FTM có phải một "Thiên nga đen"?
Sau 30 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM lần đầu thấy lại sắc xanh, nhưng không ai dám khẳng định cổ phiếu này liệu có trở lại mức đỉnh cũ, hay có thể lao dốc trở lại sau bao nhiêu phiên nữa. Mà ngay cả đà giảm của FTM, có người nói ngẫu nhiên, nhưng không ít ý kiến cho rằng đó là sự cố ngoài ý muốn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Con người có thể tính toán chính xác từng giây lúc nào có nhật thực, nhưng không thể dự báo chính xác ngày mai giá chứng khoán sẽ như thế nào - một ý nổi bật được nhắc đến trong cuốn sách “Thiên nga đen” của Nassim Taleb, được xuất bản vào tháng 5/2007.
Ra đời vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế sắp bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, "Thiên nga đen" đưa đến một thông điệp nhiều tranh cãi, nhưng cũng không ít ý kiến phải thừa nhận: "Tất cả chúng ta đều nhắm mắt làm ngơ trước các biến cố hiếm hoi và cứ ảo tưởng mình có thể tiên đoán mọi rủi ro, mọi cơ hội". Taleb tin rằng nhà đầu tư thường bỏ qua nguy cơ thị trường có thể biến động mạnh khi đã trải qua một thời gian dài ổn định.
Câu chuyện này, dường như, có nét giống với biến động tại FTM.
Một biến cố "Thiên nga đen"...
Không phải những cổ phiếu bluechip hay nhóm ngân hàng, FTM mới là cái tên thu hút sự quan tâm trong một tháng gần đây, với pha "đổ đèo" mà không ai nghĩ điều đó có thể xảy ra. Giảm sàn 30 phiên liên tiếp, thị giá "bốc hơi" gần 90% chỉ trong hơn 1 tháng, cổ phiếu này tạo nên một trong những "kỷ lục đáng… khó gặp nhất" của thị trường chứng khoán.
Cho đến nay, những thông tin có được cho thấy người thiệt hại chính là những tổ chức, nhưng với những nhà đầu tư cá nhân, sự lo ngại không nằm riêng ở cái tên FTM mà ở diễn biến bất thường của cổ phiếu này với câu hỏi: "Liệu sự việc tại FTM có phải một biến cố 'Thiên nga đen', hay một sự việc đã được dự báo trước?"
Thử nhìn vào diễn biến của sự việc FTM. Xét về khía cạnh giao dịch, khó có thể nói có dấu hiệu nào báo trước đà sụt giảm "không phanh" của cổ phiếu này. FTM cho đến trước ngày 12/8, là một cổ phiếu thậm chí còn có những yếu tố tích cực xét về khía cạnh kỹ thuật. Thanh khoản trong 10 phiên giao dịch đầu tháng 8 bình quân trên 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên, vùng giá 24,000 đồng cũng được tích lũy trong khoảng 3 tháng sau đợt tăng giá kéo dài từ đầu tháng 3. Cổ phiếu này cũng nằm trong danh sách được cấp margin từ nhiều công ty chứng khoán.
Nhưng khi "sóng thần" ập đến, nhà đầu tư đúng nghĩa là không kịp trở tay. Phiên giảm sàn thứ 2, thanh khoản còn 500 cổ phiếu, 10 phiên liên tiếp sau đó giao dịch bình quân còn chưa tới con số này. Với lượng dư bán sàn nhiều phiên tới 30-40% lượng cổ phiếu đang lưu hành, gần như không có cách nào thoát hàng nếu đã đầu tư ở vùng giá đỉnh. Nhìn ở góc độ này, diễn biến tại FTM không khác gì một biến cố "Thiên nga đen".
Sau sự việc, những lý do của biến động này dần được hé lộ. Đợt giảm sàn liên tiếp có thể xuất phát từ việc cổ phiếu bị thao túng, cắt margin đột ngột từ các công ty chứng khoán... nhưng nhìn tổng thể, những nguyên nhân này không dễ để nhà đầu tư cá nhân có thể nắm bắt trước khi biến cố xảy ra.
Vậy có thể kết luận vụ việc tại FTM là một biến cố "Thiên nga đen" với những nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường? Nếu dừng ở vấn đề cổ phiếu thì có thể, nhưng nhìn sâu hơn vào nội tại của doanh nghiệp này, có nhiều điểm bất thường đã lộ ra từ trước khi cổ phiếu lao dốc. Những dấu hiệu mà nhiều người tin rằng đã báo trước "kết cục" của FTM.
Hay biến cố đã được dự báo?
Một trong những lý do trực tiếp dẫn tới đà lao dốc không phanh của FTM là việc bị cắt margin, lý do là bởi lợi nhuận âm trên báo cáo tài chính bán niên. Điều này, theo giải thích của lãnh đạo FTM, là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế có tới 25% là mặt hàng vải. Thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những dòng tweet của người đứng đầu nhà Trắng hay những thay đổi chóng mặt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều lần được giới chuyên gia gọi là những biến cố "Thiên nga đen", bởi khó ai có thể dự báo được. Nói đến đây, câu chuyện FTM dường như vẫn là những biến cố khó kiểm soát, nhưng thực tế có phải như vậy.
Nếu nhìn sâu hơn vào cấu trúc tài chính của FTM, dường như khoản lỗ này không sớm thì muộn cũng xảy ra. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp dùng đòn bẩy cao, nhưng tài sản lại không dùng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Trong bốn năm gần nhất, tổng tài sản FTM tăng khoảng 20%, thì tổng nợ phải trả tăng 24%. Nói cách khác, tài sản gia tăng được hình thành chủ yếu nhờ nợ vay. Tuy nhiên, phần gia tăng này lại không hướng vào sản xuất. Tài sản dài hạn của FTM gần 900 tỷ cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 630 tỷ cuối năm 2018, nguyên giá tài sản cố định hầu như không đổi. Trong khi đó, phần lớn tài sản tăng thêm lại nằm ở các khoản phải thu, cho vay, xoay quanh ba pháp nhân chính là CTCP Tập đoàn Đại Cường, chi nhánh CTCP Tập đoàn Đại Cường và Công ty TNHH Bất động sản New City.
Nhóm doanh nghiệp Đại Cường, nếu quay về thời điểm năm 2015, cũng là hạt nhân giúp FTM tăng vốn "thần tốc", từ 150 lên 500 tỷ đồng. Động thái này, dường như là cách FTM "trả ơn" nhóm công ty Đại Cường.
Tuy nhiên, vay nợ gia tăng trong khi hoạt động kinh doanh không khởi sắc khiến hiệu suất hoạt động giảm mạnh. Chi phí lãi vay năm 2015 ở mức 27 tỷ đồng, đã tăng lên gần 54 tỷ năm 2018. Hệ quả là lợi nhuận trước thuế giảm từ mức 79.3 tỷ năm 2015 xuống còn 31.7 tỷ năm gần nhất.
Bản thân hoạt động của chính FTM cũng có dấu hiệu đi xuống khi biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 12.5% năm 2015 xuống 7.5% năm 2018, trong nửa đầu 2019, con số này chỉ còn hơn 2%. Dùng đòn bẩy vay nợ cao trong bối cảnh kinh doanh sa sút, một tương lai không mấy tích cực với FTM dường như là kịch bản đã được định trước.
Chưa cần phân tích sâu hơn về động thái bất thường của các cổ đông lớn, hay mối quan hệ không rõ ràng giữa nhóm công ty liên quan đến cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường với FTM, bản thân nội tại trong công ty này đã cho thấy những rủi ro mà nếu không có những biến cố mang tên "Thiên nga đen", không sớm thì muộn cũng sẽ lộ diện. Và những hành động của nhóm cổ đông lớn, hay sự rút lui của những nhân sự chủ chốt, có vẻ như chỉ là nước cờ đi trước thị trường.
Nhã Tâm
FILI
|