Luật sư Nguyễn Thế Truyền: “Rạng Đông không thể xin lỗi suông, phải đền bù thiệt hại”
Phát tán 15,1 - 27kg thuỷ ngân trong đám cháy ngày 28/8, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) đã gửi lời xin lỗi đến chính quyền thành phố Hà Nội, quận Thanh Xuân và xin lỗi người dân hai phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình. Tuy vậy, với mức độ thiệt hại lớn, ở góc độ pháp luật và các vụ tương tự, giới luật sư cho rằng người dân sống xung quanh khu vực nhà máy bị ảnh hưởng sức khoẻ phải được đền bù thoả đáng.
Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật Thiên Thanh cho biết, kết quả đánh giá chất lượng môi trường không khí, đất, nước, tro xỉ sau vụ cháy sau hoạt động lấy mẫu của các cơ quan từ 30/8-1/9 đã có 1/12 mẫu nước mặt, được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế.
Các mẫu này được thu thập trên sông Tô Lịch (chú trọng nhiều ở ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông). Có 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt nam. Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.
"Rạng Đông phải bồi thường thiệt hại cho người dân"
Luật sư Truyền cho rằng người dân sống trong vùng ảnh hưởng của đám cháy nên sớm có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc sớm có kết luận chính thức về thảm họa môi trường do sự cố cháy tại nhà máy Rạng đông. Từ đó, có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có chế tài buộc nhà máy Rạng Đông bồi thường thoả đáng cho sự cố thảm họa môi trường này trên cơ sở thống kê, đánh giá thiệt hại của người dân, thiệt hại của việc khắc phục sự cố môi trường này và buộc Rạng đông chi trả.
"Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận thì Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật tiến hành khởi kiện doanh nghiệp để yêu cầu bồi thường để từ đó cơ sở chi trả bổi thường cho dân", vị luật sư chia sẻ.
Về cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại, ông Truyền dẫn quy định của Bộ luật Dân sự 2015: Theo quy định tại Điều 602 Bộ luật dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định khi chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.
Ông Truyền nhấn mạnh, với quy định trên, cá nhân, tổ chức có hành vi làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại, ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật chuyên ngành thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, kể cả chủ thể đó không có lỗi.
Theo quy định tại Điều 164 Luật bảo vệ môi trường 2014: "Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường của tổ chức mình, phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Nếu cá nhân gây ô nhiễm môi trường do thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại".
Ai có thể kiện Rạng Đông bồi thường?
Căn cứ theo Điều 187 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích nhà nước như sau: "Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật".
Nhận thấy, việc trong nước sông Tô Lịch có nồng độ vượt tiêu chuẩn/không khi xung quang nhà máy bị ô nhiễm thì đây là việc đã xâm phạm vào lợi ích công cộng, lợi ích chung của nhà nước.
Căn cứ theo nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017, Luật sư Nguyễn Thế Tuyền khẳng định trong vụ việc này quyền khởi kiện ở đây thuộc về Bộ Tài Nguyên và môi trường vì đây thuộc lĩnh vực mà Bộ phụ trách. Ngoài Bộ tài nguyên và Môi trường thì UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đều có quyền.
Về thủ tục sẽ áp dụng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
Nội dung khởi kiện là yêu cầu Công ty Cổ phần Rạng Đông bồi thường do hành vi gây ra ô nhiễm môi trường tại sông Tô Lịch.
Quyền lợi được đền bù, theo vị Luật sư này phải xét xem vào điều kiện thực tế, Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả. Sau đó áp dụng theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Không chỉ có như vậy, mà còn phải xét thêm về yếu tố lỗi để xác định mức bồi thường cho hợp lý.