Hàng xách tay về Việt Nam: 3 ngày một chuyến hàng "bay"
Không đơn thuần chỉ là xách tay tự phát, thị trường hàng ngoại này đã hình thành những đường dây vận chuyển, giao nhận hàng thông qua các công ty vận chuyển quốc tế.
Nữ nhân viên của một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay Hàn Quốc trưng bày các sản phẩm lên kệ - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Xu hướng chuộng hàng ngoại giá mềm của một bộ phận người tiêu dùng Việt đã khiến hàng xách tay ồ ạt đổ về dưới nhiều hình thức.
Khách ngồi ở Việt Nam cũng có thể "order" sản phẩm trên kệ hàng ở Nhật Bản, Thái Lan... và sẽ có người giao hàng tận nhà.
3 ngày một chuyến hàng "bay"
Theo lời giới thiệu của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản, chúng tôi tham gia các diễn đàn dành riêng cho các lao động, du học sinh và người Việt định cư tại các thành phố ở Nhật. Trên các diễn đàn này thường xuyên có những thành viên đăng tải các lịch bay, trọng lượng hàng ký gửi còn dư và luôn có những người bình luận "inbox riêng".
Theo chủ một công ty vận chuyển hàng hóa Việt - Nhật, những cuộc "inbox riêng" đó chính là thỏa thuận giá cả bán lại lượng hành lý ký gửi dư thừa để vận chuyển hàng xách tay về Việt Nam.
Dạng thứ hai là các chủ hàng sẽ mua luôn vé máy bay về Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất kèm 40kg hành lý ký gửi. Những người có nhu cầu về Việt Nam sẽ đặt một khoản tiền cọc để có được một chuyến bay miễn phí hoặc giá rất rẻ. Tiền cọc sẽ được hoàn lại khi hàng về VN trót lọt.
"Những ai kẹt tiền có thể săn được vé máy bay miễn phí về VN dạng này, thường hàng chỉ là những sản phẩm thông dụng nên sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu có thì người cầm vé tự chịu, chủ hàng sẽ không có ràng buộc pháp lý" - vị này nói.
Chúng tôi đã tiếp cận nhiều công ty trung gian phân phối sản phẩm, vận chuyển hàng từ Nhật Bản về các sân bay quốc tế ở Việt Nam. Lịch bay được các công ty này cập nhật liên tục, cứ trung bình ba ngày các công ty sẽ có một chuyến vận chuyển hàng qua đường hàng không, thậm chí có những thời điểm lịch chuyển hàng về được cập nhật cách nhật.
Chủ một công ty vận chuyển của người Việt có trụ sở tại Tokyo quả quyết: khách hàng sẽ được bảo hiểm 100% hàng hóa, và công ty này nhận cả những hàng hóa không có hóa đơn. Giá cho mỗi ký hàng hóa là 1.200 yen, tương đương 260.000 đồng. Nếu chuyển hàng số lượng lớn sẽ giảm xuống 1.100 yen/kg, tương đương 240.000 đồng.
Theo hướng dẫn của công ty, chúng tôi đã đến kho hàng của công ty tại phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM). Đây là nơi nhận hàng và trả tiền cho đơn vị vận chuyển. Ngoài kho hàng tại TP.HCM, doanh nghiệp này cũng có kho hàng ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Trong tháng 8 vừa qua, công ty đã giới thiệu lịch bay để khách có thể gửi hàng đến 22 chuyến bay từ Nhật Bản về VN. Ngoài ra, công ty này cũng nhận thu gom hành lý ký gửi hai chiều với những khách hàng còn dư trọng lượng.
Đối với thị trường Thái Lan, một đại lý chuyên phân phối hàng Thái cho biết khách chỉ cần đặt hàng, định kỳ sẽ có người Việt sang Thái Lan lấy, vận chuyển về VN theo đường bộ. Hiện cũng có nhiều công ty vận chuyển nhận chuyển hàng xách tay từ Thái Lan về Việt Nam và chủ yếu vẫn qua các cửa khẩu đường bộ.
Các loại nước hoa được một cửa hàng tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) giới thiệu là hàng xách tay từ Mỹ - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Người Hàn cũng bán hàng xách tay
Bên trong cửa hàng được giới thiệu "chính chủ người Hàn" ở Q.3 (TP.HCM), hàng loạt sản phẩm của các thương hiệu Hàn Quốc, nhiều mẫu mã sản phẩm chỉ có tiếng Hàn được bày ngăn nắp trên các kệ. Thấy khách hàng, nữ nhân viên nhanh chóng giới thiệu đây đều là những sản phẩm "độc", được xách tay từ Hàn Quốc do ông chủ là người Hàn trực tiếp vận chuyển hàng về Việt Nam.
Các sản phẩm được phân theo từng khu, có các bảng giới thiệu bằng tiếng Việt kèm giá tiền đã được giảm khiến ai bước vào cũng có cảm giác như đang ở trong một siêu thị mini Hàn Quốc. Từ mì gói, kẹo sâm, trà sâm, sâm cắt lát, trà linh chi, tinh dầu thông đỏ, dầu gội, sữa tắm, son, kem dưỡng da... xuất xứ từ Hàn Quốc với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Theo nữ nhân viên, ông chủ người Hàn chỉ mua về các sản phẩm người Việt chuộng hoặc mua theo đơn đặt hàng của khách. Do thường mua trong các đợt khuyến mãi nên nhân viên này cho biết hàng về khá hạn chế. Toàn bộ hàng hóa đều được mang ra giới thiệu hết cho khách hàng nên cửa hàng này vừa là kho vừa là nơi giao dịch.
"Ông chủ rất am hiểu hàng hóa Hàn nên ai mua ở đây đều yên tâm về chất lượng, đảm bảo đúng hàng tốt Hàn Quốc 100%" - nữ nhân viên khẳng định.
Tương tự, tại một cửa hàng bán hàng Nhật Bản ở TP.HCM trưng bày hàng ngàn sản phẩm gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, đồ trẻ em... là hàng nội địa Nhật. Ở khu vực bán quần áo, khoảng vài chục chiếc áo, quần đủ loại từ công sở, thể thao đến đồ mùa đông được treo trên các kệ với đủ thương hiệu song chỉ có vài size.
Nữ nhân viên của cửa hàng cho biết sở dĩ các loại quần áo rất hiếm size vì đây là hàng mua từ các đợt sale tại Nhật nên số lượng rất hạn chế.
Bên cạnh thương hiệu thời trang Nhật đang được người Việt khá chuộng là Uniqlo, các kệ cũng trưng bày nhiều loại áo quần các thương hiệu quốc tế như Gap, Adidas, H&M... với mức giá từ 500.000-900.000 đồng/sản phẩm, khá mềm so với các sản phẩm cùng hãng bán tại Việt Nam.
Với vị trí mặt tiền, đa dạng sản phẩm nên cửa hàng này thường có khá đông khách Việt đến mua sắm hàng Nhật. "Ở đây cũng có hàng do các nhà phân phối bán sang Việt Nam, nhưng nhiều sản phẩm là hàng xách tay từ Nhật" - nhân viên cửa hàng nói.
Đủ loại hàng xách tay từ Nga
Tại một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Nga ở TP.HCM, đại diện cửa hàng cho biết các loại hàng xách tay từ Nga về hằng tuần theo các chuyến bay. Không chỉ bày bán các mặt hàng gia dụng, rượu vodka, cửa hàng này còn bày bán rất nhiều loại thực phẩm như cá khô Astrakhan, đùi ngỗng, cánh ngỗng, trứng cá đen…
|