Doanh nghiệp Việt nên làm gì khi thương chiến leo thang?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang căng thẳng, chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ. Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.
Việt Nam hưởng lợi cũng như gặp khó…
Tại hội thảo “Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?” diễn ra vào sáng ngày 06/09/2019, Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam cho rằng: “Trong tương lai gần, nếu trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Mỹ thì tác động tới kinh tế Việt Nam trở nên khá lớn, nhưng theo hướng có lợi bởi nước ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”.
Tuy vậy, ông Tuyển chia sẻ thêm, điều quan ngại là đồng Nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định vĩ mô.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ). Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm).
Tại thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam.
Các diễn giả tại Hội thảo sáng ngày 06/09
|
Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì?
Trước câu hỏi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì? Ông Tuyển cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ.
Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Trong khi đó, theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thương chiến diễn ra sẽ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý. Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa.
Tiếp theo, Việt Nam nên nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.
“Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam…”
Về tác động đến thị trường tài chính, ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có liên quan đến cả kinh tế và địa chính trị, khó có giải pháp nhanh chóng hay đơn giản cho vấn đề này. Như vậy, đây có khả năng là một yếu tố dài hạn mà tất cả nhà đầu tư phải xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư.
Cuộc chiến thương mại đã làm gia tăng những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu. Vì thế dẫn đến sự biến động mạnh ở các thị trường chứng khoán Mỹ, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên bằng phẳng và giá kim loại quý tăng lên - tất cả đều cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Điều này cũng được phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu.
“Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam mặc dù quốc gia này được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại - điều này cũng cho thấy sự e ngại của họ trước những rủi ro. Mặc dù các vấn đề chiến tranh thương mại chưa chắc sẽ sớm được giải quyết, dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) có thể sẽ được cải thiện vào cuối năm nay khi các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế trì trệ”, ông Mathew nói.
|
Minh Nhật
FILI
|