Giá cổ phiếu FTM liên tục giảm sàn là do tin đồn thất thiệt?
CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex, HOSE: FTM) vừa phát đi thông cáo báo chí chính thức về việc cổ phiếu FTM liên tục giảm sàn thời gian qua.
* Trước khi rớt 16 phiên sàn, FTM từng tăng giá gần gấp đôi trong 3 tháng
Trong thời gian qua, cổ phiếu FTM đã chứng kiến sự biến động mạnh với liên tục nhiều phiên giảm sàn. Chốt phiên giao dịch ngày 06/09/2019, giá cổ phiếu FTM chỉ còn 7,580 đồng/cp (ghi nhận 16 phiên giảm sàn liên tục). Trong một số phiên giao dịch, hàng triệu cổ phiếu FTM bị bán giá sàn trong khi không có thanh khoản.
Giao dịch cổ phiếu FTM từ đầu tháng 8/2019 đến nay
|
“Thêm vào đó, cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế 06 tháng năm 2019 âm. Trước tình hình này, trong thời gian vừa qua, thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều tin đồn gây bất lợi đến hình ảnh của công ty và quyền lợi của cổ đông”, thông cáo của FTM nêu rõ.
Cụ thể, FTM cho rằng thị trường xuất hiện một số bài viết trên các trang mạng mang tính chất định hướng dư luận không đúng sự thật về những thông tin liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM của Công ty. Những thông tin không xác thực này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh công ty và tâm lý nhà đầu tư.
“Hiện tại, Fortex cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan điều tra để làm rõ các thông tin. Đồng thời, chúng tôi cũng đã và đang gặp gỡ đại diện một số các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư để làm rõ các tin đồn thất thiệt và những thông tin quy chụp gây ảnh hưởng đến uy tín công ty” ông Nguyễn Hoàng Giang – Chủ Tịch HĐQT FTM cho biết.
Đồng thời, ông Giang cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những động thái để dập tắt tin đồn và những hành vi tiêu cực trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng đến uy tín Fortex và làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”.
Về tình hình kinh doanh công ty, Fortex ghi nhận mức lỗ 31 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24% so với mức 591 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2018. Kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đáng kể và chịu thua lỗ là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua. Cụ thể trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam.
Trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Vì thế, không chỉ riêng Fortex, các đơn hàng xuất khẩu sợi của Việt Nam rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ngành sợi có lượng hàng tồn kho ở mức cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.
Trước tình hình thị trường khó khăn, Fortex cũng như các doanh nghiệp ngành sợi đang đối diện với tình trạng “thắt lưng buộc bụng” với tình hình kinh doanh trong thời gian qua không mấy khả quan. Tuy vẫn còn sớm để đưa ra dự báo về ngành sợi tại thời điểm này. Fortex và các doanh nghiệp trong trong ngành vẫn kỳ vọng một tương lai sang sủa sau khi vượt qua đáy khủng hoảng.
Thành lập năm 2002 tại Thái Bình, Fortex sản xuất và kinh doanh các mặt hàng sợi cotton, nguyên liệu nhập từ các nước sản xuất bông chính như : Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Tây Phi, Úc… Công ty hiện có 3 nhà máy đặt tại KCN Nguyễn Đức Cảnh và KCN Tiền Hải tỉnh Thái Bình, với tổng cộng 110,000 cọc sợi tương đương công suất gần 17,000 tấn/năm.
Phương Châu
FILI
|