng khoán.
Như vụ FTM ta thấy ở 11 công ty chứng khoán thì mỗi công ty sẽ có 2 - 3 tài khoản cá nhân để "làm thanh khoản". Họ sẽ cầm cố ở mỗi công ty chứng khoán một lượng cổ phiếu nhất định để lấy sức mua. Tiền margin được cấp sẽ được dùng để mua FTM trên sàn. Kết quả là cổ đông nắm giữ cổ phiếu công ty này sẽ bán cổ phiếu với giá cao và thu về tiền mặt cho mình còn các công ty chứng khoán sẽ bị treo số tiền cho vay margin và nhận về lượng cổ phiếu đã cầm cố cho vay.
Sau khi bán được 60% cổ phần công ty cho các công ty chứng khoán, lúc này "game" đã hết, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được thả trôi tự do, mất thanh khoản vì không có "đội lái" nào can thiệp. Cổ phiếu giảm giá, các công ty chứng khoán lúc này sẽ buộc phải bán ra lượng lớn cổ phiếu để thu hồi lại vốn nhưng thanh khoản mất hút khiến các công ty chứng khoán lực bất tòng tâm.
Hiệu ứng này tiếp tục lan rộng như "hòn tuyết lăn" khi mà cả 11 công ty chứng khoán đều phải bán giải chấp để thu hồi khoản cho vay khiến cổ phiếu FTM giảm sàn 28 phiên liên tiếp.
Vậy tại sao nhà đầu tư FTM lại "bẫy" được các công ty chứng khoán khi những công ty này luôn có đội ngũ phân tích, định giá hùng hậu cũng như phòng ngừa rủi ro?
Sự chạy đua cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán hiện nay đang rất khốc liệt khiến áp lực doanh số lớn. Thực chất đây là một chiêu trò không hề mới trên thị trường, các công ty chứng khoán ngoài việc tự trách mình đã không quản trị rủi ro còn phải tìm mọi cách để thu hồi số tiền cho vay kể cả khởi kiện và nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Các công ty chứng khoán với đội ngũ phân tích hùng hậu còn sập bẫy thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể rơi vào các tình cảnh tương tự bây giờ và kể sau này bởi chắc chắn vẫn sẽ có trường hợp như thế này xảy đến. Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, trang bị kiến thức tài chính thật vững chắc để nhận biết những công ty này để tránh xa.
Ông vừa nói nhà đầu tư phải trang bị kiến thức tài chính cho mình để nhận biết những dấu hiệu bất thường của các doanh nghiệp kiểu như FTM. Các dấu hiệu này là gì?
Dấu hiệu đầu tiên đó là công ty được góp vốn bằng tài sản thay vì bằng tiền mặt. Ở FTM, năm 2015, Tập đoàn Đại Cường góp vốn dưới hình thức đất đai vào Đức Quân với tổng giá trị 350 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Đức Quân lên mức 500 tỷ đồng hiện nay. Việc góp vốn bằng tài sản này có rất nhiều kẽ hở so với việc góp vốn bằng tiền mặt vì việc định giá những tài sản này rất khó kiểm soát, rủi ro cho cổ đông. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể định giá tài sản cao lên để nâng giá trị công ty khi góp vốn.
Dấu hiệu thứ hai là các cổ đông lớn nắm lượng lớn cổ phiếu. Lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài thấp dẫn đến dễ thao túng giá cổ phiếu.
Về tiền mặt của FTM luôn được duy trì ở mức thấp. Với một doanh nghiệp sản xuất thì việc duy trì lượng tiền mặt, để đảm bảo nhu cầu vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh là điều cần thiết, dù doanh nghiệp này có đang vay nợ nhiều. Ở FTM tiền và tương đương tiền chỉ là 11 tỷ trên mức tổng tài sản 1.728 tỷ đồng tương ứng chiếm 0,6%. Các công ty sản xuất thường tỷ lệ này ở mức trên 10%.
Đặc biệt, ở FTM, các khoản phải thu chiếm tỷ trọng khá lớn tới 40% tổng tài sản và có nhiều bất thường như như cho Tập đoàn Đại Cường vay 92 tỷ, Bất động sản New City 11,8 tỷ mà không có tài sản đảm bảo với lãi suất 9%/năm…Việc cho vay này có rủi ro lớn nếu xảy ra đổ vỡ có thể gây thiệt hại cho các cổ đông.