Thứ Ba, 17/09/2019 11:25

TP.HCM bắt băng nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi qua app

Một băng nhóm người Trung Quốc hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi qua app đã bị Công an quận 2, TP.HCM bắt giữ.

TP.HCM bắt băng nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi qua app - Ảnh 1.
Những nghi phạm người Trung Quốc - Ảnh: Công an cung cấp.

Ngày 17-9, Cơ quan CSĐT Công an quận 2, TP.HCM cho biết đã bàn giao 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) cùng hồ sơ, tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra hành vi hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi thông qua app.

Những nghi phạm bị tạm giữ gồm 6 người Trung Quốc (Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Han Chao, Zang jin Chen, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo) và 3 người Việt Nam (Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, Phạm Viết Thanh Nhã).

Theo Công an quận 2, khoảng 16h ngày 14-9, Nguyễn Vương Bảo - là nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City, chuyên tạo các app (ứng dụng) như BDong, VDong, UDong… cho vay tiền tín chấp trên mạng - đang ở tại một căn nhà thuộc khu phố 2, phường An Phú, quận 2.

Lúc này Bảo có mâu thuẫn với một số người Trung Quốc về việc nghi vấn Bảo chiếm đoạt tiền của công ty. Đồng thời sợ bị số người Trung Quốc "xử" nên Bảo nhắn tin cho một người bạn báo lại địa chỉ công ty và nhờ người bạn báo cho Công an quận 2.

TP.HCM bắt băng nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi qua app - Ảnh 2.
Những nghi phạm người Việt Nam - Ảnh: Công an cung cấp

Sau khi nhận tin báo, lực lượng Công an quận 2 nhanh chóng đến hiện trường và phát hiện 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) của công ty này có dấu hiệu hoạt động "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" nên phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận tại địa chỉ trên có hai công ty (Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City) đang hoạt động cho vay tín chấp do ông Nguyễn Khắc Hạnh làm giám đốc và một người tên là Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm phó giám đốc.

Hai công ty này đăng ký kinh doanh tại Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5-2019. Tại hai công ty này có khoảng 30 nhân viên là người Trung Quốc và Việt Nam hoạt động.

Sau khi tạo các app (do người Trung Quốc lập), hai công ty này thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo cho người vay tiền biết hình thức vay tiền nhanh gọn trên điện thoại di động.

Hai công ty tiến hành hoạt động kinh doanh từ ngày 9-5 tại một căn hộ ở phường Bình Khánh, quận 2. Đến ngày 30-7, Yan Xin thuê một căn nhà ở khu phố 2, phường An Phú, quận 2 để đổi địa điểm tiếp tục hoạt động cho vay.

TP.HCM bắt băng nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi qua app - Ảnh 3.
Tang vật cho vay qua app - Ảnh: Công an cung cấp

Theo quy định của công ty, chỉ cho khách vay tiền khi người đó cung cấp đầy đủ các thông tin đã nêu trong app ứng dụng như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, CMND, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người thân…

Khi khách vay cung cấp đầy đủ thông tin và số tiền cần vay thì nhân viên của công ty tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện thì được công ty xác nhận và chuyển số tiền vay vào tài khoản của người vay.

Khách vay tiền của công ty phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, khách vay phải trả đủ số tiền vay và tiền lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ngày.

Số tiền công ty cho khách vay từ 1,2 triệu đồng trở lên, việc vay và trả thông qua hình thức chuyển khoản giữa tài khoản của công ty với tài khoản của người vay.

Nếu chậm hoặc không trả tiền vay, tiền lãi, tiền phạt, phía công ty sẽ cho "lực lượng đòi nợ" làm đủ trò như đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội… để thu tiền cho vay nặng lãi.

SƠN BÌNH - MINH HÒA

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tỷ giá trung tâm và giá USD cùng tăng (17/09/2019)

>   ABBank chuyển trụ sở chính về Hà Nội (17/09/2019)

>   SSI Research: Giảm lãi suất không nhất thiết là nới lỏng tiền tệ (16/09/2019)

>   VIB ngập tràn ưu đãi mừng sinh nhật lần thứ 23 (17/09/2019)

>   HDBank đạt chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn (16/09/2019)

>   Viet Capital Bank “rục rịch” lên UPCoM (16/09/2019)

>   Ngân hàng HSBC Việt Nam bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc (16/09/2019)

>   Giá USD biến động bất nhất (16/09/2019)

>   NHNN giảm lãi suất điều hành, dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán? (16/09/2019)

>   Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm? (14/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật