Thứ Năm, 12/09/2019 16:00

Nhịp đập Thị trường 12/09: Đầu xuôi, đuôi lọt

Thị trường khởi sắc hơn hẳn trong phiên chiều, ngược lại so với mối e ngại của vài phiên trước đó. Trong bối cảnh thiếu động lực (tin tức) và kém thanh khoản, thậm chí một số mã lại không “cần” khối ngoại, nhóm Large Cap lại bỗng dưng đồng loạt tăng giá, trong đó nổi bật những cái tên như FPT, HVN, VCB, VJC

Nhóm VN30 tính đến lúc đóng cửa có đến 22 mã tăng giá, ngược lại với chỉ 4 mã giảm. Điều ngạc nhiên là trong 4 mã giảm thì có ROS. Những phiên gần đây, ROS thường giảm gần như nguyên ngày, nhưng lại tăng vào mỗi đợt ATC. Hôm nay, ROS cũng hồi lại chút ít vào ATC, nhưng giá khớp lệnh lại thấp hơn tham chiếu 600 đồng/cp.

Nhóm ngân hàng không còn mã nào giảm giá về cuối phiên chiều, thậm chí những mã như VCB, MBB, ACB, VPB còn tăng mạnh nhất vào phút chót.

Sắc xanh cũng bao trùm trên đa số Large Cap và Mid Cap của các nhóm vốn hóa lớn là BĐS nhà ở và dầu khí, hay các nhóm nhỏ hơn như bảo hiểm, thủy sản... Tuy nhiên vẫn có vài nhóm ngành nhỏ phân hóa như dệt may, hay thậm chí nghiêng về sắc đỏ như mía đường, chứng khoán, cao su…

Diễn biến trên HNX rõ ràng là chịu ảnh hưởng từ HOSE, tuy nhiên chỉ số sàn này chỉ tăng nhờ 73 mã tăng giá, trong tổng số gần 370 cổ phiếu. Các Large Cap từ ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm… đã giúp HNX-Index tăng 0.94% lên con số “nhị phân” 101.11 cuối chiều nay.

Nhóm hàng không tăng khá tốt trong ngày hôm nay, trong bối cảnh ít được nhắc đến, so với  nhóm BĐS công nghiệp hay “họ” Viettel. HVN tăng hơn 4%, ACV và VJC đều tăng trên 2%. Có lẽ nhà đầu tư đang bắt đáy ACV và HVN sau chuỗi ngày dài giảm giá.

Cổ phiếu “thủy ngân” RAL bắt đầu “chạy” sau 30 phút mở đầu phiên chiều, có lẽ liên quan đến tuyên bố của Bộ trưởng Bộ TNMT. Thực tế những phiên gần đây cũng không có cảnh đổ vỡ mạnh trên biểu đồ giá RAL, cổ phiếu này chỉ giảm chừng 10%. Có lẽ thanh khoản thấp cũng là một yếu tố đỡ giá cổ phiếu.

Hôm nay HPG bất ngờ được mua ròng mạnh. Trong phiên sáng khối ngoại mua ròng hơn 1.5 triệu cp thì đến cuối phiên chiều, con số mua ròng tổng đã lên đến gần 2.7 triệu cp. Lưu ý rằng 5 ngày liên tiếp từ 03/09 đến 09/09 khối ngoại vẫn bán ròng mạnh HPG, nhưng họ đã bất ngờ mua ròng gần 1.7 triệu cp trong ngày hôm qua. Như vậy có khả năng đang có tổ chức hay quỹ nào đó gom mua cổ phiếu này, và có thể họ sẽ còn mua trong những phiên tới. 

Phiên sáng: Êm ả

VN-Index tạm dừng phiên sáng ở mức 972,98 điểm, với tâm lý khá lạc quan. Dao động của chỉ số khá lớn vào đầu phiên, nhưng sau đó giảm dần và duy trì ổn định trạng thái đi ngang về cuối phiên.

Tuy tâm lý có vẻ chùng xuống vào giữa phiên, thể hiện ở nhiều Large Cap như GAS, MWG, PLX, VCB, VNM… nhưng chỉ số index vẫn duy trì được sắc xanh cho đến hết phiên sáng. Tương quan tăng – giảm giá trên sàn HOSE vẫn nghiêng về phía tăng, tuy nhiên thực tế số cổ phiếu tăng giá không nhiều hơn bao nhiêu so với thời điểm đầu phiên. Ngược lại số cổ phiếu giảm giá thì đã lên đến 113 mã, nhiều hơn hẳn so với khoảng 60 mã thời điểm ATO.

Diễn biến chỉ số HNX có vẻ tương đồng với VN-Index, tuy nhiên chỉ số UPCoM-Index lại có sự bứt phá sau 10h (chủ yếu đến từ ACV hay FOX), và vào những phút cuối.

Trong nhóm VN30, FPT tăng giá 3.3% vào cuối phiên, trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm và đẩy BVH xuống thứ hai. Sau khi đi ngang chừng gần tháng, có vẻ như FPT muốn tiếp tục leo dốc. Về mặt kỹ thuật, FPT là Large Cap rất đáng chú ý lúc này.

MSN khởi đầu không tệ, nhưng sớm giảm giá và duy trì đà giảm đến lúc này (-1.15%). Khối ngoại có lượng bán ròng chiếm hơn 60% tổng lượng khớp sáng nay, và có lẽ chính là nhân tố “đạp” giá cổ phiếu này. Tình hình tương tự ở MSR, vốn tăng giá mạnh trong tuần qua nhờ tin tốt.

HPG nổi lên sáng nay nhờ gắn liền với yếu tốn vốn ngoại. Kết phiên sáng, khối ngoại mua ròng hơn 1.5 triệu cổ phiếu này, giúp giá tăng 1.8%.

Các nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, BĐS dân dụng hay dầu khí nhìn chung vẫn có diễn biến tích cực, với màu xanh làm chủ đảo, tuy nhiên sắc xanh không được đậm như lúc đầu phiên. Tuy nhiên, hàng không đang nổi lên với sự dẫn dắt từ ACV và HVN. Tương tự với hàng không có thể kể tên nhóm bảo hiểm, với nhiều mã tăng cùng lúc với khởi đầu từ BVH.

Nhóm BĐS công nghiệp vốn thu hút sự quan tâm từ sớm, do có nhiều mã tăng trần, tuy nhiên đến cuối phiên sáng thì sức hấp dẫn có vẻ giảm dần. Các mã tăng trần như BCM, SNZ, NTC… thì đến cuối đã giả đà tăng do lực bán nhiều hơn.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Thành viên HĐQT SBT vừa đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu SBT, dự kiến bắt đầu từ 17/9 đến 16/10. Tuy vậy sáng nay giá SBT chỉ tăng có 1 00 đồng. Nếu nhìn xa hơn chút, thì sau phiên tăng 4% cuối tháng 8, vốn tưởng giúp SBT tạo đà bứt phá khỏi khu vực 16,000 đồng, thì các phiên sau đó lại rất ổn định và chỉ tăng nhẹ tổng cộng chưa đầy 1,000 đồng nữa.

10h45: Dao động ngang sau ATO

Chỉ số VN-Index đang dao động ngang xung quanh mức ATO, tức hơn 972 điểm, thậm chí có lúc tăng lên gần 975 điểm. BVH, FPT, VJC… tăng giá tốt sau ATO và đỡ chỉ số, trong khi một số Large Cap đang đuối so với đầu phiên như GAS, MWG, MSN, PLX, SAB… Nhìn chung có chút rủi ro, rằng chỉ số có thể lui về gần tham chiếu khi số lượng mã vốn hóa lớn đang giảm đà tăng. Có lẽ tâm lý hưng phấn đã sớm chùng xuống. Mặt khác có thể thấy dấu hiệu rủi ro này cũng thể hiện ở nhiều midcap và cả Small Cap.

BVH sau khi có dấu hiệu bắt đáy hôm qua thì sáng nay đã được đẩy giá lên, tăng khoảng 2.3% tính đến lúc này. Tuy nhiên còn hơi sớm để nói biểu đồ BVH đã tạo đáy. Sáng nay giá cổ phiếu này tăng nhưng lượng khớp thấp, và tương quan lệnh đặt vẫn nghiêng về bên bán.

Nhóm ngân hàng đang gần như đứng yên, tâm lý có vẻ chùng xuống so với đầu phiên. Dù số mã giảm giá vẫn rất ít, nhưng trừ VCB tăng đáng kể (+1%) hầu hết còn lại tăng dưới 1%. Gần đây ngân hàng được nhắc đến nhiều do liên quan đến 3 chỉ số mới mà HOSE vừa công bố bộ quy tắc, nhưng giá cổ phiếu vẫn đi ngang (BID, KLB, HDB, CTG…) hay giảm nhẹ (ACB, MBB…).

Nhóm cổ phiếu BĐS công nghiệp vẫn thu hút quan tâm vì nhiều mã tăng, nhưng ngoại trừ NTC, SNZ… thì nhiều mã đã lui dần, bao gồm cả KBC, BCM, SPI

HBC, NTL đang có dấu hiệu bắt đáy trong số các cổ phiếu xây dựng. Lượng khớp trên HBC đã tăng hơn 2.3 triệu cổ phiếu.

YEG tiếp tục giảm 4.7% sáng nay, sau phiên giảm sàn hôm qua. Gần đây cổ phiếu này đã thiết lập 5 phiên liên tiếp tăng mạnh (4/5 phiên tăng trần), đẩy giá tăng trở lại từ khoảng 50,000 đồng lên hơn 70,000 đồng, nhờ tin lãnh đạo mua vào. Tuy nhiên kết quả giao dịch của lãnh đạo lại cho thấy có vẻ đó là các giao dịch thỏa thuận giữa họ với cổ đông lớn, và giá YEG có thể được đẩy lên nhằm lọt khung (biên độ) cho giao dịch thỏa thuận của họ, do đó khi giao dịch xong, cổ phiếu YEG lại rơi.

Mở cửa: Đầu xuôi

Chứng khoán Mỹ đêm qua tăng điểm nhờ thiện chí của các lãnh đạo Mỹ - Trung, và đó có thể là tin tốt cho chứng khoán Việt sáng nay. Tuy nhiên, khối lượng lệnh đặt trong đợt ATO vẫn có vẻ rất yếu, ngay cả trên các mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Chỉ số Dow Jones đã quay lại vùng đỉnh cả năm nay là 27,000 điểm, nhưng VN-Index vẫn cách vùng đỉnh 1,000 điểm khá xa. Sau ATO sáng nay, mức tăng của VN-Index khá nhẹ, chỉ 3 điểm. Nhóm Small Cap sàn HOSE có vẻ chạy nhanh hơn Large Cap và Mid Cap. Tuy chỉ số tăng nhẹ, nhưng nhìn chung diễn biến giá cổ phiếu là tích cực.

Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS dân dụng hay dầu khí đều phủ màu xanh. Các nhóm ngành nhỏ hơn cũng tương tự, nói cách khác cũng khó kiếm nhóm ngành tiêu cực. Hy vọng “đầu xuôi đuôi lọt”, chứ không suy giảm như những phiên gần đây.

Đến sát thời điểm khớp ATO nhưng 2 bên mua và bán cổ phiếu RAL vẫn lệch nhau trên tham chiếu. Dù đang gặp thông tin bất lợi, nhưng ngạc nhiên là giá cổ phiếu RAL không rơi, chỉ có thanh khoản kém mà thôi.

Quỹ HDI Global SE đã nâng tỷ lệ sở hữu tại PVI lên 41%, sau khi công bố kết quả mua 2.8 triệu cổ phiếu (có thể là qua giao dịch thỏa thuận). Như vậy tổng khối lượng mà khối ngoại sở hữu PVI đã vượt 55%.Giá cổ phiếu PVI có vẻ chững lại trong tháng 9, sau khi giảm mạnh ngay trước đó từ gần 40,000 đ/cp về 33,700 đ/cp sáng nay.

Giá dầu thế giới đêm qua giảm 3% nhưng sáng nay cổ phiếu dầu khí Việt vẫn xanh mướt, bao gồm cả GAS, POW, PVS, PVD… POW thuộc nhóm tăng giá mạnh nhất (+3.3%) có lẽ là bắt đáy sau chuỗi giảm giá kéo dài gần 3 tháng. Nếu nhìn vào POW, có lẽ cũng nên ngó qua BSR do cũng giảm giá dài tương tự, mà sáng nay thì vẫn đứng yên.

Lãnh đạo FTM đã lên tiếng cảnh báo rằng cổ phiếu đang chịu thiệt hại từ những tin đồn thất thiệt, tuy nhiên sáng nay lệnh bán chất giá sàn vẫn nhiều hơn 10 triệu. Không rõ đây là lệnh bán của nhà đầu tư hay lệnh margin call. Có vẻ những phiên giảm sàn vẫn sẽ còn kéo dài.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng quyền 12/09/2019: CHPG1904 tăng giá kỉ lục (11/09/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 12/09/2019: Tốt xấu đan xen (11/09/2019)

>   Vietstock Daily 12/09: Trở lại giai đoạn điều chỉnh? (11/09/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 11/09: Khối lượng khớp lệnh lại sụt giảm (11/09/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 11/09/2019: Tín hiệu ủng hộ phe Short xuất hiện (10/09/2019)

>   Thị trường chứng quyền 11/09/2019: Sự phân hóa diễn ra (10/09/2019)

>   Vietstock Daily 11/09: Sự bi quan dần đạt đến đỉnh điểm (10/09/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 10/09: VN-Index giảm điểm với thanh khoản cao nhất trong 9 phiên trở lại (10/09/2019)

>   Thị trường chứng quyền 10/09/2019: Giá trị giao dịch tăng mạnh (09/09/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 10/09/2019: Hạn chế giữ lệnh qua đêm (09/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật