Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc?
Việc Mỹ và Nhật Bản tiến tới thỏa thuận thương mại có thể gây thêm khó khăn cho nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vì nó có thể làm gia tăng khả năng Mỹ buộc Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của họ, theo quan điểm của các nhà quan sát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
|
Phát biểu bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc (UNGA) ở New York trong ngày thứ Tư (25/09), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo đã tiến tới thỏa thuận, trong đó giảm bớt rào cản gia nhập vào thị trường Nhật Bản đối với thịt heo, thịt bò, lúa mì, phô mai, hạnh nhân, rượu và các sản phẩm khác của Mỹ. Đổi lại, tua-bin, công cụ máy móc, xe đạp, trà xanh, hoa và các sản phẩm khác của Nhật Bản sẽ dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Trump mô tả thỏa thuận này là “một chiến thắng to lớn dành cho nông dân, chủ trang trại và người trồng cây”.
Mặc dù văn bản đầy đủ vẫn chưa được công bố, nhưng thỏa thuận Mỹ-Nhật dường như không bao gồm lời cam kết rằng Mỹ sẽ không áp hàng rào thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản như ông Trump đã dọa trước đó.
"Thuế nhập khẩu bổ sung sẽ không được áp dụng", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong buổi họp báo, "Với thỏa thuận thương mại này, tôi tin rằng hai nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa".
Khi Mỹ và Trung Quốc sắp đàm phán thương mại ở Washington trong vòng 2 tuần nữa, các nhà quan sát cho biết thỏa thuận mới có thể khiến Trung Quốc tồi tệ hơn.
“Thỏa thuận với Nhật Bản đánh dấu một cột mốc lớn đối với chính quyền Mỹ - vốn thích tiến tới các thỏa thuận thương mại tự do song phương hơn, và có thể làm gia tăng sự tự tin của họ trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai”, He Ping, Phó Giáo sư tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho hay.
Những bước nhượng bộ từ Nhật Bản có thể là kết quả của mối quan hệ mạnh hơn giữa Mỹ và Nhật Bản, ông nói.
Thỏa thuận này cũng có thể giúp ông Trump có được sự ủng hộ từ những người nông dân Mỹ. Trước đó, những người nông dân phàn nàn về chuyện đánh mất thị phần vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và việc ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại đa phương có thể giảm bớt rào cản thương mại với Nhật Bản.
“Xét tới việc nông nghiệp là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện tại, nông nghiệp có thể có tác động gián tiếp đến các cuộc đàm phán sắp tới”, ông nói.
Ngoài ra, các chuyên gia ở Bắc Kinh lo ngại rằng thỏa thuận giữa Mỹ (nền kinh tế lớn nhất thế giới) và Nhật Bản (nền kinh tế lớn thứ ba thế giới) có thể bao gồm những điều khoản “độc hại”, theo đó ngăn chặn các đối tác thương mại tự do của Mỹ ký kết thỏa thuận thương mại với các “quốc gia phi thị trường” như Mỹ đã mô tả về Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã dọa thêm vào điều khoản này vào tất cả thỏa thuận thương mại trong tương lai.
“Nếu thỏa thuận Mỹ-Nhật không có điều khoản đó, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn đối với Trung Quốc. Nếu không, đây có thể là động thái kìm hãm Trung Quốc”, Zhou Yongsheng, Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Đối ngoại Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định. “Nếu thỏa thuận Mỹ-Nhật có thêm vào điều khoản đó, thì thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khó mà được thông qua”, ông nói.
RCEP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. 16 quốc gia này đã hoàn tất 27 vòng đàm phán về thỏa thuận RCEP trong tháng 7/2019.
Vương Đông (Theo SCMP)
FiLi
|