Lãi suất tiền đồng giữa cuộc chơi của các nền kinh tế lớn
Động thái giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào cuối tuần trước đã gây xôn xao thị trường khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, thời điểm lựa chọn việc thông báo chính sách mới dường như đã được tính toán kỹ và nằm trong kế hoạch của nhà điều hành.
* NHNN giảm lãi suất điều hành, dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán?
* Vì sao NHNN giảm lãi suất điều hành?
* Giá USD tăng sau quyết định giảm lãi suất điều hành
Lựa chọn thời điểm
Ngày 13/9, NHNN thông báo đồng loạt giảm 0.25% lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở. Quyết định 1870/QĐ-NHNN ban hành ngày 12/9/2019 về việc điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực từ ngày 16/9/2019, tức ngay ngày thứ hai đầu tuần sau nhìn tại thời điểm công bố.
Đáng lưu ý là cũng vào ngày 12/9, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) – ngân hàng chung của 19 quốc gia sử dụng đồng Euro, đã hạ một trong các lãi suất chính sách quan trọng của mình và khởi động lại các giao dịch mua tài sản, vốn đã kết thúc vào cuối năm 2018; đồng thời báo hiệu rằng có thể nới lỏng chính sách hơn nữa để đảm bảo lạm phát tăng lên theo mục tiêu trong bối cảnh kinh tế yếu kém và rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu.
Cụ thể, ECB đã giảm lãi suất tiền gửi thêm 10 điểm cơ bản xuống âm 0.5%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2016, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 0.0% và lãi suất cho vay ở mức 0.25%. Chương trình nới lỏng định lượng với kế hoạch mua lại trái phiếu trị giá 20 tỷ EUR từ ngày 01/11 tới cũng sẽ chỉ kết thúc ngay trước khi ECB có kế hoạch bắt đầu tăng lãi suất trở lại.
Hành động của ECB được cho là sẽ tác động đáng kể lên quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách bắt đầu vào ngày thứ 4 này (18/9) và kết thúc vào ngày thứ 5 (19/9). Theo dự báo, Fed sẽ giảm thêm 0.25% lãi suất cơ bản, xuống mức 1.75% - 2.0%, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ hai trong năm nay. Có thể thấy, không hiểu vô tình hay hữu ý, mà thông báo của NHNN lại được đưa ra xen kẽ giữa thời điểm 2 NHTW lớn nhất thế giới là Fed và ECB công bố chính sách một cách trùng hợp.
Về thời điểm hiệu lực theo Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, mốc ngày 16/9 cũng trùng với thời điểm hiệu lực của chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) được công bố vào ngày 06/9, theo đó PBoC cũng sẽ giảm 0.5% - 1.0% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng tại nước này kể từ ngày 16/9.
Hòa nhịp xu hướng và đón đầu Fed
Động thái giảm lãi suất của NHNN được cho là hòa nhịp theo xu hướng chung của các NHTW toàn cầu, khi kể từ đầu năm đến nay số lượng NHTW giảm lãi suất đã lên đến hàng chục tổ chức. Tuy nhiên, việc lựa chọn hành động ngay sau quyết định điều chỉnh của ECB – NHTW lớn thứ 2 thế giới, có vẻ như đã được quan sát và tính toán kỹ càng, khi có thể gây được sự chú ý về mặt truyền thông tốt hơn, từ đó giúp khẳng định và lan tỏa định hướng mà NHNN muốn đưa ra thị trường.
Thời điểm NHNN lựa chọn để giảm lãi suất điều hành trước khi Fed giảm lãi suất cơ bản USD dường như có một chủ ý nhất định. Không chỉ đón đầu động thái của NHTW lớn nhất thế giới để khẳng định tính chính xác của dự báo, cũng như giảm bớt kỳ vọng tiền đồng tiếp tục tăng giá, mà còn tạo trước một khoảng trống ở chiều đi xuống cho tỷ giá USD/VNĐ nếu có diễn ra trong những ngày tới. |
Thời điểm hiệu lực của chính sách giảm lãi suất cũng như cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt của NHNN để ứng phó với chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc, mà sẽ tiếp tục làm suy yếu đồng Nhân dân tệ và gây áp lực lên VNĐ, vốn đã tăng giá khá mạnh với Nhân dân tệ thời gian qua. Đáng chú ý là lãi suất cơ bản (BIR) của Trung Quốc tuy vẫn giữ nguyên ở mức 4.35% kể từ tháng 10/2015 đến nay, nhưng nước này đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đến 3 lần trong gần 9 tháng qua và 7 lần tính từ đầu năm 2018 đến nay.
Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay cơ bản (LPR), trong tháng 8 vừa qua PBoC đã giảm từ 4.31% xuống 4.25% đối với kỳ hạn 1 năm, trong khi kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4.9% xuống 4.85%, tức giảm mạnh đến 0.5%. PBoC cũng đã đưa ra cơ chế lãi suất mới từ ngày 20/8, theo đó tất cả các khoản vay ngân hàng mới với có kỳ hạn từ 1-5 năm sẽ được liên kết với LPR, nhằm mục đích đáp ứng linh hoạt hơn chính sách tiền tệ của nước này. Đặc biệt trong cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 20/9 tới, PBoC dự kiến sẽ giảm lãi suất LPR thêm 6 điểm cơ bản, xuống chỉ còn 4.19%, đánh dấu lần giảm thứ 2 chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi.
Trước việc hàng loạt NHTW khác đã cắt giảm lãi suất, bao gồm những “ông lớn” như ECB hay PBoC, Fed khó có thể ngồi yên “chịu trận” để nhìn đồng USD tăng giá mà sẽ lại kích thích sự phẫn nộ nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do đó, việc Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất dường như là tất yếu trong cuộc họp lần này, khi đó đồng USD có thể chịu áp lực bán mạnh trên thị trường quốc tế và kéo theo tỷ giá USD/VNĐ tại thị trường trong nước suy giảm, hay nói cách khác là thúc đẩy tiền đồng tăng giá so với USD cũng như tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác.
Để có thể tiếp tục giữ tỷ giá theo mục tiêu đặt ra, NHNN khi đó buộc phải lựa chọn mua thêm ngoại tệ và bơm tiền đồng ra thị trường để kéo tỷ giá về mức hợp lý như mong muốn. Ngoài ra, khi thanh khoản VNĐ gia tăng rốt cuộc sẽ giảm áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng và từ đó kéo lãi suất tiền đồng giảm theo. Dù vậy, giải pháp mua ngoại tệ hiện vẫn đang có những rào cản và e ngại nhất định.
Chính vì vậy, thời điểm NHNN lựa chọn để giảm lãi suất điều hành trước khi Fed giảm lãi suất cơ bản USD dường như có một chủ ý nhất định. Không chỉ đón đầu động thái của NHTW lớn nhất thế giới để khẳng định tính chính xác của dự báo, cũng như giảm bớt kỳ vọng tiền đồng tiếp tục tăng giá, mà còn tạo trước một khoảng trống ở chiều đi xuống cho tỷ giá USD/VNĐ nếu có diễn ra trong những ngày tới.
Nói cách khác, việc giảm lãi suất điều hành vừa qua đã kéo giá USD gia tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng và trên thị trường tự do từ 20-40 đồng, thì trong trường hợp Fed giảm lãi suất đúng như dự báo vào ngày thứ 5 này khiến USD giảm giá trở lại trong khoảng 20-40 đồng, thì coi như tỷ giá trên thị trường thời gian qua vẫn được giữ vững khi mức biến động tỷ giá trước và sau khi Fed giảm lãi suất đã được bù trừ, do đó áp lực tăng giá tiền đồng từ động thái giảm lãi suất của Fed đã được triệt tiêu.
Ngoài ra, kể từ cuối tháng 9 cũng là thời điểm mà nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh cho mùa cao điểm cuối năm bắt đầu gia tăng, theo đó cũng sẽ có những áp lực lên nhu cầu vốn của các ngân hàng và tác động lên mặt bằng lãi suất. Do đó, việc NHNN công bố giảm lãi suất điều hành ngay từ giữa tháng 9 có lẽ là liều thuốc phù hợp để trấn an thị trường, cũng như là bước đi để các ngân hàng nhìn vào đó mà cân nhắc hành động cho phù hợp.
Nhung Võ
FILI
|