Nhịp đập Thị trường 11/09: Khối lượng khớp lệnh lại sụt giảm
Các chỉ số thị trường nhanh chóng lấy lại sắc xanh, song chỉ có VN-Index vẫn giữ trên mình sắc đỏ.
Kết phiên, VN-Index đạt mức 969.31 điểm, giảm 0.1%. HNX-Index dừng tại mức 100.17 điểm, tương đương mức tăng 0.2%. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 299 mã tăng điểm và 251 mã giảm điểm. Độ rộng trong rổ VN30 khá cân bằng với 13 mã giảm, 4 mã tăng và 13 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu phân bón tiếp tục có sự điều chỉnh, với SFG và DPM điều chỉnh sâu hơn 3%. Theo góc nhìn kỹ thuật, cả hai mã đã giảm vượt ra khỏi Lower Band của Bollinger Bands, qua đó khiến khả năng giá tiếp tục có điều chỉnh trong những phiên tới tăng lên.
Rổ VN30 đã có những diễn biến trái chiều trong giai đoạn cuối phiên chiều. REE, PNJ và TCB bất ngờ tăng tốc và tăng hơn 1%, dù thanh khoản của các mã này không mấy ấn tượng. Trong khi đó, VIC và VNM là hai mã liên tục chịu sức ép và giảm hơn 0.5%.
MSN, HPG và VCB được ấn định là trụ chính cho chỉ số VN-Index và đối trọng với những mã này là VHM, VNM và VIC.
Thanh khoản tiếp tục là một vấn đề nan giải đối với thị trường khi tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt gần 2,100 tỷ đồng, sụt giảm hơn 25% so với phiên trước. Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE nay chỉ sụt giảm 4% so với phiên hôm trước, phần lớn nhờ vào sự gia tăng trong giao dịch thỏa thuận khi tổng giá trị giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,600 tỷ đồng. Để ý rằng trong giai đoạn 2 tuần gần đây, việc giao dịch thông qua hình thức thỏa thuận đã được đẩy mạnh, trong khi giao dịch khớp lệnh lại khá lèo tèo.
Sắc xanh tràn ngập trong nhóm bất động sản dân dụng sau phiên ATC với hàng loạt các mã tăng hơn 2%, cụ thể là LDG, LGL, HDG và DRH. LDG có lẽ là mã ấn tượng nhất trong nhóm khi đã tăng trưởng hơn 30% trong gần 1 tháng qua, nhiều khả năng đến từ thông tin LDG Group tự tin vượt kế hoạch lợi nhuận 2019. LGL là một trong những mã tăng mạnh nhất nhóm ở mức hơn 6% với mức thanh khoản tốt. Khối ngoại cũng mua ròng mã này. Theo góc nhìn kỹ thuật, giá đã hoàn thiện mẫu hình Descending Triangle và mục tiêu giá ở vùng 11,400-11,500.
Lực cầu cũng được đẩy mạnh ở nhóm bất động sản khu công nghiệp khi D2D bất ngờ tăng trần trong tình trạng trắng bên bán, còn SIP bứt phá 7.2%. Sự bất ngờ cũng nằm ở LHG khi mã bất chợt tăng hơn 2% trong 45 phút giao dịch cuối cùng. Trên đồ thị kỹ thuật, giá đã tạo mẫu hình nến Piercing Line dự báo về sự đảo chiều trong ngắn hạn. Đặc biệt hơn, sắc đỏ đã phai dần ở hầu hết các mã, ngoại trừ VGC.
Một lượng lớn cổ phiếu đã được khớp ở HSG và giúp mã đạt được mức tăng 2.3%. Phải chăng đây là dấu hiệu đánh dấu một nhịp tăng mới của mã khi HSG đã giảm gần 30% giá trị nếu tính từ đỉnh tháng 03/2019 tới nay.
Ngành vật liệu xây dựng là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 2.52%. Ngược lại, ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.86%.
Khối ngoại bán ròng 0.53 tỷ đồng trên sàn HOSE và 6 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các mã VHM và VNM trên sàn HOSE. PVS và SHS là hai cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h: Lực cầu được đẩy mạnh trên rổ VN30
Nhờ vào lực cầu được đẩy mạnh trên nhóm cổ phiếu rổ VN30, chỉ số VN-Index đang dần thu hẹp lại đà giảm song vẫn chưa lấy lại được sắc xanh của mình.
Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên bán với 242 mã tăng và 278 mã giảm điểm. Sắc xanh dần mở rộng trong rổ VN30 khi cả rổ có 9 mã tăng, 17 mã giảm và 4 mã đứng giá.
VHM duy trì mức giảm gần 2% và vẫn là tác nhân chính cho sắc đỏ của VN-Index, qua đó lấy đi của thị trường 1.45 điểm. Ở chiều ngược lại, hai mã MSN, HPG tăng hơn 2% cùng với mức tăng nhẹ của VCB là những nguyên do chính giúp chỉ số tránh sự giảm sâu.
“Ông lớn” trong ngành thép là HPG tiếp tục giữ được diễn biến tích cực từ đầu phiên với mức tăng hơn 2.5%, khối ngoại hiện đang mua ròng hơn 1 triệu đơn vị tại cổ phiếu này. Cổ phiếu TLH cũng đạt được mức tăng tương tự là 2.7%. Các mã còn lại trong ngành như HSG, NKG giảm nhẹ quanh 0.7%.
Nhóm chứng khoán cũng tiếp tục cho thấy sự lạc quan của mình khi sắc xanh lan tỏa hầu hết trên các mã nhóm này. Có thể nhắc đến như VND, VCI tăng hơn 1%, SSI, BSC, TVB tăng trung bình 0.5%.
Sau phiên đạt khối lượng lớn nhất trong vòng 2 tháng qua nhờ vào lực cầu bắt đáy khi giá đã rớt về đường SMA 200 ngày, PHR đã tăng trưởng trở lại trong phiên hôm nay ở mức 3%, dù khối ngoại vẫn đang bán ròng cổ phiếu. Diễn biến những mã khác trong nhóm cao su lại không tích cực đến thế khi GVR, TRC và DPR đều điều chỉnh.
Vẫn chưa có dấu hiệu mạnh lên trở lại từ bên bán ở nhóm bất động sản khu công nghiệp khi đa phần các mã vẫn giữ được sắc xanh trên 2%, điển hình là SIP, TIP, D2D, SZC, SNZ. Ngoài ra, các mã bị điều chinh trong nhóm này hầu hết đều ở mức dưới 1%.
Ngành sản phẩm cao su là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.87%. Ngược lại, ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.96%.
Phiên sáng: Vẫn chưa khởi sắc
Các chỉ số thị trường tiếp tục sụt giảm, song mức độ lại khá nhỏ. Tuy nhiên, điểm tích cực nằm ở thanh khoản khi tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đã có cải thiện so với phiên hôm qua và đạt gần 2,200 tỷ đồng.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 967.93 điểm, giảm 0.24%. HNX-Index dừng tại mức 99.77 điểm, tương đương mức giảm 0.2%. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 228 mã tăng điểm và 269 mã giảm điểm. Sắc đỏ mở rộng trong rổ VN30 với 17 mã giảm, 8 mã tăng và 5 mã đứng giá.
Đà giảm gần 2% của VHM là tác nhân chính khiến VN-Index giảm điểm trở lại. Ở bên kia chiến tuyến, HPG và MSN, VCB là những mã chính giúp cho chỉ số không giảm sâu.
Sắc xanh vẫn được duy trì trên các cổ phiếu nhà Viettel khi CTR tăng gần 8.5%, VTK tăng gần 7% và VGI cũng tăng hơn 2%.
Nhóm bất động sản dân dụng có diễn biến khá trái chiều trong phiên sáng nay. Sắc đỏ bao trùm các cổ phiếu họ Vingroup khi mà VHM giảm gần 2%, VRE và VIC giảm không quá 0.5%. Ngược lại, các mã tăng điểm như DXG, NLG và NVL đều tăng không quá 1%.
Sau phiên sụt giảm hôm qua, nhóm ngành vận tải biển đã phân hóa trở lại trong phiên sáng nay. DVP hiện đang là mã ấn tượng khi tăng gần 2% và thanh khoản tốt, sắc xanh cũng xuất hiện trên các mã CLL, DXP và PHP. Ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên các mã GMD, SGP và VSC với mức giảm lần lượt 0.4%, 1.9% và 0.9%.
Ngành vật liệu xây dựng đang là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 1.29% Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 1.94%.
Khối ngoại mua ròng gần 21 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 5 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các mã NVL và HPG trên sàn HOSE. PVS và SHS là hai cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Xanh rồi lại đỏ!
Kịch bản giằng co tiếp tục được chỉ số VN-Index thực hiện trong phiên sáng nay bởi sau khi giành lại sắc xanh, chỉ số nhanh chóng điều chỉnh trở lại và rơi khỏi mốc tham chiếu.
Khối lượng giao dịch hôm nay đã có những chuyển biến tích cực hơn so với ngày hôm qua khi tổng giá trị giao dịch gần 1,090 tỷ đồng (tính đến 10h10)
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 243 mã tăng và 219 mã giảm điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả rổ có 13 mã tăng, 7 mã giảm và 10 mã đứng giá.
VN-Index xuất hiện sắc xanh nhờ sự dẫn dắt của các trụ cột chính như VCB, SAB và HPG. Ở phía bên kia chiến tuyến, VHM là mã chính kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Nhóm ngân hàng hiện có sự phân hóa. Các Large Caps có thể kể đến như VCB, TCB và CTG đều xuất hiện sắc xanh nhưng không quá 0.5%. Trong khi đó, các mã như EIB và HDB duy trì sắc đỏ với mức giảm lần lượt 1.2% và 0.6%.
Diễn biến nhóm chứng khoán đã tích cực hơn so với phiên hôm trước khi sắc xanh hiện chiếm ưu thế trong nhóm. VND hiện là mã ấn tượng nhất với mức tăng 1.5% và mức thanh khoản tốt. Sắc xanh còn xuất hiện trên SSI, HCM, TVB, FTS, song sắc xanh này khá yếu ớt chỉ dưới 1%.
Nhịp phục hồi đang hình thành trên các cổ phiếu của nhóm bất động sản khu công nghiệp khi hầu hết các mã đều lấy lại sắc xanh. D2D, SZC, SIP, SNZ là những điểm nhấn trong nhóm khi bật tăng hơn 2%, tuy nhiên thanh khoản của các mã này khá thấp cho thấy nhịp hồi này chỉ mang tính kỹ thuật hơn là một nhịp hồi đảo chiều trong xu hướng ngắn hạn.
Sắc xanh hiện là tông màu chủ đạo ở nhóm thép, dẫn đầu là “ông lớn” HPG khi tăng trưởng gần 3% và tiếp tục nhận được hỗ trợ từ lực cầu từ khối ngoại. TLH cũng là một mã tăng trưởng gần 3% với mức khối lượng vượt đường SMA 20 ngày. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã đang nhận được lực đỡ từ đáy cũ tháng 02/2019 (tương đương vùng 4,200-4,600) và đang dao động trong một kênh đi ngang.
Vật liệu xây dựng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.82%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.94%.
Mở cửa: Giằng co quanh mốc tham chiếu
Thị trường mở phiên với ảm đảm với các chỉ số thị trường liên tục trồi sụt quanh mốc tham chiếu.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 135 mã tăng và 119 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang khá cân bằng khi cả rổ có 10 mã tăng, 9 mã giảm và 11 mã đứng giá.
VCB , GAS và VIC hiện là những mã có tác động tích cực nhất tới thị trường... Trong khi đó, sự trồi sụt trên VN-Index được gây nên bởi sức ép chính đến từ VNM, ROS và BID.
Nhóm dầu khí mở phiên không mấy lạc quan sau thông tin giá dầu suy yếu. PVB, PVC xuất hiện sắc xanh nhẹ, trong khi OIL, PVS sụt giảm gần 1%.
Sắc xanh đã xuất hiện trở lại trên nhóm họ Viettel khi CTR bật tăng trở lại gần 9%, trong khi VTK tăng hơn 3%, còn VTP và VGI nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Theo góc nhìn kỹ thuật, nhờ vào lực đỡ từ đường SMA 65 ngày mà CTR đã thu hẹp đà giảm trong phiên hôm qua và tăng trưởng trở lại trong phiên sáng nay.
Nông-lâm-ngư hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.46%. Ngược lại, sản xuất gia dụng hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.34%.
Lý Hỏa
FILI
|